Cuộc đua vệ tinh viễn thông toàn cầu đang ngày càng nóng bỏng. Các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản lần lượt phóng vệ tinh với tham vọng kiếm bộn tiền từ vũ trụ.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Vệ tinh (SIA), doanh thu của ngành vệ tinh thế giới năm 2006 đạt hơn 106 tỷ USD. Thời kỳ 2005-2006, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 10,5%/năm - trong đó, doanh thu của dịch vụ vệ tinh băng rộng đạt 48,5 tỷ USD, tăng 7,5 tỷ USD so với năm 2005. Cao nhất là khâu sản xuất vệ tinh với doanh thu tăng 54% và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2008, do nhu cầu lớn về các dịch vụ băng rộng cao, đặc biệt là truyền hình số. Trong khi đó, doanh thu từ các dịch vụ vệ tinh năm 2006 mới tăng 19% so với 2005.

Các đại gia thế giới đã vào cuộc từ lâu

Dự kiến đầu năm 2011, ViaSat-1 sẽ được phóng vào vũ trụ. Đây là vệ tinh băng rộng có công suất lớn nhất thế giới. ViaSat - một công ty chuyên về vệ tinh viễn thông có trụ sở tại San Diego (Mỹ) - đã hợp tác với các tập đoàn vệ tinh băng rộng hàng đầu thế giới là Loral, Telesat và Eutelsat xây dựng nên ViaSat-1.

ViaSat-1 được thiết kế nhằm mở rộng chất lượng, năng suất và các dịch vụ vệ tinh băng rộng tốc độ cao cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tại Mỹ, Canada. ViaSat - một hãng đi đầu thế giới trong ngành công nghiệp băng rộng vệ tinh, đã đạt được các cam kết tài chính bảo hiểm cho ViaSat-1 trị giá 100 triệu USD cho đến ngày phóng ViaSat-1. ViaSat-1 đánh dấu bước nhảy vọt trong việc hướng tới các dịch vụ băng rộng tiên tiến qua vệ tinh. Hệ thống này được thiết kế để cung cấp một loạt dịch vụ có tốc độ cao hơn công nghệ cáp và DSL với mức giá tương đương dịch vụ vệ tinh hiện tại. Trên 600.000 thuê bao băng rộng vệ tinh ở những vùng “khó phục vụ” tại Mỹ và Canada được sử dụng dịch vụ.

“Sau này, những tương tác trên Internet liên quan đến hoạt động băng rộng cao như video và multimedia không còn nằm trong kế hoạch của các vệ tinh trước”, Mark Dankberg, Tổng giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch ViaSat nói. ViaSat đang đặt ra mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng những trải nghiệm cao cấp hơn dựa trên công nghệ tiên tiến và ViaSat-1 là phương tiện thực hiện.

Ngày 23/2/2008, Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng đã phóng thành công vệ tinh viễn thông thực nghiệm mang tên Kizuna trị giá 342 triệu USD, dự tính có thời hạn sử dụng trong 5 năm. Vệ tinh này được thiết kế cho phép truyền dữ liệu tốc độ siêu cao tại Nhật Bản và các nước khu vực Đông Nam Á. Nhật Bản hy vọng Kizuna sẽ cho phép truyền dữ liệu tốc độ lên tới 1,2 gigabyte mỗi giây với chi phí thấp; Tỷ lệ 1,2 gigabyte/giây cao gấp 150 lần so với tỷ lệ kết nối trung bình 8 Mbps của ADSL tốc độ cao. Kizuna sẽ bắt đầu nhận và chuyển dữ liệu vào tháng 7 tới.

Nhật Bản phóng vệ tinh đầu tiên năm 1970 và đã đạt một số thành tựu khoa học vũ trụ lớn. Nước này đang chạy đua với đối thủ khu vực là Trung Quốc. Trung Quốc đã 2 lần đưa phi hành gia lên vũ trụ kể từ năm 2003 và là nước thứ 3 đưa con người vào vũ trụ sau Nga và Mỹ.

Mới đây, vào ngày 28/1, Nga cũng phóng một vệ tinh viễn thông được gắn ở đỉnh của tên lửa chuyên chở. Vệ tinh Express-AM33 có tuổi thọ 12 năm sẽ thay thế vệ tinh Express-AM11 đã bị vô hiệu hồi năm 2006 do một tai nạn.

Để trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh lớn nhất thế giới, Trung Quốc dự định sẽ phóng 10 vệ tinh lên vũ trụ trong năm 2008. Hai năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của mình (2006-2010), Trung Quốc đã phóng lên vũ trụ mỗi năm 8 vệ tinh.

Theo ông Yang Baohua, người đứng đầu Cơ quan Công nghệ vũ trụ của Trung Quốc, thế hệ vệ tinh viễn thông mới nhất của họ có tuổi thọ 15 năm hoặc hơn. Trung Quốc đang có kế hoạch phóng một lượng vệ tinh kỷ lục lên vũ trụ trong vòng 5-10 năm tới, tuy nhiên ông không nói rõ con số chính xác. Nhiệm vụ của cơ quan vũ trụ Trung Quốc trong tương lai gần là đặt chân lên mặt trăng, xây dựng phòng thí nghiệm vũ trụ và chuẩn bị khám phá mặt trăng.

Không muốn tụt lại phía sau, tháng 9 năm ngoái Ấn Độ cũng phóng một vệ tinh viễn thông mang tên Insat-4CR vào vũ trụ, mang lại niềm hy vọng cạnh tranh trên thị trường vệ tinh toàn cầu của Ấn Độ. Nặng 2.130 kg, vệ tinh Insat-4CR được trang bị 12 kênh băng rộng - được gọi là hệ thống tiếp sóng. Ấn Độ bắt đầu có các chương trình vũ trụ vào năm 1963 và năm 1980 đã phóng thành công một vệ tinh.

Lịch sử của vệ tinh viễn thông

Theo trang web bách khoa toàn thư Wikipedia, vệ tinh viễn thông là một loại vệ tinh nhân tạo được đặt trong vũ trụ nhằm phục vụ các mục đích viễn thông. Đối với các dịch vụ cố định (point-to-point), vệ tinh viễn thông cung cấp công nghệ bổ sung cho cáp viễn thông ngầm.

Vệ tinh viễn thông đầu tiên được lắp đặt máy thu phát radio hoạt động trên 2 băng tần, 20,005 và 40,002 MHz là Soviet Sputnik 1 được phóng lên năm 1957. Vệ tinh viễn thông đầu tiên của Mỹ là Project SCORE được phóng vào năm 1958, sử dụng máy ghi âm để lưu và chuyển các tin nhắn thoại. Telstar là vệ tinh viễn thông tiếp âm trực tiếp đầu tiên. Nó được NASA phóng lên vào ngày 10/7/1962 tại Cape Canaveral.

Dự báo thời tiết là một trong những ngành nhận được những ứng dụng quan trọng nhất của công nghiệp vũ trụ. Vệ tinh viễn thông là công nghệ vũ trụ được thương mại hoá duy nhất - tạo ra hàng tỷ USD mỗi năm nhờ doanh thu của các sản phẩm và dịch vụ xung quanh nó.

Tuy vậy, không phải tất cả vệ tinh phóng lên đều thành công. Trong lịch sử vệ tinh, đã có nhiều quốc gia phải ngậm ngùi chấp nhận thất bại. Một bài nghiên cứu về hiện trạng vệ tinh trên toàn cầu của tác giả Bruce Elbert cho thấy, trong giai đoạn 1997-2005, có tất cả 170 vệ tinh được phóng lên và trong số này có 10 cái gặp trục trặc. Như vậy, tỷ lệ thất bại của vệ tinh giai đoạn đó là khoảng 6%.

Những ứng dụng chính của vệ tinh viễn thông

Ngành công nghiệp vệ tinh viễn thông bùng nổ với 4 mảng lợi nhuận chính: cho thuê hệ thống; các dịch vụ vệ tinh thuê bao; sản xuất thiết bị mặt đất và sản xuất vệ tinh. Tuy nhiên, ứng dụng đầu tiên quan trọng nhất trong lịch sử của vệ tinh viễn thông nằm ở điện thoại đường dài liên lục địa. Ứng dụng tiếp theo là truyền hình, truyền thanh.

Truyền hình trở thành thị trường chính với nhu cầu liên tục truyền đi một số tín hiệu băng rộng lớn đến nhiều trạm tiếp. Hai loại vệ tinh viễn thông được dùng cho mục đích truyền thanh, truyền hình của khu vực Bắc Mỹ là Vệ tinh Truyền thanh/hình trực tiếp (DBS) và Vệ tinh dịch vụ cố định (FSS). Tuy nhiên, năm 1994, khi nhà cung cấp DBS Mỹ đầu tiên là DirecTV được thành lập đã chuyển từ công nghệ vệ tinh FSS sang DTH. Dù vậy, vệ tinh FSS vẫn được các kênh cáp và vệ tinh nổi tiếng ứng dụng như CNN, The Weather Channel, HBO, Starz, và nhiều kênh khác. HBO là kênh truyền hình đầu tiên sử dụng vệ tinh để phân phối các chương trình của mình.

Sau những năm 1990, công nghệ vệ tinh viễn thông được sử dụng như một phương tiện để kết nối Internet thông qua các kết nối dữ liệu băng rộng. Ứng dụng này rất hữu ích cho những người truy cập Internet tại vùng sâu, vùng xa và không thể truy cập bằng kết nối băng rộng có dây hoặc kết nối dialup.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)