Sáng 1/12, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức Lễ kỉ niện 15 năm Internet được chính thức cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Một quan điểm mới được đưa ra tại lễ kỉ niệm này là “quản lí phải thúc đẩy sự phát triển của Internet”.

Phát biểu tại buổi Lễ kỉ niệm 15 năm Internet Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, 15 năm trước đây, Internet ở Việt Nam đã bắt đầu manh nha từ hệ thống email đầu tiên do nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ thông tin thiết lập và sự kiện tên miền của Việt Nam chính thức được đăng kí và xuất hiện trên bản đồ thế giới. Hành trình để Việt Nam chính thức tham gia vào mạng Internet toàn cầu bắt đầu từ ngày 19/12/1996, lần đầu tiên tại Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII họp bàn về Internet và đã đưa ra quyết định táo bạo cho phép mở Internet vào Việt Nam. Đây là một dấu ấn đặc biệt, thể hiện sự sáng suốt và nhạy bén của Đảng trong việc nhận thức vai trò, tương lai phát triển của Internet và quyết tâm ứng dụng Internet vào các ngành kinh tế xã hội nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, tính đến nay trên toàn mạng Internet Việt Nam đã có khoảng 31 triệu người sử dụng Internet, chiếm tỉ lệ 35,49% dân số, trong đó số lượng thuê bao Internet băng rộng đạt trên 4 triệu thuê bao. Việt Nam đứng thứ 18/20 quốc gia có số lượng người sử dụng Internet lớn nhất trên thế giới, đứng thứ 8 trong khu vực Châu Á và đứng vị trí thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. So với năm 2000, số lượng người sử dụng Internet Việt Nam đã tăng khoảng hơn 15 lần.

Nhân vật được giới truyền thông đánh giá có công lớn nhất cho việc thuyết phục mở Internet ở Việt Nam - TS. Mai Liêm Trực, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã nhớ lại thời kì ban đầu: "Lúc đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ cho phép áp dụng tạm thời việc phát triển ứng dụng Internet tại Việt Nam. Bởi lúc đó đất nước vừa trải qua chiến tranh suốt một thời gian dài, vấn đề an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ... rất đáng lo ngại. Chia sẻ lo ngại đó nên chúng tôi chấp hành việc áp dụng quy định tạm thời để nếu có vấp thì sửa sai”.

Cũng theo TS. Mai Liêm Trực, giai đoạn đầu, tư duy quản lí Internet được định hướng là “quản đến đâu thì mở đến đấy”, quản từ từ, chưa quản được thì chưa cho mở. Chính vì tư duy này nên dù Việt Nam "mở" Internet từ năm 1997 nhưng do các cơ quan không theo kịp được sự quản lí nên suốt 2 - 3 năm sau vẫn không cho mở Internet cafe, đại lí Internet... vì thế số lượng người sử dụng Internet rất hạn chế. Để đẩy mạnh tốc độ phát triển Internet, năm 2000, Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị đã đưa ra một tư duy quản lí đổi mới, đó là “quản lí phải theo kịp sự phát triển chứ không hạn chế sự phát triển”.

Tuy nhiên, cùng với đà phát triển mạnh mẽ của Internet, theo TS. Mai Liêm Trực, hiện nay tư duy quản lí Internet không chỉ dừng ở mức "cởi trói", "theo kịp sự phát triển" mà phải tiếp tục thay đổi hơn nữa. "Ban Khoa giáo Trung ương đang được phân công cùng Bộ TT&TT soạn Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển ứng dụng CNTT, trong đó đưa ra quan điểm mới là “quản lí phải thúc đẩy sự phát triển””, TS. Mai Liêm Trực nói.

Rất nhiều kí ức về những ngày đầu Việt Nam chuẩn bị kết nối Internet đã được ông Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) nhắc lại tại buổi lễ kỉ niệm 15 năm Internet Việt Nam. "Tháng 12/1996, tại Hội nghị Trung ương 2 khóa 8 bàn về vấn đề GD-ĐT và KHCN. Với tư cách Ủy viên Trung ương, được sự khích lệ của Bộ trưởng Bộ KHCN Phạm Gia Khiêm, tôi đã đề xuất phải đưa Internet vào Việt Nam. Nhận thấy Trung ương vẫn còn lo lắng về những tiêu cực của Internet, Tổng cục Bưu điện cùng với sự hỗ trợ của VDC đã tổ chức riêng một buổi thuyết trình về Internet tại Văn phòng Trung ương Đảng, trong đó trình bày rõ thế nào là tường lửa để bảo vệ thông tin. Cuối cùng, Trung ương đã nhất trí cho Việt Nam mở Internet. Sau 1 năm, Chính phủ hoàn thiện thủ tục và Việt Nam chính thức kết nối Internet vào năm 1997”, ông Đỗ Trung Tá nói.

Phát biểu tại buổi lễ kỉ niệm, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ sự ghi nhận công sức đi đầu, mở đường của các nhà khoa học đã xây móng cho một tòa nhà lớn hôm nay và đồ sộ trong tương lai. Ông tin tưởng rằng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT, một lĩnh vực quan trọng bậc nhất đối với công cuộc hiện đại hóa đất nước, hiện đại hóa dân tộc.

Giáo sư Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN: "Internet là phương tiện sản xuất quan trọng nhất"

Sau 15 năm phát triển, số lượng người dùng Internet đã có sự tăng trưởng rất nhanh và Internet đã tác động sâu sắc, mạnh mẽ nhất đến tất cả các lĩnh vực đời sống từ phương thức sản xuất, kinh doanh, giao tiếp, tư duy, lối sống... Ngoài bộ óc con người, Internet là phương tiện sản xuất quan trọng nhất và biến những tri thức tạo ra giá trị của xã hội.

Thời gian tới, Internet sẽ ngày càng phát triển hơn, khi đó, những chiếc máy tính sẽ thực sự trở thành người bạn đồng hành của con người và mạng Internet sẽ tạo thành phương tiện sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho con người. Ngoài ra, vào khoảng năm 2020, xã hội sẽ được tự động hóa hoàn toàn, con người chỉ kiểm soát và điều khiển mọi hoạt động từ xa.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: "Nên quản lí trò chơi trực tuyến bằng biện pháp kĩ thuật"

TP Hồ Chí Minh rất nghiêm khắc trong việc quản lí trò chơi trực tuyến và những trò chơi có nội dung xấu sẽ không được phổ biến tại thành phố. Tôi đang kiến nghị Bộ TT&TT có những biện pháp quản lí chặt hơn thông qua các biện pháp kĩ thuật và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp trò chơi trực tuyến thay vì lại bắt các cơ quan quản lí địa phương vất vả, còn các các đại lí Internet thêm khó khăn.

Còn với trang tin điện tử, cách quản lí tốt nhất không phải là chúng ta đi "soi" từng trang web vi phạm mà phải chủ động cung cấp những thông tin tốt nhiều hơn, mạnh hơn, kịp thời hơn trên các trang báo chính thức, blog cá nhân thay vì đợi có thông tin "xấu" thì mới phản ứng lại.

Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Netnam: "Internet sẽ phổ thông như điện, nước, không khí..."

Việc Internet vào Việt Nam đã làm thay đổi lớn mọi mặt của đời sống và của tất cả mọi người, nó đã trở thành một phương thức mới để trao đổi, liên lạc với nhau. Tính đến tháng 10/2012, Facebook đã có khoảng 8,5 triệu thành viên ở Việt Nam hay Zing Me khoảng 8,2 triệu thành viên, việc người dùng truy cập vào mạng xã hội để tiếp nhận thông tin, trao đổi đã tạo thành một kiểu sống mới.

15 năm trước, không có bất kì ai có thể tưởng tượng được sự phát triển của Internet ở Việt Nam như hiện nay, bởi vì những sự thay đổi đó diễn ra quá nhanh và rất tự nhiên. Thời gian tới, ở Việt Nam sẽ xuất hiện sự cạnh tranh giữa các nhà mạng viễn thông, Internet với các doanh nghiệp cung cấp nội dung bởi khi lợi nhuận của các dịch vụ viễn thông, Internet truyền thống giảm xuống thì phải tìm cách để người dùng trả nhiều tiền hơn thông qua dịch vụ giá trị gia tăng.

5 - 10 năm tới, Internet sẽ "thấm" vào cuộc sống một cách tự nhiên, người dùng coi Internet là một thứ rất phổ thông như điện, nước, không khí...; những thiết bị trong nhà như tivi, tủ lạnh... cũng được nối mạng . Câu chuyện về "băng thông như thế nào, tốc độ Internet nhanh hay chậm" sẽ chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng Internet. Bên cạnh đó, người sử dụng Internet sẽ thể hiện quan điểm cá nhân của mình và muốn quan tâm đến người khác nhiều hơn trên mạng.

Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT Telecom: "5 -10 năm nữa sẽ là thời của Internet trên di động"

Internet vào Việt Nam là một "cú huých" và bức tranh Internet 15 năm qua rất sinh động, thể hiện được mọi mặt của đời sống xã hội; gồm cả những yếu tố tích cực như sử dụng Internet để học tập, kinh doanh... và tiêu cực như nghiện Internet, nghiện chơi game online... Tương lai của Internet trong 5 - 10 năm tới sẽ là Internet trên di động với số lượng thiết bị thông minh kết nối "không có giới hạn" và con người sử dụng chúng như một vật dụng phổ thông hàng ngày.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)