Tháng 12/2012, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã chính thức công bố Sách trắng Internet Việt Nam.

Theo đó, Internet Việt Nam đang đứng thứ 18/20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới và là nước đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng kí tên miền quốc gia.

Ảnh
Tính đến tháng 10/2012, số lượng tên miền “.vn” không dấu duy trì thực tế trên mạng là 225.970 tên miền và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 172% /năm.

Đại diện VNNIC cho biết, Sách trắng Internet Việt Nam được ra mắt nhân dịp kỉ niệm 15 năm Internet Việt Nam và được coi là dịp để nhìn lại quá trình sử dụng tài nguyên Internet về tên miền, địa chỉ IP... trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn chưa có kế hoạch sẽ công bố Sách trắng Internet hàng năm giống như Sách trắng về CNTT-TT do Bộ TT&TT công bố.

Theo Sách trắng Internet Việt Nam, tính đến hết Q3/2012, Internet Việt Nam có 31.196.878 người sử dụng, chiếm tỉ lệ 35,49% dân số. Hiện Việt Nam đứng thứ 18/20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới, đứng thứ 8 khu vực Châu Á và đứng vị trí thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN). So với năm 2000, số lượng người dùng Internet Việt Nam đã tăng khoảng hơn 15 lần. Bên cạnh đó, trải qua 15 năm Việt Nam kết nối với mạng Internet toàn cầu, tài nguyên Internet (gồm tên miền .vn, địa chỉ IP, số hiệu mạng) đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đồng hành với sự phát triển của Internet Việt Nam.

Cụ thể, tính đến tháng 10/2012, số lượng tên miền .vn không dấu duy trì thực tế trên mạng là 225.970 tên miền và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 172%/năm, tăng 416 lần so với số tên miền quốc gia năm 2000 (chỉ có khoảng 543 tên miền), trong đó bao gồm 14.786 tên miền .vn được đăng kí bởi các chủ thể nước ngoài, chiếm 9% tổng số tên miền .vn.

Việt Nam là nước đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng kí, sử dụng tên miền quốc gia. Trong đó, tên miền cấp 2 (.vn) chiếm 47,95% số lượng tên miền quốc gia, sau đó đến các tên miền cấp 3 như .com.vn (chiếm 41,66%), .edu.vn (3,51%)… và chủ yếu do các tổ chức, doanh nghiệp đăng kí (chiếm 63%). Còn nếu tính theo khu vực địa lí, miền Trung đang là khu vực sở hữu ít tên miền quốc gia nhất (5%), thấp hơn miền Bắc và miền Nam (đều chiếm 43%).

Ngày 1/12/1997, tên miền quốc gia Việt Nam đầu tiên “Vista.gov.vn” được cấp phát, do Trung tâm thông tin Tư liệu Khoa học Công nghệ Quốc gia đăng ký và hiện vẫn được duy trì. Đến năm 1999, tên miền quốc gia Việt Nam .vn đầu tiên đã được cấp phát ra phạm vi ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thống kê của VNNIC cho thấy, tên miền .vn nếu đã được duy trì tới năm thứ ba trên hệ thống, tỉ lệ bỏ, thu hồi rất thấp và số lượng tên miền đã tồn tại từ 2 năm trở lên trên hệ thống rất ổn định, trong đó tên miền có tuổi đời 2 năm chiếm tỉ lệ cao nhất với 73.764 tên miền.

Đối với tên miền tiếng Việt, tính đến tháng 10/2012, Việt Nam có khoảng 836.173 tên miền. Tên miền tiếng Việt chỉ thực sự bùng nổ từ thời điểm triển khai cấp tự do, kể từ ngày 28/4/2011. Trong vòng 4 tháng từ 28/4/2011 đến đến 29/8/2011, đã có 360.357 tên miền tiếng Việt được đăng kí, gấp hơn 2 lần tổng số tên miền không dấu phát triển được trong 11 năm. Sau thời gian bùng nổ, lượng đăng kí mới tên miền tiếng Việt duy trì ở mức tương đối cao trong khoảng 1 năm, sau đó giảm dần về ổn định. Người dùng tên miền tiếng Việt chủ yếu để chuyển tiếp đường dẫn (chiếm 74%).

Trong các năm vừa qua, Việt Nam cũng đã có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng địa chỉ IP được cấp phát. Từ con số 16.896 địa chỉ IPv4 vào năm 2000, đến tháng 10/2012, số lượng địa chỉ IPv4 của Việt Nam là 15.549.184 địa chỉ. Việt Nam là quốc gia sở hữu địa chỉ IPv4 ở mức cao, đứng thứ 25 thế giới, thứ 8 khu vực Châu Á và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tháng 2/2012, không gian IPv4 dự trữ của tổ chức quản lí địa chỉ cấp cao nhất toàn cầu (IANA) đã hoàn toàn cạn kiệt. Vì thế, ngày 29/3/2011, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã kí Quyết định ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6 và việc thúc đẩy ứng dụng địa chỉ IPv6 là một trong những mục tiêu chính sách có độ ưu tiên cao trong thời gian sắp tới. Thống kê của Sách trắng Internet Việt Nam cho thấy, tới tháng 10/2012, Việt Nam có tổng số 32 vùng địa chỉ IPv6 được phân bổ từ quốc tế, đứng thứ 7 trong khu vực Đông Nam Á.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)