Nhắc đến thị trường công nghệ châu Á, người ta dường như chỉ nhớ tới những thị trường công nghệ lớn như Ấn Độ, Trung Quốc... mà ít khi để ý đến Đông Nam Á - một khu vực vô cùng tiềm năng.

Trong năm 2013 tới đây, Đông Nam Á được đánh giá là sẽ trở thành mảnh đất "gieo mầm" cho hàng loạt những công ty công nghệ non trẻ, và cũng là địa điểm thu hút những doanh nghiệp IT ngoài khu vực đến đây khai thác.

Những yếu tố kích thích từ bên ngoài là nhân tố chủ yếu giúp cho các nền kinh tế mới nổi phát triển. Và trong năm 2012, Đông Nam Á đã bắt đầu có được những yếu tố kích thích ấy. Trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng như hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài dường như yêu thích những thị trường c những cơ hội mang tính ổn định và bền vững lâu dài hơn. Đông Nam Á cũng chính là một khu vực như vậy.

Ảnh
Đông Nam Á đang được chú ý như là một thị trường tiêu thụ hàng công nghệ tiềm năng.

Mặc dù chỉ có khoảng 600 triệu dân, nhưng tại đây tốc độ nắm bắt Internet và công nghệ cao không thua gì Mỹ hay châu Âu. Vấn đề thực tế là việc phát triển một nền công nghệ ở khu vực này là điều khó khăn hơn rất nhiều so với việc tập trung phát triển ở những nơi đã có sẵn cơ sở hạ tầng. Chính vì thế, dù nhận ra tiềm năng của Đông Nam Á những năm trước đây nhưng các nhà phát triển công nghệ vẫn "lờ đi" khu vực này.

Cho đến nay, ngày càng nhiều công ty công nghệ nhận ra rằng Đông Nam Á không chỉ đông dân cư mà còn chưa bị những đối thủ của họ khai thác. Một số công ty đang "đón đầu" xu hướng chuyển dịch công nghệ sang Đông Nam Á, bao gồm các dịch vụ nhạc trực tuyến như Airbnb, Deezer, WeChat, Line... các trang web thương mại điện tử như Lazada và Zalora... Những công ty này đang thiết lập chi nhánh của mình ở Thái Lan, Singapore và Việt Nam.

Sự tăng trưởng của smartphone và lượng truy cập Internet

Rất nhiều những chỉ số tăng trưởng đã chỉ ra rằng Đông Nam Á đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bản đồ smartphone thế giới. Số lượng smartphone được đưa vào sử dụng khiến việc truy cập Internet ngày càng nhiều hơn. Hiện Android là nhân tố lớn nhất trên thị trường smartphone Đông Nam Á mà theo tính toán của Ericsson thì Google hiện đang chiếm 31% thị phần nơi đây.

Theo GfK, số lượng smartphone tăng trung bình hàng năm là 78%, chủ yếu tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Phillipine. Tổng cộng, kinh doanh công nghệ đã đạt 13,7 tỉ USD doanh thu tại Đông Nam Á trong năm trước. Cũng theo báo cáo của GfK, số lượng smartphone được tiêu thụ tại đây chỉ chiếm 25% tổng số lượng điện thoại bán ra. Điều này có nghĩa là Đông Nam Á còn rất nhiều khoảng trống cho các nhà kinh doanh công nghệ cao như smartphone, tablet tham gia vào.

Mặc dù được đánh giá là một môi trường tiềm năng nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh công nghệ hiện tại vẫn còn e ngại do truyền thống sử dụng dịch vụ viễn thông trả trước tại đây, và rất nhiều nhà mạng không có nhiều ưu đãi dành cho các thiết bị, như hợp đồng 2 năm với nhà mạng khi mua smartphone được phân phối bởi chính nhà mạng đó như các nhà mạng phương Tây vẫn làm.

Trước mắt, mục tiêu của các doanh nghiệp khi muốn phát triển một thị trường công nghệ cao ở châu Á đó là đưa smartphone 3G vào thay thế thế hệ di động với bàn phím vật lí. Để gây hiệu ứng đối với đối tượng khách hàng phần đông là thu nhập thấp và trung bình, nhiều hãng đã đưa ra những chương trình hấp dẫn nhằm khuyến khích người dùng. Ví dụ như Google tung ra gói "Free Zone", cho phép người dùng điện thoại sử dụng miễn phí các dịch vụ của hãng tại Phillipine trong tháng 10 hay dịch vụ Webpass được tung ra vào tháng 11 tại Malaysia của Opera giúp người dùng quản lí truy cập mạng để đảm bảo lưu lượng sử dụng không vượt quá mức sử dụng mà người dùng muốn.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp non trẻ muốn bắt đầu công việc kinh doanh của mình tại Đông Nam Á

Với tốc độ phát triển của Internet tại Đông Nam Á hiện tại, rất nhiều nhà kinh doanh công nghệ trong khu vực đang bắt đầu có hứng thú muốn xây dựng sự nghiệp tại chính quê hương của mình trước khi tìm kiếm cơ hội tại nước ngoài. Chính phủ các nước Đông Nam Á đều ban hành những chính sách khuyến khích giúp cho các doanh nghiệp này được phép thành lập và hoạt động tại khu vực này.

Thực tế, các nước Đông Nam Á cũng đang cố gắng tạo ra cơ hội tốt nhất cho các doanh nghiệp này khởi nghiệp. Sự kiện JFDI châu Á được tổ chức vào năm vừa rồi được cho là một bước quan trọng do nó hướng dẫn những doanh nghiệp công nghệ non trẻ tại Đông Nam Á định hướng hoạt động giống như các doanh nghiệp phương Tây. Sự kiện diễn ra trong vòng 100 ngày này tập trung chủ yếu vào việc làm sao để xây dựng và vận hành một doanh nghiệp, nó cũng đưa ra một quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, 60% trong số 15 thành viên tham gia sự kiện đã có được ít nhất là 530.000 USD để khởi đầu sự nghiệp của mình. Theo dự kiến, sự kiện JFDI năm nay sẽ nhắm tới hơn 100 doanh nghiệp non trẻ với nguồn quỹ nhất định nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp này khởi nghiệp. Ngoài sự hỗ trợ từ phía các tổ chức, chính phủ, việc Đông Nam Á còn nhiều khoảng trống thị trường là yếu tố quyết định khiến các doanh nghiệp non trẻ ở lại với khu vực này.

Thử thách

Tuy là điểm đến đáng mơ ước của giới công nghệ trong những năm tới, bản thân Đông Nam Á lại đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việc xây dựng một thị trường mở cho các đối tác nước ngoài làm ăn có khả năng sẽ khiến các doanh nghiệp công nghệ mới trong nước không thể tuyển được người tài do những người này bị thu hút bởi mức lương cao, danh tiếng và môi trường làm việc vô cùng ưu ái của những hãng công nghệ danh tiếng như Google hay Microsoft.

Hơn nữa, do dân cư có mức thu nhập chủ yếu ở mức thấp và trung bình, nhiều doanh nghiệp sẽ cảm thấy khó khăn khi tìm ra một sản phẩm công nghệ toàn diện, vừa hiện đại, thời trang mà giá lại không quá đắt. Thêm vào đó, Đông Nam Á là một khu vực giàu truyền thống với các phong tục và tín ngưỡng phong phú, việc hoạt động ở khu vực này cần phải chú ý phù hợp với văn hóa, không gây ra sự phẫn nộ của người dân liên quan đến vấn đề tín ngưỡng hay phong tục đó.

Theo TheNextWeb



Bình luận

  • TTCN (0)