Thanh Nguyễn - sáng lập Anphabe,com: "Quãng thời gian 3 đến 6 tháng đầu tiên khi khởi nghiệp, tôi đã rất sợ".

Sau "cái chết" của hàng loạt mạng cộng đồng dành cho "dân công sở" tại Việt Nam thì Anphabe.com do Thanh Nguyễn sáng lập dường như là cái tên duy nhất còn sót lại.

Được biết đến với chức vụ giám đốc điều hành của mạng cộng đồng doanh nhân Caravat từ nhiều năm trước, Thanh Nguyễn giờ đây đã khởi nghiệp với sản phẩm Anphabe.com. Anphabe.com trong hai năm qua đã đạt được cột mốc 50.000 thành viên, trở thành trang mạng cộng đồng nhà quản lí và các chuyên gia được nhiều người dùng tin tưởng.

Đầu tháng 1/2013, Anphabe.com đã tung ra cổng thông tin săn đầu người lần đầu tiên tại Việt Nam mang tên Top Headhunt. Để hiểu rõ thêm về sản phẩm này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với chị Thanh Nguyễn:

Với gần 3 năm phát triển mạng cộng đồng doanh nhân Caravat, chị có tiếc khi quyết định từ bỏ nó?

Thành thật mà nói, sự thành công của Anphabe hiện tại mang nhiều bóng dáng của Caravat. Trước Caravat, tôi làm trong ngành FMCG, chính vì thế, tôi như bước vào thế giới mới khi trực tiếp điều hành Caravat. Nhưng mỗi người, tại một thời điểm nhất định trong sự nghiệp sẽ có những ngả rẽ khác nhau. Tôi có nhiều tham vọng và mong muốn xây dựng một cộng đồng mà ở đó đem lại cho người ta không chỉ tuyển dụng mà là trao đổi kiến thức, cơ hội mới. Chính vì vậy tôi mới quyết định khởi nghiệp.

Ảnh
Anphabe.com và cổng thông tin săn đầu người lần đầu tiên tại Việt Nam mang tên Top Headhunt.
Không còn dưới sự đầu tư của một công ty lớn, phải làm lại từ đầu tất cả. Đó có phải là sự mạo hiểm của chị không?

Quãng thời gian 3 đến 6 tháng đầu tiên khi khởi nghiệp, tôi đã rất sợ. Nhưng tôi từng đọc một cuốn sách mang tên "Feel the fear and do it anyway", nó cũng cho tôi nhiều động lực. Nỗi sợ sẽ không bao giờ biến mất cho đến khi bạn hành động. Khi khởi nghiệp tất nhiên sẽ có nhiều "nỗi sợ" và ‘sự mạo hiểm: phải làm lại từ đầu, không có nguồn vốn nào đầu tư, nhân lực hạn chế… Nhưng quan trọng nhất, khi thành lập Anphabe.com, tôi có thể tự khẳng định, tự trải nghiệm những điều mình tin theo cách của chính mình.

Khởi ngiệp về công nghệ không chỉ đòi hỏi thời gian, vốn đầu tư mà còn là những hiểu biết về ngành này. Sau cái chết của những mạng cộng đồng khác, chị có tự tin về sản phẩm của mình không?

Như đã nói, đây là một thế giới rất mới với tôi, 5 năm qua tôi vẫn học hỏi từng ngày, bây giờ có lẽ là đã khá hơn trước nhưng tôi vẫn còn yếu công nghệ lắm (Cười lớn). Sản phẩm vẫn đang được tôi cùng đội ngũ nghiên cứu cải thiện hằng ngày. Về công nghệ có thể sản phẩm chưa mượt, chưa nhiều chức năng nhưng tôi tự tin về ‘nội dung’ của sản phẩm. Sứ mệnh của Anphabe là cung cấp cơ hội cho hàng triệu người đi làm tại Việt Nam, các cơ hội ở đây chính là thành công hơn nhờ các mối quan hệ, nhờ những kiến thức quản lí hữu ích và một cơ hội làm việc xứng tầm. Tất nhiên, tôi cũng sẽ không quên để luôn cải thiện tính năng sản phẩm thật tốt nhất cho người dùng.

Nếu đã "yếu công nghệ" như thế thì liệu có xảy ra trường hợp chị sẽ có tư duy ‘chắp vá’ các chức năng cho chính sản phẩm của mình không?

Đó là điều không thể tránh khỏi. Tôi cũng đã phải "đập" đi làm lại khá nhiều thứ, ít nhiều ảnh hưởng tới UX. Tôi mạnh về marketing và nhân sự, nên tôi sẽ tìm cho mình những người biết làm về tech. Điều may mắn là tôi có đội ngũ kĩ thuật đến từ những công ty khác nhau, họ có chung đam mê là xây dựng một cộng đồng uy tín và chất lượng nhất Việt Nam. Họ có thể giúp tôi không bị "chắp vá".

Vừa mở ra thêm cổng thông tin săn đầu người trên Anphabe, mô hình Anphabe được hiểu sẽ thu tiền từ chính những công ty săn đầu người. Trong tương lai, thành viên của Anphabe có bị thu phí hay không?

Tôi muốn mang lại cho người dùng – những người đi làm tại Việt Nam cơ hội để thành công hơn, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho họ. Chính vì vậy Anphabe sẽ luôn miễn phí cho người sử dụng.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

Theo Techdaily



Bình luận

  • TTCN (0)