Gian hàng của Hisense tại CES 2013 - Ảnh: Internet.

Không chỉ có Trung Quốc, các quốc gia như Ấn Độ, Đài Loan và cả Việt Nam cũng đang tìm chỗ đứng trên thị trường công nghệ quốc tế.

Trong rất nhiều thương hiệu tham dự Hội chợ Công nghệ điện tử hàng tiêu dùng - CES 2013 vừa qua, sự hiện diện của những công ty đến từ Trung Quốc nhiều hơn cả. Điều đó cho thấy các công ty công nghệ mới đầy tiềm năng của châu Á đang tìm chỗ đứng trên thị trường công nghệ quốc tế.

Xu hướng tất yếu

Cơn sóng các nhãn hiệu Trung Quốc bắt đầu nổi lên sau thời kì bùng nổ kinh tế và công nghệ tại đất nước này. Nhờ trở thành nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới cho hàng loạt “ông lớn” trong giới công nghệ, từ Apple cho đến Dell, Trung Quốc đã nhanh chóng tích lũy được nguồn vốn, nhân lực và công nghệ đủ để tự tạo ra các sản phẩm của riêng mình.

Lướt theo làn sóng phát triển công nghệ đang bùng nổ ở châu Á, việc xây dựng các thương hiệu công nghệ nổi tiếng thế giới trong tương lai của các hãng công nghệ Trung Quốc là tất yếu. Những cái tên như Huawei, Hisense sẽ trở thành những cơn “gió chướng” cạnh tranh với các tên tuổi công nghệ lớn ở phương Tây, kéo theo đó sẽ là các hãng công nghệ từ Ấn Độ, Đài Loan và cả Việt Nam.

Tuy nhiên, con đường để có thể thành công của những công ty Trung Quốc còn nhiều trở ngại. Các công ty này vốn không có kinh nghiệm trong việc tự tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá và quan trọng nhất là phải sản xuất những sản phẩm bán được. Ngoài ra, vấn đề xây dựng thương hiệu, uy tín về chất lượng sản phẩm, vượt qua được tiếng xấu vốn đã gắn chặt với sản phẩm Trung Quốc từ lâu, thực sự là trở ngại lớn nhất.

Tại CES 2013, các công ty Trung Quốc như Hisense, TCL, Haier đã tung tiền quảng bá rất rầm rộ. Richard Yu - CEO của hãng Huawei - tuyên bố: “Smartphone tốt nhất đến từ Huawei chứ không phải từ đối thủ của chúng tôi”. Các màn quảng cáo như vậy là lố lăng và không thích hợp, chứng tỏ sự hiểu biết yếu kém về thị trường Mỹ và châu Âu. Các sản phẩm mà các công ty này mang đến CES 2013 không chỉ yếu kém về chất lượng mà còn là hàng loạt thiết kế nhái các sản phẩm như Haipad (bắt chước iPad).

Thiếu sản phẩm đột phá

Mặc dù được sống trong dòng xu thế phát triển nhanh đến chóng mặt của công nghệ thế giới nhưng thị trường công nghệ nội địa của Trung Quốc gần như được xây dựng độc lập. Với rào cản về pháp lí của nước này, các tên tuổi đến từ Mỹ và châu Âu luôn gặp khó khăn, thậm chí là phải từ bỏ (như trường hợp của Google), để trống một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Điều này cho phép các hãng công nghệ trong nước mọc lên thay thế. Các hãng này không chỉ dễ dàng thống trị thị trường nội địa mà còn hoàn toàn tự do trong vấn đề bản quyền. Họ tập trung vào các mảng thị trường rẻ tiền, dễ thu lợi nhuận.

Hiện tại, sản phẩm của các hãng từ Trung Quốc này cũng đã được đón nhận tại nhiều thị trường trên thế giới, dù chỉ là những linh kiện bên trong các sản phẩm danh tiếng khác, hay chỉ đóng vai trò sản xuất. Có lẽ ít người biết rằng Foxconn - hãng sản xuất các sản phẩm cho Apple và nhiều hãng máy tính khác - cũng có một vài dòng sản phẩm riêng, thậm chí đang được bày bán tại Việt Nam; hay Hisense - một công ty chuyên sản xuất hàng điện tử tiêu dùng đứng đầu các thị trường như châu Phi.

Nhưng tại một thị trường cực kì năng động, có giá trị cao như Mỹ và châu Âu, người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm phải thực sự xuất sắc với nhiều bứt phá về công nghệ và tỉ mỉ trong từng chi tiết thiết kế. Các công ty Trung Quốc vẫn chưa thể tạo ra những sản phẩm thực sự đạt được những yêu cầu này.

Phải chơi theo luật quốc tế

Các công ty công nghệ Trung Quốc đã bắt đầu nhận ra điểm yếu của mình. Hisense đang tập trung mở thêm các phòng nghiên cứu công nghệ và hợp tác cùng các trung tâm nghiên cứu công nghệ tại Mỹ để nâng cao chất lượng, tính độc đáo cho sản phẩm. Chính phủ Trung Quốc cũng tiến hành nhiều biện pháp chống lại nạn làm hàng giả, hàng kém chất lượng tại thị trường trong nước.

Điều quan trọng là chính các công ty công nghệ này phải ý thức được rằng để tồn tại và thành công trên thị trường quốc tế thì việc chơi theo luật quốc tế là bắt buộc. Nếu muốn thành công, phải vượt lên trên những gì mà họ đã từng sao chép, để có những sáng tạo bứt phá. Bài học này không chỉ các công ty Trung Quốc phải học mà nhiều công ty ở châu Á cũng phải ghi nhớ.

Theo Người Lao Động




Bình luận

  • TTCN (2)
Tro Choi Vui  373

Thấy hàng Trung Quốc là hết muốn xài luôn

Nguyễn Quốc Thảo  37

Trung quốc là quốc gia sản xuất hàng nhái vô địch thế giới. Cái lúc Iphone 4 chưa ra chính thức mà bên nó đã có cái "Iphone 4" tém rùi Laughing