Ảnh: Economist.

Giới quảng cáo chỉ mới bắt đầu "nhúng chân" vào mảnh đất mới - quảng cáo di động. Giới phân tích tỏ ra e dè và khá quan ngại, nhưng dường như tình hình không đến nỗi u ám như vậy.

"Các thương hiệu lớn tỏ ra rất háo hức", bà Elizabeth Ross, Chủ tịch hãng quảng cáo trực tuyến Tribal DDB West cho biết.

Lấy thí dụ, một khách hàng đại gia của Tribal là Pepsi-Cola Bắc Mỹ đang thử nghiệm việc quảng cáo trên ĐTDĐ đối với tất cả các thương hiệu nước giải khát của mình.

Nhưng tất nhiên, điều đó không có nghĩa là "tất cả họ đều cam kết gắn bó với ĐTDĐ", bà nói thêm.

"Khách hàng của chúng tôi rất quan tâm và muốn xuất hiện trên ĐTDĐ. Nhưng làm như thế nào, sử dụng dịch vụ quảng cáo của ai - đó cũng là những câu hỏi khiến họ âu lo nhất".

Ẩn số lớn

"Ẩn số" lớn nhất hiện nay chính là việc quảng cáo bằng ĐTDĐ thế nào cho đạt hiệu quả cao nhất, tối ưu nhất.

Tiềm năng thì rõ là khổng lồ, nhưng thị trường vẫn còn quá nhỏ. Chung quy cũng chỉ vì giới quảng cáo vẫn chưa tìm được mô hình kinh doanh và phương pháp tiếp cận thích hợp.

Tháng 1 vừa qua, hãng nghiên cứu M:Metrics đã tiến hành khảo sát trên quy mô rộng và phát hiện thấy: 120 thương hiệu có tiếng, đang kinh doanh trên đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề đã thí điểm quảng cáo trên ĐTDĐ.

Nói đúng hơn, họ quảng cáo trên 100 tên miền mà người dùng di động thường ghé thăm nhất.

"ĐTDĐ là một phương tiện quảng cáo đích thực. Người ta đã thực sự chi tiền cho nó", M: Metrics cho biết. Dù vậy số tiền này chưa đáng kể, chỉ mới đạt xấp xỉ 200 triệu USD tại Mỹ hồi năm ngoái mà thôi.

Tuy nhiên, M:Metrics vẫn dự đoán ngân sách chi cho quảng cáo di động trong năm 2008 sẽ tăng ít nhất là gấp đôi, kể cả khi nền kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu như hiện nay.

Quảng cáo xuất hiện trên điện thoại không chỉ nhằm thuyết phục người dùng đăng ký sử dụng một dịch vụ, mua một sản phẩm hay download nội dung nào đó, tức là không chỉ bó hẹp trong dạng thức quảng cáo "phản ứng tức thời" nữa.

Tiếp cận hiệu quả

"Ngày càng có nhiều quảng cáo tập trung vào việc quảng bá thương hiệu. Đây là dấu hiệu cho thấy quảng cáo di động đang dần trưởng thành", chuyên gia Brian McDonald cho biết.

Trong khi ấy, Tổng Giám đốc Pete Distler của Sprint Mobile Media Network lại tin rằng ĐTDĐ là công cụ "tiếp cận người dùng hiệu quả, vì nó mang tính cá nhân cao và có khả năng truyền tải thông tin chóng vánh, trực tiếp".

Hơn nữa, với hồ sơ thuê bao của người dùng trong tay, nhà quảng cáo có đủ thông tin để cung cấp những quảng cáo liên quan nhất, phù hợp nhất.

Lấy thí dụ, mới đây một hãng ô tô đã mua dịch vụ quảng cáo trên mạng của Sprint. Theo đó, các thuê bao ở Chicago và Houston sẽ có thể sắp xếp cuộc hẹn chạy thử xe với showroom trưng bày địa phương. Hàng trăm thuê bao đã tham gia vào chiến dịch này với tỷ lệ đúng hẹn lên đến 95%.

Trong một lần khác, cũng trên mạng di động của Sprint, một hãng rượu của Mỹ đã gửi quảng cáo bia tới cho các thuê bao trên 21 tuổi - độ tuổi được phép uống rượu theo luật của Mỹ.

"Việc người dùng luôn giữ điện thoại kè kè bên mính chính là lý do chủ chốt khiến cho quảng cáo xuất hiện. ĐTDĐ đang là một phần cuộc sống của bạn, theo đúng nghĩa đen. Nếu không có nó, bạn sẽ cảm thấy bứt rứt, bất an và khó chịu", ông Distler kết luận.

Trọng Cầm (Theo PC World)



Bình luận

  • TTCN (0)