Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Bộ TT&TT, VNPT ủng hộ, tạo điều kiện để MobiFone có đủ nguồn vốn đầu tư, có cơ chế tự chủ cao để cạnh tranh thành công trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Lễ kỉ niệm 20 năm thành lập mạng MobiFone (16/04/1993 – 16/04/2013) sáng nay ngày 16/04/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ TT&TT, VNPT ủng hộ tạo điều kiện để MobiFone có đủ nguồn vốn đầu tư, có cơ chế tự chủ cao để MobiFone tiếp tục phát triển, đủ năng lực để vươn ra và cạnh tranh thành công trên thị trường trong nước và quốc tế. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, MobiFone cần tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm để tăng trưởng và phát triển mạnh. Thứ nhất, MobiFone phải tập trung tăng cường nguồn vốn đầu tư để mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới, áp dụng các công nghệ hiện đại nhất để cung cấp các dịch vụ viễn thông CNTT cho người dân Việt Nam. Thứ hai, MobiFone cần phải sáng tạo các giải pháp kinh doanh, tiếp tục bứt phá để luôn trong tốp dân đầu thị trường di động Việt Nam. Thứ ba là MobiFone phải từng bước mở rộng kinh doanh ra nước ngoài trong lĩnh vực di động, bắt đầu từ những dự án quy mô vừa tầm, trên cơ sở đảm bảo đủ nguồn lực và tính hiệu quả, chú trọng thị trường Châu Á và những thị trường mới nổi.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao những những hoạt đông đầu tư quốc tế của MobiFone trong thời gian vừa qua như khai thác có hiệu quả một số tuyến truyền dẫn Internet tại Hoa Kì, Singapore, HongKong, Cộng hòa Sec và mở văn phòng đại diện tại Myanmar.
Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT mới đây, ông Lê Ngọc Minh - Chủ tịch MobiFone cho biết, MobiFone đã phải “chia lửa” với VNPT trong thời điểm khó khăn bằng hình thức điều chuyển nguồn lợi nhuận lớn cho công ty mẹ. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, suốt thời gian qua, mạng MobiFone chỉ được đầu tư bằng tiền khấu hao nên mạng lưới sẽ bị hạn chế hơn so với doanh nghiệp khác. Vì vậy, để MobiFone phát triển mạnh hơn thì phải tăng vốn điều lệ, tập trung đầu tư, tăng cường cơ sở hạ tầng, tăng quy mô vị thế để trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường viễn thông.
Ông Lê Ngọc Minh cũng đề nghị, trong đề án tái cấu trúc không giải thể MobiFone và để doanh nghiệp này hạch toán độc lập, tiến tới cổ phần hoá công ty theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Việc tái cấu trúc của VNPT và MobiFone phải đảm bảo các yếu tố thị trường, hiệu quả giữa các đơn vị trong Tập đoàn. Các lí luận kinh tế đã chỉ ra rằng khi doanh nghiệp phát triển đến quy mô lớn thì cần tách ra hoạt động độc lập, duy trì mô hình hạch toán phụ thuộc sẽ không phù hợp. Vì vậy, với quy mô hiện nay thì MobiFone muốn được độc lập để hạch toán riêng, minh bạch; đồng thời nâng cao tính chủ động, sáng tạo cho doanh nghiệp.
Ông Minh khẳng định, trong chiến lược sắp tới MobiFone đặt mục tiêu trở thành đối tác mạnh và phải tập trung mở rộng đầu tư ra quốc tế nhằm mở rộng thị trường và tạo động lực phát triển cho chính mình.
Trước đó, VNPT đã trình đề án theo mô hình sáp nhập hai mạng VinaPhone và MobiFone. Tuy nhiên, phương án này đã bị rất nhiều các chuyên gia kinh tế lên tiếng phản đối vì nó sẽ lại hại cạnh tranh cũng như phá vỡ quy hoạch thị trường viễn thông.
TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương nói, sở dĩ viễn thông Việt Nam phát triển tốt trong 2 năm qua nhờ 3 điều kiện là thay đổi cách thức quản lí Nhà nước, phần nào tách bạch được quản lí Nhà nước và chủ sở hữu Nhà nươc (làm từ những năm 90); tạo môi trường cạnh tranh hơn; và lựa chọn khuyến khích công nghệ tiên tiến. Thế nhưng, hiện nay cấu trúc thị trường viễn thông đang "có vấn đề". Đặc biệt, Bộ TT&TT cần đưa ra thông điệp rõ ràng về việc có sáp nhập hay không VinaPhone – MobiFone. Ông Võ Trí Thành đưa ra lí do để không thể quyết định cho sáp nhập VinaPhone – MobiFone. Thứ nhất, cần phải xem xét lại vấn đề pháp lí trong Luật Cạnh tranh. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thì việc cho sáp nhập 2 mạng di động này là tín hiệu không tốt trong cải cách doanh nghiệp. "Các nhà hoạch định chính sách nhiều khi quên rằng cạnh tranh là máu thịt, là nền tảng của kinh tế thị trường. Trong khi, những thị trường dịch vụ như tài chính, viễn thông, taxi... thì số người chơi không thể là vô hạn, nhưng cần phải duy trì được cạnh tranh... Nguyên lí của cạnh tranh là không phải bảo vệ những người đang chơi trên thị trường mà là bảo vệ áp lực cạnh tranh. Ở lĩnh vực chứng khoán hiện nay cũng vậy, khi nó đi xuống thì các doanh nghiệp chứng khoán kêu gào phải bảo vệ họ. Nhưng chính sách phải bảo vệ áp lực cạnh tranh chứ không phải bảo vệ người chơi", ông Võ Trí Thành nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực cho rằng, “Hiệu quả quản lí và đầu tư viễn thông còn có những hạn chế nhất định khi hầu hết các doanh nghiệp lớn đều là doanh nghiệp Nhà nước, hơn 90% tài sản của mạng viễn thông Việt Nam đều của Nhà nước. Có thể liên tưởng “bức tranh” thị trường hiện nay giống như một gia đình có một ông bố cho các con ăn riêng rồi để các con cạnh tranh với nhau. Khi đó chưa thể có sự cạnh tranh thực sự”,
Để khắc phục hiện trạng này, theo ông Trực, Nhà nước phải vững tay sắp xếp lại các doanh nghiệp viễn thông, thậm chí thu hồi lại một số giấy phép, chỉ duy trì khoảng 4 doanh nghiệp lớn chứ không thể để quá nhiều doanh nghiệp tồn tại như hiện nay.
Tán đồng quan điểm nêu trên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng thị trường viễn thông Việt Nam chưa cạnh tranh đúng nghĩa vì lực lượng chủ đạo vẫn là doanh nghiệp Nhà nước. Thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng sáp nhập hoặc giải thể trong ngành viễn thông. Quá trình sáp nhập, cải tổ sẽ đậm “màu sắc” của Nhà nước. Ví dụ việc sáp nhập EVN Telecom vào Viettel vừa qua là quyết định, ý chí của Nhà nước. Bởi khi thị trường chưa thực sự cạnh tranh thì khó có thể bình luận về việc quyết định của Nhà nước phải phù hợp với cơ chế thị trường.
Phát biểu tại buổi làm việc với MobiFone vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, trên tinh thần Nghị định 99 của Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo VNPT xây dựng đề án tái cơ cấu, sau đó Bộ trình lên Chính phủ. Cụ thể, Bộ TT&TT chỉ đạo VNPT tái cơ cấu trên nguyên tắc phải bám vào Luật Viễn thông, chống sở hữu chéo và phù hợp quy hoạch viễn thông đã được Chính phủ phê duyệt, đảm bảo mỗi thị trường dịch vụ quan trọng như di động phải duy trì ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng và Việt Nam phải có 3 - 4 tập đoàn viễn thông lớn. “Trong quá trình tái cơ cấu phải giữ các thương hiệu mạnh như Viettel, MobiFone, VinaPhone vì đây là những thương hiệu quốc gia có giá trị hàng tỉ USD. Như vậy, tái cơ cấu sẽ tạo ra thế chân kiềng mạnh của thị trường viễn thông Việt Nam gồm MobiFone, VinaPhone, Viettel. Mục tiêu tái cơ cấu là thúc đẩy VNPT tập trung vào kinh doanh ngành nghề chính và tạo động lực cho tập đoàn này phát triển mạnh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Theo ICTNews
Bình luận