Nếu như dịch vụ thông tin di động thuở ban đầu chỉ là nghe gọi, nhắn tin thì ngày nay sau 20 năm phát triển, bức tranh viễn thông di động tại Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn.

Ngày nay người dùng đòi hỏi nhiều tiện ích khác trên nền băng rộng cùng chiếc smartphone, các nhà mạng cũng phải thay đổi theo.Dịch vụ truyền thống chững lạiThống kê của các nhà mạng cho thấy nhu cầu sử dụng thoại của khách hàng không những không tăng mà có chiều hướng suy giảm, vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Tuy vậy, năm 2012 một số mạng di động lại có bước tiến lớn trong việc phát triển dịch vụ giá trị gia tăng. Thông tin từ Vinaphone cho biết doanh thu các dịch vụ phi thoại của mạng này trong năm 2012 đã đạt hơn 52% trên tổng số doanh thu cước.

Theo ông Nguyễn Đăng Nguyên- Phó tổng Giám đốc MobiFone, trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua số lượng thuê bao và lưu lượng 3G tăng rất mạnh, gấp khoảng 5 lần so với ngày bình thường. Nhiều thuê bao bao sử dụng các dịch vụ trên nền 3G như SMS và thoại miễn phí cũng như sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, các dịch vụ SMS và thoại truyền thống của MobiFone trong dịp Tết đã giảm gần 30% so với cùng kì năm ngoái.

Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân đáng kể làm các dịch vụ truyền thống chững lại là do người dùng thay vì sử dụng dịch vụ truyền thống, họ chọn dịch vụ OTT (Over The Top), vốn đang nở rộ hiện nay. Trong buổi làm việc mới đây với Bộ TT&TT, các mạng di động cho biết, trong khi số thuê bao tăng rất chậm, nhu cầu thoại của khách hàng không tăng thì các nhà mạng lại phải tiếp tục đối đầu với sự xuất hiện nhiều dịch vụ OTT trên hạ tầng băng rộng như Viber, Line, Kakao talk… Những ứng dụng OTT nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet như Viber đang có khoảng 3,5 triệu người sử dụng ở Việt Nam và mỗi ngày có khoảng 280.000 cuộc gọi, 8,7 triệu SMS, khiến nhà mạng tổn thất hơn 1.000 tỉ đồng/năm.

Tương lai di động là băng rộng

Nghiên cứu của Ericsson ConsumerLab vừa được Ericsson công bố dự đoán rằng trong 6 tháng tới, tỉ lệ người sử dụng smartphone tại Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 16% lên 21%; trong cùng khoảng thời gian đó, tỉ lệ người dùng máy tính bảng tăng từ 2% lên 5%. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong việc sử dụng smarphone và máy tính bảng tại Việt Nam sẽ tạo tiền đề phát triển cho ngành kinh doanh dịch vụ 3G trong nước.

Ericsson cho rằng, người tiêu dùng ngày nay có nhu cầu ngày càng cao về dung lượng sử dụng dữ liệu bởi sự tác động của 3 xu hướng: sự phổ biến của smartphone, tăng trưởng việc sử dụng băng rộng di động và những đột phá của các dịch vụ đám mây. Điều này cũng làm thay đổi cách các nhà khai thác viễn thông thích ứng để tối ưu hóa nhu cầu khách hàng.Ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng Giá cước Tiếp thị MobiFone chia sẻ: “Nhu cầu người tiêu dùng đang thay đổi. Điện thoại di động là vật bất li thân của hầu hết mọi người Việt Nam, đó là một phương tiện quan trọng để kết nối họ với những người khác mỗi ngày nhưng không chỉ với nghe, gọi, nhắn tin. Vì thế, MobiFone cần có sự thay đổi để đáp ứng tốt nhất những nhu cầu mới mà người dùng đang cần”.

Theo ông Hưng, sau 20 năm thành lập (16/04/1993 – 16/04/2013) và phát triển song hành cùng ngành di động Việt Nam, MobiFone nắm rất rõ tâm lí cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Để bắt kịp nhịp sống hiện nay, các mạng di động đều phải chuyển mình. Do vậy, từ đầu năm 2013, MobiFone khởi động thông điệp “Kết nối tương lai”. Nhà mạng cho biết, khi mà các tính năng cơ bản như gọi, nhắn tin đã được các hãng viễn thông cung cấp đạt tới mức độ tương đồng nhau thì mỗi thương hiệu cần phải tìm ra điểm khác biệt mới. Sự phát triển của băng rộng trên di động và bùng nổ của smartphone đòi hỏi các tiện ích ưu việt, giúp chiếc điện thoại trở thành công cụ phục vụ đắc lực hơn cho công việc và cuộc sống.

MobiFone quyết định chọn thông điệp thương hiệu mới là “Kết nối tương lai” để đón đầu xu thế mới đang hình thành trên thị trường thông tin di động. Ông Đinh Việt Hưng chia sẻ: “Với thông điệp ‘Kết nối tương lai’, chúng tôi muốn truyền tới khách hàng hình ảnh một MobiFone luôn đi tiên phong, sáng tạo không ngừng trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiên tiến để phục vụ tốt hơn cho công việc cũng như cuộc sống của người Việt”.

Theo Dân Trí



Bình luận

  • TTCN (0)