Giám đốc điều hành Jerry Yang của Yahoo. Ảnh: AP.

Đáp lại lá thư đe dọa mà Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft vừa gửi đi, một lần nữa, ban giám đốc Yahoo lại thẳng thừng nói không, với lý do "mức giá đưa ra quá bèo"

Trong lá thư phúc đáp của mình, Yahoo tuyên bố "lời đe doạ về một cuộc chiến giành quyền kiểm soát" của ông Ballmer chẳng có tác dụng gì, và Yahoo sẽ chỉ "cởi mở" trước một bản hợp đồng hợp lý hơn mà thôi.

Vẫn đòi giá cao

"Quan điểm của ban giám đốc chúng tôi đối với đề nghị của Microsoft vẫn không thay đổi", Giám đốc điều hành Jerry Yang của Yahoo khẳng định trong thư.

"Chúng tôi tiếp tục tin rằng lời đề nghị ấy không mang lại lợi ích lớn nhất cho bản thân Yahoo lẫn các cổ đông".

Hôm qua, Microsoft tuyên bố Yahoo chỉ có 3 tuần nữa để cân nhắc, tính toán và chấp nhận lời đề nghị trị giá 44,6 tỷ USD mà gã khổng lồ phần mềm đưa ra ngày 1/2/2008.

Nếu không, Yahoo sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến giành quyền kiểm soát, hoặc mức giá bỏ thầu không những không tăng mà còn bị hạ thấp.

Lý do để Steve Ballmer làm căng là vì nền kinh tế chung đang khá u ám, còn thị phần của Yahoo trên cả hai địa hạt tìm kiếm lẫn quảng cáo trực tuyến đều sụt giảm.

Yahoo phản bác rằng công việc kinh doanh của hãng vẫn đang "tốt đẹp" và gợi ý Microsoft nên nhìn lại "giá trị doanh nghiệp của chính mình".

"Do cổ phiếu của các ngài đã liên tục giảm giá suốt thời gian qua, giá trị của lời đề nghị mua lại cũng thấp hơn một cách đáng kể so với thời điểm gốc", Yahoo viết.

Vì lợi chung hay tư lợi?

Khi Microsoft mới công khai ý định mua lại Yahoo, bản hợp đồng định giá Yahoo ở mức 31 USD/cổ phiếu, tương đương 44,6 tỷ USD "cả gói".

Nhưng hiện tại, giá trị của thương vụ chỉ còn tương đương 42 tỷ USD mà thôi.

"Lãnh đạo Yahoo tiếp tục cho rằng mức giá bỏ thầu của Microsoft là quá thấp. Giới đầu tư ngày càng hoài nghi và lo ngại rằng quan điểm này vừa không tưởng, vừa tư lợi", nhà phân tích Charles Di Bona của Bernstein bình luận.

Trong thư, Yang cũng cáo buộc lá thư của Ballmer đã "mô tả sai bản chất các cuộc gặp gỡ" trước đây giữa hai hãng.

"Việc Ballmer quả quyết rằng Yahoo đã từ chối ngồi vào bàn đàm phán để đi đến một thoả thuận cuối cùng sẽ khiến cho dư luận dị nghị và thắc mắc".

Trong thời gian chờ đợi, Yahoo vẫn tiếp tục tìm kiếm những phương án liên minh khác để tránh bị Microsoft nuốt chửng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với AOL đã trở nên căng thẳng, một nguồn tin thân cận với vụ việc cho biết.

Đa số cổ đông Yahoo và giới phân tích đều cho rằng: sẽ khó lòng có được một "bạch mã hoàng tử" đến giải cứu Yahoo tại thời điểm này, và chẳng chóng thì chầy, Yahoo cũng phải cúi đầu nhượng bộ trước Microsoft mà thôi.

(Theo Vietnamnet/Reuters)



Bình luận

  • TTCN (0)