Thị trường TV tinh thể lỏng sẽ chứng kiến sức cầu mạnh bất ngờ dành cho các kích cỡ nhỏ, do người tiêu dùng có thu nhập trung bình đang chuyển dần từ TV màn hình cong cồng kềnh sang công nghệ mới.
"Sức cầu dành cho TV dưới 26 inch đang rất mạnh. Thị trường TV LCD đang bành trướng với tốc độ chóng mặt", ông Kwon Young-soo, Giám đốc điều hành LG Display cho biết.LG Display hiện là hãng sản xuất màn hình tinh thể lỏng cỡ lớn số 2 thế giới.
Lời bình luận này của ông Young-soo khiến khá nhiều người ngạc nhiên, bởi lẽ trước đây, đa số giới phân tích chỉ dự đoán rằng thị trường sẽ tiêu thụ mạnh các dòng TV LCD cỡ lớn (trên 37 inch) mà thôi.
"Sức cầu dành cho TV cỡ nhỏ và máy tính xách tay giá rẻ là điều mà chúng tôi không ngờ tới. Nhưng trên thực tế, chúng lại đang diễn ra", ông Kwon nói thêm.
Tuy đang phải tạm thời xếp sau TV màn hình cong truyền thống, nhưng theo dự đoán của giới phân tích, đến năm 2012, thị phần của TV màn hình phẳng (bao gồm cả LCD lẫn plasma) sẽ "đàn áp" đối thủ già nua của mình.
Còn theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu SfK, doanh số tiêu thụ của TV màn hình phẳng tại châu Á tiếp tục tăng tới 62% trong 6 tháng cuối năm 2007.
Điều đó có nghĩa là người dân khu vực châu Á sẽ sắm tới 22 triệu TV màn hình phẳng mới trong năm 2008 này.
Cung có vượt cầu?
Nhờ đó, tình trạng "cung vượt quá cầu vào năm 2009" mà giới phân tích e ngại trước đây sẽ diễn ra không quá trầm trọng.
Nếu không có gì thay đổi, LG Display sẽ bắt đầu sản xuất đại trà dòng TV LCD thế hệ thứ tám kể từ đầu năm 2009.
2009 cũng là năm được dự báo sẽ khá khó khăn, chông gai cho thị trường TV màn hình phẳng, khi nhu cầu mua TV lớn, đắt tiền đã phần nào bão hòa.
Trong khi ấy, giá thành TV LCD lại chưa kịp rẻ để thuyết phục số đông người dùng có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, đà giảm giá, khuyến mại của nhà sản xuất cũng bắt đầu chậm lại.
"Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang được siết chặt. Người tiêu dùng khó lòng chờ đợi một mức giá "không tưởng" trong thời gian tới, nhất là khi sức cầu tiếp tục tăng mạnh theo đà này", ông Kaiser khuyến cáo.
Một vài hãng điện tử lớn như Sony cũng đang thử nghiệm các công nghệ TV tiên tiến khác như OLED. Tuy nhiên, chi phí sản xuất OLED rất đắt.
Một màn hình OLED có kích cỡ 14 inch có thể bán với mức giá lên tới trên 1000 USD, do đó, ý tưởng này hầu như chưa thể cất cánh, dù nó mang đến chất lượng hình ảnh, màu sắc hết sức ấn tượng.
(Theo Vietnamnet/AP)
Bình luận