Myanma vừa công bố cấp hai giấy phép viễn thông cho hãng Telenor của Na Uy và Qatar Telecom. Như vậy Viettel đã phải dừng cuộc chơi tại Myanma.
Công bố cấp 2 giấy phép viễn thông nước ngoài của Myanma đã kết thúc hàng tháng trời suy đoán của giới truyền thông và viễn thông về việc hãng viễn thông nước ngoài nào sẽ nhận được sự đồng ý của chính phủ Myanma.
Viettel là một trong số 11 hãng viễn thông đã tham gia đấu thầu giấy phép viễn thông tại Myanma. Ngoài Viettel còn có các tên tuổi lớn như SingTel của Singapore, Qatar Telecom (Qatar), Sumitomo (Nhật Bản) Bharti Airtel (Ấn Độ), Axiata (Malaysia), KDDI (Nhật Bản), Telenor (Na-uy), MTN Dubai (Nam Phi), Digicel (Jamaica), Millicom (Luxembourg). 11 nhà thầu nước ngoài đã mong muốn đầu tư xây dựng mạng lưới viễn thông ở Myanma, một quốc gia có khoảng 60 triệu dân nhưng tỉ lệ thâm nhập di đông chưa đến 9%.
Trước đó, quốc hội Myanma đã can thiệp vào cuộc đấu thầu này vào phút chót. Hạ viện đã bỏ phiếu trì hoãn việc cấp phép, đợi đến khi Luật Viễn thông mới được thông qua. Tuy nhiên, các cố vấn của Tổng thống Thein Sein đã khẳng định rằng giấy phép sẽ vẫn được ban hành và quốc hội không thể ngăn cản được.
Cả Telenor và Qatar đều không có đối tác ở Myanma trong cuộc đấu thầu này, mặc dù họ sẽ cần đến các nhà thầu phụ trong việc tiến hành xác định các vị trí xây dựng trạm thu phát sóng di động (BTS) và việc xây dựng mạng lưới ở vùng sâu vùng xa. Qatar Telecom nói họ sẽ đầu tư 15 tỉ USD để kết nối 90% người dân Myanmar đến các mạng lưới dữ liệu 3G trong vòng 2 năm, nhanh hơn khung kế hoạch của chính phủ. Tuy vậy, rất khó dự đoán đến bao giờ họ có thể thu lợi nhuận trên khoản đầu tư này.
Myanma hiện đã có 2 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước, song chất lượng dịch vụ rất kém. Các dự án đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng như viễn thông được xem là rất quan trọng để đưa Myanma bước vào kỉ nguyên hiện đại. Myamna cho biết giấy phép viễn thông cấp ra lần này cho hai nhà mạng là Telenor của Na Uy và Quata Telecom sẽ có thời hạn 15 năm và bắt đầu có hiệu lực vào tháng Chín tới. Đây sẽ là những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Myanmar kể từ khi chính phủ hiện nay của Myanmar nắm quyền lực điều hành đất nước vào năm 2011.
Trước đó, hai tập đoàn viễn thông lớn là Vodafone Group và China Telecom đã rút khỏi dự án đấu thầu giấy phép này.
Theo ICTnews/Forbes, Reuters
Bình luận