Viettel đặt ra mục tiêu là cơ bản sẽ giải "bài toán" hạ tầng đến mọi người, mọi nhà vào năm 2018.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, nếu Chính phủ bỏ ra số tiền tương đương với xây dựng 100 km đường cao tốc thì chúng ta có thể đem băng rộng di động tới mọi người dân Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khái niệm viễn thông bây giờ bắt đầu ít người nhắc đến, mà nó chuyển thành mạng thông tin quốc gia. Giá trị thông tin phụ thuộc khá nhiều vào nền băng rộng của mạng viễn thông. Băng thông càng rộng thì giá trị tri thức, giá trị của thông tin càng nhiều… và đang tăng với cấp số nhân.

"Trước đây chúng ta chỉ nói về phần trăm người dùng, nhưng khi đưa băng rộng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì sẽ không còn khái niệm phần trăm nữa, chỉ có khái niệm 100% người dùng. Chúng ta nói rằng muốn đưa giáo dục phổ thông về cho con em mình thì chắc chắn băng thông rộng sẽ đến được 100% hộ gia đình và tương đương như vậy, có những ứng dụng đi kèm phải là 100%. Cho nên ngành viễn thông bắt đầu từ bỏ khái niệm mật độ người dùng, chỉ còn khái niệm 100% người dùng", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Vì vậy, muốn xây dựng hạ tầng quốc gia sẽ tiến hành phủ băng rộng đến mọi người trước và chủ yếu thông qua mạng vô tuyến. Điều kiện tiên quyết để làm được việc này là Bộ TT&TT bắt buộc phải tính đến tần số… cho 3G. Nếu chúng ta không có tần số 800 MHz, 900 MHz dành cho 3G thì câu chuyện di động băng rộng tới mọi người sẽ không thể thành hiện thực. Bên cạnh giải pháp mạng vô tuyến, phải dùng giải pháp kết hợp giữa cáp quang và các đồng trục để đưa băng rộng đến người dân. Hiện Viettel đã đưa cáp quang về gần đến các khu đông dân cư, cơ bản cáp quang về gần các hộ gia đình (chỉ cách khoảng 100 m). Viettel dùng cáp đồng trục và đạt tốc độ 100 Mbps thông qua công nghệ Internet chạy qua các mạng cáp đồng trục, hướng tới đầu tiên là dịch vụ truyền hình và dữ liệu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trong việc phủ băng rộng thì thiết bị đầu cuối luôn là vấn đề nan giải. "Có thể giải quyết câu chuyện thiết bị đầu cuối đến mọi người, mọi nhà nếu giá của nó tầm dưới 20 USD. Chắc khoảng năm 2014, chúng ta mới có thể đạt được mức giá 30 hoặc 35 USD cho một chiếc smartphone. Vậy làm sao cho mỗi chiếc smartphone có giá dưới 20 USD để ai cũng mua được? Chúng tôi nghĩ cần có bàn tay can thiệp của nhà nước. Chúng ta bỏ tiền để xây dựng 100 km đường sá, đường cao tốc thì thấy không nhiều. Nhưng nếu Chính phủ chỉ cần bỏ ra một lượng tiền tương đương với xây 100 km đường cao tốc thì có thể giải được câu chuyện băng rộng di động tới 90 triệu người dân Việt Nam. Đây là con số khiến nhiều người ngạc nhiên, nhất là các nhà hoạch định chính sách", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng phân tích tiếp hiện nay di động băng rộng của Việt Nam mới bằng một nửa mức trung bình thế giới, về cố định băng rộng thì Việt Nam đạt khoảng 3/4 mức trung bình thế giới; nếu nói về xử lí và lưu trữ thì Việt Nam còn thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình thế giới. Cho nên, nếu đánh giá về hạ tầng thông tin quốc gia thì Việt Nam đang đứng dưới mức trung bình; nói về hạ tầng viễn thông dùng cho thoại thì Việt Nam trên mức trung bình.

Theo ông Hùng, mạng thông tin quốc gia bây giờ không chỉ là câu chuyện "alo", mà là câu chuyện truyền dữ liệu (data), lưu trữ data và xử lí data của mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và mọi ngành nghề. Hiện nay, rất nhiều nước chưa nhận thức đúng về vấn đề này và nếu Việt Nam hành động trước thì đây chính là cơ hội để chúng ta đột phá.

"Viettel muốn đặt ra mục tiêu là cơ bản sẽ giải quyết câu chuyện hạ tầng đến mọi người, mọi nhà vào năm 2018. Chúng tôi nghĩ để đưa băng rộng đến 90 triệu dân Việt Nam nhanh hơn thì yếu tố đầu tiên là ý chí, đặc biệt là của người lãnh đạo. Nếu ý chí của người lãnh đạo thực sự mãnh liệt thì chúng ta sẽ chạy nhanh hơn thế giới và đây rất có thể là cơ sở cho Việt Nam theo đuổi mục tiêu trở thành nước mạnh về CNTT - TT", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)