Những ứng dụng OTT (gọi điện và nhắn tin SMS miễn phí) đang nở rộ khiến các mạng di động bị thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Trong khi đó, nhà mạng đã đầu tư rất lớn cho 3G nhưng lại đang bán dưới giá thành.
Nhà mạng "đau đầu" vì OTT
Dịch vụ Over the top content (OTT) cho phép gọi điện và nhắn tin miễn phí trên nền 3G chỉ thực sự trở nên nóng bỏng tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2013. Các dịch vụ OTT đã ào ạt tấn công thị trường Việt Nam với những chương trình marketing dồn dập. Việc tung ra nhiều chương trình marketing đẩy các thuê bao di động chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT tăng rất mạnh.
Tháng 2/2013, Viber công bố cột mốc 3,5 triệu người dùng tại Việt Nam. Thế nhưng, đến đầu tháng 4/2013, Viber cho biết, ứng dụng này đang có khoảng 4 triệu người dùng Việt Nam với mức độ tăng trưởng trung bình khoảng 500.000 người dùng mỗi tháng. Viber kì vọng đến cuối năm 2013, số lượng người dùng sẽ là trên dưới 10 triệu.
Ngoài Viber, đầu tháng 5/2013, ứng dụng nhắn tin thoại miễn phí Zalo đã công bố cán mốc 2 triệu thành viên sử dụng. Mục tiêu tiếp theo của Zalo là mốc 5 triệu, tương đương 50% lượng người sử dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam. Đại diện VTC Online - đơn vị hợp tác với Kakao Talk cho biết, dự kiến mục tiêu của Kakao Talk đến hết năm 2013 đạt khoảng 7 triệu người dùng.
Như vậy, nếu cộng một cách cơ học thì đến cuối năm nay các doanh nghiệp OTT có khoảng hơn 20 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ của mình. Con số này có thể gần bằng số thuê bao đang sử dụng dịch vụ 3G hiện nay.
Thông tin trên truyền thông mới đây ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel tiết lộ, nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40-50%. Khi những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin… đang chiếm đến 80% doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp (DN) viễn thông (trên 100.000 tỉ đồng) thì cảnh báo trên của ông Hùng là “cú sốc” lớn. Nghĩa là, các nhà mạng sẽ mất gần 50.000 tỉ đồng mỗi năm nếu khách hàng đều dùng các dịch vụ OTT gồm nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet. Viễn cảnh này rất có thể trở thành hiện thực trong một ngày không xa. Theo Viettel, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, lượng người dùng Viber đã làm giảm doanh thu của Viettel 1.500 tỉ đồng, nên nhớ là ở thời điểm đó, những ứng dụng OTT mới có lượng người dùng khiêm tốn.
Ông Đỗ Vũ Anh - Trưởng Ban Viễn thông của VNPT cho biết, các dịch vụ OTT như gọi điện thoại, nhắn tin di động miễn phí qua môi trường Internet gây thiệt hại rất lớn đến doanh thu của các mạng di động Việt Nam cũng như thế giới. Dịch vụ này làm ảnh hưởng 9 -10% doanh thu của các nhà mạng trên thế giới.
Đầu tư cho 3G lớn, nhưng đang bán dưới giá thành
Những ứng dụng OTT miễn phí thoại và SMS đang “bức tử” dịch vụ 2G. Trên thực tế, các mạng di động đang lấy nguồn thu từ 2G để nuôi 3G bởi chi phí đầu tư 3G rất lớn nhưng lại bán dưới giá thành. Trong khi đó, về cơ bản dịch vụ OTT chạy trên mạng 3G và “giết chết” nguồn nuôi dưỡng 3G là dịch vụ 2G.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, ước tính tổng đầu tư vào mạng lưới 3G tại Việt Nam lên tới hơn 28.000 tỉ đồng (tương đương 1,3 tỉ USD) và có hơn 44.000 trạm phát sóng 3G được thiết lập hoạt động. Hiện 3 mạng di động lớn nhất của Việt Nam là MobiFone, VinaPhone và Viettel đều tuyên bố đã phủ sóng 3G đến hơn 90% diện tích dân số với số tiền đầu tư rất lớn nhưng giá 3G đang bán ra ở dưới giá thành.
Theo thống kê sơ bộ của các nhà mạng thì giá dịch vụ 3G được bán ra chỉ bằng 35 - 68% so với mức giá thành của dịch vụ. Điều này thu được lợi ích là có nhiều người được sử dụng dịch vụ 3G giá rẻ, nhưng về lâu dài thì nhà mạng không thể tái đầu tư khi mà tình hình kinh doanh và số lượng người dùng không đạt được quy mô cần thiết.
Chắc chắn phải tăng cước 3G
Trước thực trạng sự tăng trưởng các dịch vụ OTT làm giảm mạnh nguồn thu của các nhà mạng thì nhiều ý kiến cho rằng việc các nhà mạng tăng cước 3G chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi. Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh của Viettel cho biết, cước dữ liệu 3G thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các nhà mạng ở Việt Nam, trong khi nhu cầu về băng thông tăng lên rất nhanh.
Vì vậy, chúng ta phải cân đối lại mức giá cước dữ liệu. Như tại Mỹ, dịch vụ OTT không tác động quá nhiều đến bài toán doanh thu của các mạng di động vì cước dữ liệu của họ ở mức 10 USD/1 GB. Ngoài ra, các nhà mạng cũng xóa bỏ những mức cước không giới hạn và quy định tăng dung lượng các gói ở mức 1 GB nên người dùng dù chỉ sử dụng 100 MB vẫn phải nộp mức phí 10 USD cho 1 GB dữ liệu. "Đó thực chất là quá trình cân đối lại giá cước mà các nhà mạng thế giới áp dụng", ông Dũng cho biết.
Trong buổi họp mới đây với bộ TT&TT, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, trong thời gian đầu các mạng di động cung cấp dịch vụ 3G do cạnh tranh nhau rất mạnh nên các mạng đặt giá cước tương đối thấp so với giá thành để mong lấp đầy lưu lượng mạng đã đầu tư. Thế nhưng, đến nay mức cước 3G quá thấp đã phát sinh bất cập. Vì vậy, Viettel kiến nghị tăng giá cước 3G song cũng cần đặt vấn đề tăng giá cước 3G như thế nào cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, giá cước 3G tại Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất thế giới, trong khi chất lượng vẫn đáp ứng được gần hết nhu cầu của người dân. Để so sánh thì ở một nước rất gần VN như Thái Lan, giá ăn uống rất rẻ song cước di động và 3G lại cao. Điều này ngược với ở Việt Nam vì giá cước di động nếu so với mặt bằng ăn uống, sinh hoạt thì rẻ hơn nhiều.
“Việc giá cước 3G dần dần đi lên dựa trên cơ sở giá thành là một xu hướng tất yếu. Trong thời gian đầu triển khai dịch vụ 3G, để thu hút người dùng và kích cầu cho thị trường, doanh nghiệp phải bấm bụng bán dưới giá thành, đưa ra mức cước rất rẻ. Đồng thời, Bộ cũng chưa quản lí giá cước để tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi số lượng thuê bao và tỉ lệ sử dụng 3G tăng mạnh thì doanh nghiệp cần phải điều chỉnh lại giá cước tiệm cận với giá thành, nhất là trong bối cảnh các ứng dụng OTT đang nở rộ”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Việc duy trì mức cước 3G dưới giá thành như hiện nay kèm các dịch vụ OTT miễn phí thoại và SMS thì trước mắt khách hàng sẽ được lợi. Nhưng xét về lâu dài khi nhà mạng không còn đủ sức tái đầu tư mạng lưới thì khách hàng là người chịu thiệt thòi. Vì vậy, tăng cước 3G để nhà mạng có đủ sức đầu tư mạng lưới và cung cấp các dịch vụ cho khách hàng dịch vụ chất lượng tốt sẽ đem lại sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông.
Theo ICTnews
Bình luận
"OTT đang nở rộ khiến các mạng di động bị thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm". Như vậy có nghĩa là trước khi có OTT thì các nhà mạng lời hơn hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm à? Sặc, lời như thế mà vẫn không chiệu cải thiện chất lượng 3G, bó tay với mấy công ti VN tham lam quá >_<