Khi nhà mạng di động manh nha "bỏ nghề".

Cách đây không lâu, Viettel mới tiết lộ cho biết hãng sẽ không còn coi mình là “nhà mạng di động” nữa, mà thay vào đó sẽ tự gọi mình là “nhà cung cấp dịch vụ”. Tại sao Viettel phải làm vậy?

Làm mới để có động lực phấn đấu

Viettel đang khao khát muốn vươn lên trên thị trường di động. Thế nhưng, giờ đây một mình tập đoàn Viettel đã vượt qua doanh thu của cả VNPT. Năm vừa qua, doanh thu của Viettel đạt 140.000 tỉ đồng, còn của VNPT chỉ đạt khoảng 130.000 tỉ đồng. Thêm vào đó, lợi nhuận của Viettel lại đạt gấp 3 lần VNPT, đạt mức 24.500 tỉ đồng so với con số tương ứng ở VNPT la 8.500 tỉ đồng.

Vì thế, Viettel nếu tiếp tục tự coi mình là nhà mạng di động, cán bộ và nhân viên của hãng sẽ mất đi lực phấn đấu. Tự coi mình là nhà cung cấp dịch vụ, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng các mảng cung ứng dịch vụ của mình ra hơn để đáp ứng nhu cầu khách hàng, qua đó tiếp tục tăng quy mô doanh thu và lợi nhuận.

Hiện tại, Viettel đang đầu tư viễn thông ở gần 10 thị trường nước ngoài. Vì thế “nhà cung cấp dịch vụ” Viettel có lẽ sẽ tiếp tục mở rộng sang cung cấp các dịch vụ khác ở các thị trường mà hãng đang khai thác.

Tránh việc bị đẩy vào “mảnh đất” nhà cung cấp hạ tầng

Viettel đang cung cấp rất nhiều dịch vụ viễn thông, từ dịch vụ di động, băng rộng di động, ADSL, FTTH,... Vì thế, hẳn nhà mạng này đang lường trước việc mình có thể bị đẩy về phía “đường dây”, chỉ cung cấp đường truyền mà thôi, còn dịch vụ thì bị các doanh nghiệp nội dung thâu tóm.

Trên thị trường ADSL trước kia, chúng ta hẳn còn nhớ FPT và VNPT từng cung cấp khá nhiều dịch vụ nội dung. Thế nhưng, ngoảnh mặt nhìn lại, cho tới nay, còn có bao nhiêu dịch vụ nội dung số của FPT và VNPT còn đứng vững được trên thị trường?

Internet, về cơ bản giống như một con đường, qua thời gian xa lộ thông tin dù có nâng cấp lên cao cấp bao nhiêu, từ con đường trải nhựa nho nhỏ liên xã, liên huyện, tới con đường rộng hơn có 4 làn đường hay con đường cao tốc, thì phần tiền mà đơn vị xây dựng con đường đó thu được, cùng lắm chỉ là tiền “thuế đường” thông qua các trạm thu phí đường bộ. Còn ở 2 bên đường và các khu vực phụ cận, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao và thu lợi từ việc phồn hoa do các con đường mang lại lớn gấp nhiều lần “thuế đường” kể trên.

Vì thế, ngày nay internet ở Việt Nam đã có một tốc độ nhanh và giá thành rẻ hơn khá nhiều so với lúc mới vào Việt Nam năm 1997. Thế nhưng, cái mà các doanh nghiệp về hạ tầng internet thu được cũng chỉ đa phần là tiền thuê bao mà thôi. Những dịch vụ nội dung số do các doanh nghiệp này xây dựng đã khó lòng có thể giữ vị trí tốt giữa sự cạnh tranh khốc liệt của hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp internet.

Dĩ nhiên, nhà mạng di động khá là khác so với nhà mạng internet. Bởi di động là sự kết hợp chủ yếu giữa sóng di động và sóng dữ liệu. Trong khi nhà mạng internet không thể “độc quyền” được việc cung cấp các dịch vụ cho người tiêu dùng, nhà mạng di động lại độc quyền cung cấp dịch vụ thoại của họ cho khách hàng.

Ảnh
Khi nhà mạng di động manh nha "bỏ nghề"

Thế nhưng, đó là câu chuyện hiện tại. Giờ đây, làn sóng OTT đang lên với doanh thu có thể ước tính lên tới 7 tỉ USD cho tới năm 2016. Các dịch vụ nhắn tin và gọi điện miễn phí như Viber, Line, Zalo... cùng với sự phát triển mạnh mẽ của smartphone hiện tại, sẽ đe dọa trực tiếp tới dịch vụ thoại của các nhà mạng.

Về mảng internet di động, các dịch vụ của các nhà mạng cũng khó có thể đa dạng và có tính cạnh tranh cao như hàng loạt dịch vụ của các công ty khác cung cấp.

Chính vì thế, bước đi của Viettel cho thấy các nhà mạng đã phần nào nhìn thấy được sự đe dọa đối với nguồn doanh thu của mình. Vì thế, Viettel đã sớm thay đổi để chuẩn bị ứng phó tình hình. Tuy nhiên, thay đổi về tên gọi và thay đổi về năng lực bộ máy lại là những điều có phần khác biệt. Vì thế cuộc chiến cung cấp dịch vụ giữa một bên là nhà mạng như Viettel, VNPT với các doanh nghiệp nội dung số trên di động sẽ cần một thời gian nữa mới có thể có câu trả lời.

Theo Tri Thức Trẻ




Bình luận

  • TTCN (0)