Ngày 6/8, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho FPT Telecom. Như vậy, đến thời điểm này đã có 2 doanh nghiệp viễn thông tham chiến thị trường này là Viettel và FPT Telecom cho dù bị nhiều đối thủ đòi "ngăn sông cấm chợ".
Theo đó, FPT Telecom được phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với dịch vụ truyền hình cáp tương tự: trên phạm vi toàn quốc, trừ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Ngoài ra, FPT Telecom được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp số trên phạm vi toàn quốc.
Trước đó hồi tháng 5/2012, FPT Telecom và AVG đã đệ đơn lên Bộ TT&TT xin được cấp phép dịch vụ truyền hình cáp. Theo đó, AVG sẽ "liên thủ" với FPT Telecom cung cấp dịch vụ này. Sở dĩ AVG hợp tác với FPT Telecom cung cấp dịch vụ truyền hình cáp bởi 2 đơn vị này đã đầu tư trục truyền dẫn Bắc - Nam từ giữa năm 2011. Trục cáp quang Bắc - Nam này có chiều dài khoảng 2000 km, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2012. Mục tiêu của AVG là đầu tư thêm cáp đồng trục đến hộ gia đình để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp giá rẻ.
Tháng 4/2013, Bộ TT&TT đã cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho Viettel. Tuy nhiên, Viettel được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp số trên toàn quốc, nhưng không được cung cấp dịch vụ truyền hình tương tự tại 8 tỉnh thành gồm; Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắc Lắk. Hiệu lực của giấy phép là 5 năm, đến hết ngày 28/4/2018.
Viettel cũng đã cam kết thực hiện giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Theo đó, trong vòng 12 tháng từ khi được cấp phép mà chưa chính thức cung cấp dịch vụ, Viettel cam kết nộp phạt 30 tỉ đồng; sau thời điểm cung cấp dịch vụ 3 tháng mà chưa cung cấp đầy đủ các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu sẽ nộp phạt 20 tỉ đồng. Về phạm vi cung cấp dịch vụ sẽ cung cấp dịch vụ tới 63 tỉnh thành phố sau 3 năm, nếu không hoàn thành sẽ chịu phạt 70 tỉ đồng, đồng thời chịu phạt 50 tỉ đồng nếu không phát triển được 2 triệu thuê bao sau 3 năm. Viettel cũng cam kết chịu phạt tới 80 tỉ đồng nếu không tuân thủ lộ trình số hóa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Việc Viettel và FPT Telecom "tham chiến" vào thị trường truyền hình cáp sẽ thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ ở một lĩnh vực mà VTV đang chiếm thế độc quyền. Hiện VTV nắm trong tay hơn 70% thị phần của dịch vụ truyền hình cáp. Suốt thời gian qua, VTV liên tục thông báo với khách hàng tăng cước thuê bao, trong bối cảnh dịch vụ của nhà cung cấp này bị nhiều khách hàng kêu ca về chất lượng dịch vụ.
Trước khi Bộ TT&TT cấp phép cho Viettel và FPT Telecom cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam liên tục gửi văn bản đến Quốc hội và Chính phủ quyết ngăn chặn Viettel tham gia vào lĩnh vực này. Đáng chú ý là trong khi nhiều doanh nghiệp cùng xin cấp phép dịch vụ truyền hình cáp thì Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam chỉ đưa duy nhất Viettel vào danh sách phải “ngăn sông cấm chợ”. Sở cứ đòi “cấm cửa” Viettel được Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đưa ra là thị trường truyền hình trả tiền đang có dấu hiệu bão hòa, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, Nhà nước đang có chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế Nhà nước và các đơn vị trong ngành truyền hình bắt đầu thực hiện lộ trình số hóa đến năm 2020 theo Quy hoạch đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ - trong bối cảnh đó mà Viettel xin đầu tư để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp sẽ gây ra nhiều hệ quả xấu.
Một lí do khác mà lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền đưa ra là việc ra đời của một đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền như Viettel chắc chắn sẽ gây ra những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa những đơn vị đang tham gia thị trường truyền hình trả tiền, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng mà các đơn vị này đã đầu tư và tạo ra nhiều vấn đề phức tạp mà các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ sẽ phải xử lí trong thời gian tới.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cho biết sau 9 năm phát triển, thị trường mới có khoảng 4 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, như vậy còn một số lượng rất lớn người dân Việt Nam chưa được sử dụng dịch vụ. “Bản chất việc doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là phát huy thế mạnh hạ tầng truyền dẫn của họ. Tôi tin rằng khi các doanh nghiệp viễn thông nhảy vào thị trường này, giá dịch vụ cung cấp cho người dân sẽ giảm mạnh chứ không tăng liên tục như thời gian vừa qua”, ông Mai Liêm Trực nói.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nên để các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT cung cấp dịch vụ truyền hình cáp nhưng có cơ chế bắt buộc họ phải cho các doanh nghiệp khác sử dụng chung cơ sở hạ tầng. "Ví dụ, nếu các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạnh như Viettel khi tham gia thị trường truyền hình cáp mà không chịu chia sẻ hạ tầng thì có thể các nhà cung cấp dich vụ khác sẽ chết. Hiện nay, khoảng 80% khu vực nông thôn chưa có dịch vụ truyền hình cáp, trong khi đó Viettel và VNPT có hạ tầng nhưng không chia sẻ hạ tầng với các doanh nghiệp sẽ dẫn tới độc quyền rất nguy hiểm", ông Lê Mạnh Hà nói.
Theo ICTNews
Bình luận