Trong thế giới của những tên lừa đảo trên không gian mạng, một người theo dõi (follower) ảo trên mạng xã hội Instagram giờ đây còn đáng giá hơn năm tài khoản thẻ tín dụng bị đánh cắp.

Theo hãng thông tấn Reuters, cùng với sự bùng nổ của các mạng xã hội, tội phạm mạng ngày nay cũng chuyển hướng sang những mục tiêu mới, đó là tạo ra các tài sản ảo như lượt "thích" (like) trên Facebook, lượng "theo dõi" (follow) trên Twitter hay Instagram, chia sẻ hình ảnh của ứng dụng YouTube của Google, LinkedIn và các trang web phổ biến khác, để bán cho khách hàng có nhu cầu, thay vì đánh cắp thẻ tín dụng như trước.

Theo các chuyên gia mạng tại công ty bảo mật RSA, thuộc bộ phận an ninh của EMC Corp cho biết, trong chiêu trò mới nhất này, tội phạm mạng đã cải biến vi rút chuyên dùng đánh cắp thẻ tín dụng thành một biến thể mới gọi là Zeus, để tạo ra các lượt "like" ảo và đem bán kiếm lời.

RSA còn cho biết thêm, các máy tính bị nhiễm vi rút sẽ tự động bấm like hay follow trên các trang mà khách hàng đã đặt hàng hacker. Các "like" ảo này được bán theo gói từ 1.000 like trở lên trên các diễn đàn hacker trên mạng, nơi trước đây thường chỉ rao bán các tài khoản thẻ tín dụng và các thông tin bị đánh cắp khác từ máy tính các nạn nhân.

Theo RSA, một gói 1.000 follower trên Instagram được rao giá 15 USD, 1.000 like cho các ảnh trên Instagram có giá 30 USD, trong khi 1.000 số thẻ tín dụng chỉ có giá 6 USD.

Điều kì lạ là những thứ vô hình như lượng like lại giá trị hơn các số thẻ tín dụng thật sự. Trả lời điều này, các chuyên gia tiếp thị trực tuyến nói rằng nhiều người thật sự cần mua các tài sản ảo này, một số người sẵn sàng chi rất nhiều tiền để tạo ra một cái tít giật gân trên Internet chỉ để phục vụ cho mục đích phô trương bản thân hay cho nhu cầu kinh doanh. Nhiều công ty cũng cần có con số đẹp trên trang Facebook, hoặc các nhãn hàng muốn tạo cảm giác sản phẩm mình rất phổ biến vì có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, Reuters dẫn lời các chuyên gia này giải thích.

"Mọi người thường nhận thức mức độ quan trọng của một thứ qua độ phổ biến của nó, vốn được thể hiện qua số like trên Facebook ngày nay" - chuyên gia phân tích dữ liệu Victor Pan của Hãng tư vấn WordStream nói với Reuters.

Theo tiết lộ của Don Jackson - một nhà nghiên cứu bảo mật cao cấp của Dell SecureWorks, bọn tội phạm mạng đã sử dụng Zeus để lây nhiễm cho hàng triệu máy tính cá nhân trên toàn cầu kể từ khi vi rút này lần đầu được phát hiện 5 năm trước đây. Mục tiêu mới của bọn chúng là Instagram, đây là một dấu hiệu cho thấy sự gia tăng tầm quan trọng của các mạng xã hội trong tiếp thị, cũng như sự tinh vi ngày càng tăng của các hacker cố gắng để thu lợi từ xu hướng này.

Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, chính nhu cầu "mua like" của các công ty đã tạo ra mảnh đất màu mỡ mới cho tội phạm mạng trục lợi.

Trong khi đó, chuyên gia tư vấn marketing online Will Mitchell thừa nhận với Reuters, thi thoảng ông có khuyên khách hàng mua like ảo, nhưng chỉ để trang mạng xã hội của các công ty này "có khởi đầu không quá tệ".

"Tôi thường khuyên họ mua chừng 100 like ảo, sau đó thì phải dừng lại" - ông nói. Tuy nhiên, có nhiều khách hàng của ông sau đó đã mua hơn 300.000 "like" ảo trên Facebook mặc dù đã được ông khuyên ngăn, một động thái khiến ngay cả chính Mitchell cũng cảm thấy tổn thương. "Điều đó chỉ thật vô lý", ông nói. "Mọi người đều biết những gì họ đang làm".

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng xu hướng lừa đảo thông qua các mạng xã hội này còn có khả năng đi xa hơn. Các tài khoản mạng xã hội ảo cũng có thể được sử dụng cho mục đích tệ hại hơn nữa, chẳng hạn như đánh cắp nhận dạng của người dùng.

Theo VnReview



Bình luận

  • TTCN (0)