Trả lời báo giới, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN Đào Văn Hưng lập luận: nguyên nhân của việc đầu tư đa ngành chính là "lấy ngắn nuôi dài", tìm cách "bù đắp" cho sự mất cân đối tài chính khi thực hiện trách nhiệm "anh cả đỏ của nền kinh tế", giữ ổn định giá trong lạm phát.

EVN đầu tư bên ngoài chỉ 2%

- Thưa ông, lí do gì khiến các Tập đoàn cần đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của mình?

Các tập đoàn kinh tế đang lĩnh vai trò thực hiện chủ trương chính sách của nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn lạm phát hiện nay, Chính phủ yêu cầu các DN lớn không được tăng giá. Điều này dẫn đến sự mất cân đối về tài chính do giá đầu vào tăng trong khi giá bán ra không tăng.

Để bù đắp sự thiếu hụt đó, các tập đoàn kinh tế buộc phải kinh doanh một số lĩnh vực khác mà theo điều lệ kinh doanh tập đoàn, có lợi nhuận cao như ngân hàng, BĐS... Nhờ nguồn thu đó để bù đắp cho sự mất cân bằng tài chính.

Tôi nghĩ sự bù đắp đó là đúng luật, có hiệu quả và đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

- Bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN như thế nào?

EVN đã tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, còn BĐS thì vừa mới hình thành một số đơn vị. Riêng lĩnh vực ngân hàng chúng tôi thấy rất hiệu quả so với kinh doanh bên điện lực chúng tôi.

Nếu mức lợi nhuận chỉ 1 vài phần trăm trong kinh doanh mặt hàng chính thì lợi nhuận ở ngành ngân hàng gấp nhiều lần so với kinh doanh của DN... Có như vậy chúng tôi mới có tiền để tái đầu tư.

- Số tiền đầu tư ra ngoài chiếm bao nhiêu tổng đầu tư của EVN?

Chúng tôi đã cho kiểm tra và thống kê lại, toàn bộ vốn điều lệ là chưa được 2%. Số vốn chúng tôi bỏ ra rất ít và khi chúng tôi bỏ ra đầu tư vào những lĩnh vực nào đều có cân nhắc, để đảm bảo tính pháp lý và tính hiệu quả trong hoạt động của mình.

- Tại sao EVN không tập trung vào điện mà nhảy sang làm ngân hàng, dùng vốn nhà nước để kinh doanh lĩnh vực vốn đã giao cho một bộ phận khác chuyên làm? Có phải cứ thấy chỗ nào tỷ suất lợi nhuận cao thì đầu tư vào không?

Chính Nhà nước quy định Tập đoàn được kinh doanh đa ngành. Làm gì có chỗ nào quy định Tập đoàn không được làm điều đó.

Thiếu điện tại người tiêu dùng

- Các tập đoàn trước hết phải hoàn thành nhiệm vụ chính của mình trước đã. Theo ông, EVN đã hoàn thành trách nhiệm của mình chưa mà đã đem tiền đầu tư ra lĩnh vực khác khi thiếu điện, cắt điện diễn ra liên miên?

Chúng ta phải nhìn nhận một cách dứt khoát rằng nhu cầu về điện của Việt Nam với tốc độ tăng cao nhất thế giới, khoảng 19-20%. Những quốc gia phát triển, nhu cầu điện năng thường chỉ tăng 1-2%. Từ năm 2001 đến nay, quy mô đầu tư của ngành điện đã tăng trên 2,5 lần. Nếu so ngành điện với các ngành khác, đây là ngành công nghiệp nặng được đầu tư với quy mô lớn nhất.

Nghe phát biểu của ông Đào Văn Hưng, một cán bộ Bộ Thương mại nhận xét: EVN chỉ chăm chăm lo cho hầu bao của mình.

Về phàn nàn của EVN liên quan đến số vốn 150 nghìn tỷ đồng đang giam tại các công trình đầu tư, cán bộ này nói, chung quy chỉ là anh bày ra nhiều, nhưng lại không muốn dở dang gì.

Phải nói rằng với tốc độ tăng trưởng như vậy, ngành điện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Còn nói đáp ứng đủ thì hầu như nước nào trên thế giới cũng thiếu điện.

Ví dụ, Trung Quốc ở nhiều nơi phải ngừng sản xuất cả một thành phố liên tục trong cả tháng. Không phải vì Trung Quốc làm kém hơn mình mà do tốc độ tăng trưởng của phụ tải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nhà máy điện. Ví dụ cùng xây dựng thì thời gian xây dựng là 10 năm thì việc đầu tư đáp ứng yêu cầu phụ tải ngày hôm nay có thể đủ nhưng ngày mai không biết như thế nào.

Giá gas từ năm ngoái đến nay đã tăng lên gấp đôi. Những hộ nào chuyển sang dùng điện để nấu nướng... Chúng ta không thể nào chạy kịp do sự chuyển hướng tiêu dùng như vậy. Ngày hôm nay, lạnh hoặc nóng người ta mua điều hoà lắp vào. Gia đình dùng bóng đèn không đáng bao nhiêu điện nhưng nếu lắp điều hoà, bình nóng lạnh... lượng điện tiêu thụ lớn hơn rất nhiều, công suất tăng gấp đôi. Việt Nam có khoảng 18 triệu hộ gia đình như vậy. Lượng điện tiêu thụ tăng lên một con số rất lớn.

- Phải chăng vì chúng ta không tính đến nguồn điện dữ trữ dù nguy cơ thiếu điện đã được cảnh báo từ rất lâu trước đó?

Chúng tôi cũng đã nghe nói nhiều trên báo chí nhưng chúng ta không có được thông tin đầy đủ. Chúng ta có dự báo, nhưng khả năng, năng lực của DN, của xã hội như thế nào. Giá điện của Việt Nam như thế này thì không nhà đầu tư nào muốn vào để sản xuất điện.

Các nhà đầu tư chắc chắn nhảy vào những nơi có lợi nhuận cao. Họ đầu tư vào không phải vì thương Việt Nam thiếu điện.

Theo tính toán, để đáp ứng nhu cầu điện năng, từ nay đến 2015, Việt Nam cần số đầu tư 800 nghìn tỷ đồng.

Giá điện dù tăng hay giảm thì người tiêu dùng vẫn kêu, dù lên 5 hay 10 đồng. Thậm chí, giá điện xuống 100 đồng thì người ta vẫn kêu. Người ta sẽ bảo tại sao không cho không? Cần tìm ra một giải pháp cho đúng, còn nếu chỉ quy thành tiền thì không phải.

- EVN đã tìm ra giải pháp nào để thoát tình trạng thiếu điện, cắt điện triền miên này?

Một giải pháp quan trọng là vận động nhân dân tiết kiệm điện. Tôi phải huy động quân của mình đi bán bóng đèn tiết kiệm điện, thay vì để các cửa hàng, đại lý bán. 50 000 quân của bọn tôi phải đi bán bóng đèn.

Đó là giải pháp số một trong tình thế hiện nay. Việt Nam là nước nghèo, cần xem tiết kiệm là ưu tiên.

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (3)
Nemo Nguyen  21665

Đầu tư vào ngân hàng, BDS, viễn thông... vì lợi nhuận cao để kiếm tiền tái đầu tư. Nghe hài quá, cũng vì "lợi nhuận cao" nên dần dần sẽ trở thành "mục tiêu chính" mà quên đi nhiệm vụ "đầu tư cho ngành điện lực của mình"

Nếu nhà nước để 1 siêu tổng công ty dùng vốn nhà nước để kinh doanh đa ngành như vậy thì thị trường VN sẽ còn thiếu điện dài dài... (cổ phần xong chắc mới hết thiếu)

Hải Nam  30903

Đầu tư 800.000 tỉ đồng, tức là 50 tỉ USD, đọc xong xỉu luôn. Tiền đâu ;D

Chờ EVN cổ phần hóa xong mấy công ty truyền tải điện chắc phải 4-5 năm nữa. Từ giờ đến đó sẽ còn "đầu tư đa ngành" dài dài Sad

Quang Trung  22192

Giả sử như Điện lực có thể đầu tư ra ngoài. Vậy để bên ngoài đầu tư phát triển điện lực đi! Big Grin Vấn đề là EVN đã chán một mình một đường ray nên muốn nếm mùi thôi.