Người dùng Skype không tin nổi vào mắt mình khi nhận được một thông báo lỗi kỳ lạ từ phần mềm bảo mật của Microsoft, khẳng định: chương trình VoIP mà họ đang dùng chính là phần mềm phá hoại.
Theo lời giải thích mới nhất từ Microsoft, bản update "cơ sở dữ liệu virus và lỗ hổng" của hãng đã nhầm Skype với một chương trình adware chuyên hiển thị quảng cáo pop-up mang tên Win32/Vundo.gen!D. Tất cả người dùng Forefront Client Security, Windows Live OneCare và Windows Live OneCare Safety Scanner đều bị ảnh hưởng bởi "sai lầm" này.
Tuy nhiên, sự cố đã được khắc phục xong từ hôm thứ ba, đại diện Microsoft trấn an người dùng.
"Các sản phẩm bảo mật nói trên không xóa Skype khỏi ổ cứng. Chúng chỉ chặn không cho phần mềm này kích hoạt mà thôi, vì vậy, người dùng sẽ không phải cài đặt Skype lại từ đầu".
Một khi bản vá lỗi được cập nhật về máy tính người dùng, Skype sẽ hoạt động như bình thường. Người dùng Windows Defender và công cụ Malicious Software Removal Tool đã "may mắn" thoát khỏi sự phiền toái này.
Tuy người dùng không khỏi bực mình với sai lầm của Microsoft, song đây không phải trường hợp đầu tiên các phần mềm bảo mật uy tín nhận lầm một phần mềm hợp pháp là malware. Giới chuyên môn gọi đây là lỗi "dương tính giả".
Không phải chuyện hiếm
Hai năm trước, chính phần mềm bảo mật của hãng Sophos cũng đã nhầm file hệ thống của hệ điều hành Mac OS X là malware.
Hai năm trước, chính phần mềm bảo mật của hãng Sophos cũng đã nhầm file hệ thống của hệ điều hành Mac OS X là malware.
Ngay cả hãng cung cấp phần mềm bảo mật lớn nhất thế giới Symantec cũng có những phen "ngượng chín người" tương tự.
Tháng 3/2007, Symantec từng một mực khẳng định Yahoo Mail là virus. Tiếp đó, đến tháng 6/2007, hàng triệu máy tính tại Trung Quốc đã bị tê liệt suốt mấy ngày do một sai lầm nghiêm trọng của phần mềm Norton Antivirus.
Cụ thể, bản update tự động dành cho Norton Antivirus tiếng Trung đã nhận lầm 2 file trọng yếu của hệ điều hành Windows XP là mã độc và... xóa chúng.
Hệ quả là hàng triệu máy tính ngay lập tức "đổ sập", bởi người dùng không thể nào khởi động máy tính hay cài đặt lại hệ điều hành của họ được.
Nhiều khách hàng của Symantec, hầu hết là các doanh nghiệp và tập đoàn lớn, đã đòi Symantec phải bồi thường số tiền từ 100.000 NDT cho đến vài triệu tệ.
Xa hơn một chút, vào tháng 11/2006, dịch vụ Windows Live OneCare của Microsoft từng cảnh báo Google Gmail có chứa virus. Đến lượt công cụ bảo mật của McAfee cũng đánh dấu Excel và một số ứng dụng hợp pháp khác là virus.
(Thao vietnamnet/PCWorld)
Bình luận