Việt Nam không phải là thị trường lớn nên hàng nhập khẩu chính thức luôn chậm chân hơn hàng "xách tay". Đối với các sản phẩm kỹ thuật số, người tiêu dùng ở Việt Nam tiếp cận công nghệ mới của thế giới từ hàng xách tay nhiều hơn từ giới thiệu của các hãng.
Trong nhiều trường hợp, hàng xách tay cũng chính là thước đo nhu cầu tiêu thụ, giá bán của những sản phẩm này trước khi chúng được các hãng chính thức tung ra thị trường.
Một thị trường hạng hai
So với những thị trường khác như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc..., thị trường Việt Nam vẫn còn xếp vào hạng hai. Điều đó có nghĩa khi có một sản phẩm mới, số lượng ít, thị trường Việt Nam không thuộc diện ưu tiên. Sản phẩm chỉ có sau khi các thị trường chủ lực của các hãng đã đủ hàng.
Thông thường, thời gian của độ trễ này là một tháng, thậm chí có những món hàng gần năm sau mới có. Bà Nguyễn Thị Gia Lai (văn phòng đại diện Canon Singapore tại Việt Nam) cho biết: “Những thị trường lớn luôn được ưu tiên đặt hàng trước và đặt hàng trực tiếp, nên sau khi công bố là có hàng ngay. Sức tiêu thụ các sản phẩm số ở Việt Nam đang gia tăng, nhưng vì chưa được xem là thị trường lớn nên phải nhập gián tiếp, thông qua Singapore. Độ trễ chính là ở khâu này”.
Giữa năm ngoái, khi Canon giới thiệu model máy ảnh chuyên nghiệp Canon 1Ds Mark III được đánh giá là hàng đỉnh, trên thị trường đã có cửa hàng nhận đơn hàng từ các tay máy chuyên nghiệp. Đến nay, model này vẫn chưa chính thức xuất hiện tại Việt Nam qua đường nhập khẩu chính thức.
Nhiều mặt hàng khác, dù các nhà phân phối rất muốn đưa vào Việt Nam, chưa thể xuất hiện, như iPhone chẳng hạn. “Với iPhone, để có hàng chính thức không dễ dàng chút nào”, đại diện của FPT Distributions khẳng định. Nghe đâu giữa tháng 5 năm nay, nhà phân phối này mới được Apple chính thức cung cấp iPhone bán trên thị trường.
Đã có hàng xách tay thay thế
Tuy nhiên, có vẻ như hàng xách tay phần nào lấp được khoảng trống nhu cầu thị trường trước tình hình hàng chính hãng chưa xuất hiện.
Một trong những sản phẩm xách tay có tác động nhiều đến thị trường điện thoại di động nước ta trong năm qua là iPhone. Khi ở Mỹ xuất hiện chiếc iPhone đầu tiên với giá 699 USD (dung lượng 4GB), chưa đầy ba ngày sau tại TPHCM đã có hai chiếc iPhone với giá khoảng 2.000 USD/chiếc. Sau đó, giá giảm xuống còn trên 1.000 USD mà vẫn hút hàng. Sự kiện nóng này kéo dài đến cuối tháng 1/2008 mới hạ nhiệt.
Giữa tháng 3 năm nay, khi Sony Việt Nam chính thức công bố những model máy ảnh dòng A tại thị trường Việt Nam thì trước đó một tháng, nhiều cửa hàng chuyên dụng tại TPHCM và Hà Nội, kể cả trên mạng internet, đã rao bán sản phẩm với giá hết sức hấp dẫn: 10 triệu đồng cho model A200 (kèm theo ống kính 18 - 70mm).
Còn nhiều mặt hàng kỹ thuật số khác, từ máy nghe nhạc MP3 cao cấp cho đến máy tính xách tay, máy quay phim số... đã thay thế hàng chính hãng không nhập về kịp bằng con đường nhập không chính thức, xách tay... Có sản phẩm xách tay được phân phối tại các cửa hàng “ruột” hoặc tiếp thị truyền miệng. Không chỉ mua lại từ mối quen biết, có cửa hàng còn chủ động đặt các đầu mối ở nước ngoài gom hàng chuyển về.
Đại diện một hãng chuyên phân phối sản phẩm kỹ thuật số cho biết có lúc họ phải nhờ “hàng xách tay hoặc nhập không chính thức” để làm “nhiệt kế” đo sức mua của thị trường với từng model, hoặc có khi cả nhóm hàng.
“Chúng tôi đã có sẵn một vài sản phẩm nhưng chưa tung vội. Khi thấy người tiêu dùng quan tâm, chúng tôi sẽ ấn định giá tung hàng ra thị trường”, người đại diện này nói.
(Theo Sài Gòn tiếp thị)
Bình luận