Hôm qua bản thử nghiệm của Live Mesh đã đến với 10.000 người đăng ký đầu tiên và thế giới đã có thể định hình chiến lược mới về Web của Microsoft.
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu một chút xem thực sự Live Mesh là gì?
Live Mesh là gì?
Giới thiệu
Mesh là một dịch vụ giúp bạn đồng bộ (synchronize) tài liệu, hình ảnh, feeds, các cài đặt trên nhiều máy tính, thiết bị. Nếu bạn nào đã dùng plugin Foxmarks thì đều biết đây là dịch vụ giúp bạn đồng bộ các bookmark của Firefox trên nhiều máy tính khác nhau. Ví dụ: Tôi đang xem một bài viết hay trên blog “Người Tập Viết” và muốn bookmark lại để tham khảo sau; nhưng khi về nhà tôi lại không tìm được link tới bài viết này vì lưu tôi bookmark trên Firefox ở máy của công ty. Sau khi cài Foxmarks thì đây không còn là vấn đề vì nó sẽ tự động xem có bookmark nào mới hay bị xóa/sửa và “đồng bộ hóa” chúng trên tất cả các bản Firefox mà tôi dùng.
Mesh cung cấp dịch vụ ở mức cao hơn, dịch vụ này có khả năng đồng bộ hóa tất cả các tài liệu, tập tin và cả các thiết đặt trong các ứng dụng từ máy này sang máy kia. Và nếu nó hoạt động như Microsoft hứa hẹn thì trong tương lai không xa nếu tôi đặt font chữ “VNI-Times” là mặc định trong ứng dụng Word (for Mesh?) tại máy tính ở công ty thì khi mở máy ở nhà Word của tôi cũng sẽ tự động đổi sang “VNI-Times” làm font mặc định và cả Word trong cái O2 cũng vậy (chỉ là giả dụ vì tôi không dùng O2, một loại smart phone chạy trên HĐH Windows mobile). Đương nhiên các tài liệu viết trên bản Word này cũng sẽ được đồng bộ trên tất cả các máy tính kết nối với Live Mesh.
Thành phần và Chức năng
Live Mesh bao gồm 2 thành phần chính là một dịch vụ web mà bạn có thể đăng ký các máy móc bạn muốn đưa vào dùng (như máy tính, mobile phone…) trong Mesh và một phần mềm có gói cái đặt dung lượng 2 MB, gọi là Môi trường điều hành Mesh — Mesh Operating Environment (MOE), giúp bạn tích hợp Mesh vào Windows. Dịch vụ Web có tên là “Live Desktop” được thiết kế trông giống như Windows desktop là cửa ngõ để kích hoạt các ứng dụng trực tuyến, chia sẻ thông tin.
Hiện tại, Live Mesh chỉ có hai chức năng chính là chia sẻ tập tin, thư mục giữa các máy tính và cho điều khiển máy tính từ xa (Remote Desktop) qua giao diện web (phải dùng IE) hay bằng một ứng dụng trong MOE. Ngoài ra MOE còn cài ứng dụng có tên “Live Mesh Notifier” để báo cho bạn biết những gì xảy ra trong Mesh của mình và tích hợp “Mesh Companion Bar” vào Windows Explorer (hmm, một cách làm rất điển hình kiểu Microsoft).
Ngoài ra, Live Mesh còn cho bạn một không gian lưu trữ chung 5 GB mà bạn có thể truy cập từ bất kỳ đâu có Internet và vì nó được tích hợp vào Remote Desktop nên bạn sẽ có thể thao tác trên đó rất dễ dàng.
Công nghệ và Mục tiêu
Công nghệ lõi của Live Mesh là FeedSync trước kia có tên là Simple Sharing Extensions, một công nghệ riêng của Microsoft lấy ý tưởng từ việc đồng bộ hóa tin qua “feeds” để mở rộng cho việc đồng bộ hóa các tài liệu khác.
Mục tiêu lớn nhất của Microsoft là biến Live Mesh thành một nền tảng (platform) để xây dựng các ứng dụng kiểu “for Live Mesh”. Các ứng dụng này sẽ có khả năng hoạt động ngay cả khi không có kết nối Internet, khi “online” trở lại dữ liệu sẽ được đồng bộ bằng công nghệ P2P để tiết kiệm băng thông tối đa.
Chiến lược ” Windows for Web”
Câu hỏi mà các nhà phân tích luôn đặt ra với Microsoft là họ sẽ làm thế nào để đưa các sản phẩm, dịch vụ của mình lên web mà không làm hại lãnh địa chính của mình trên desktop. Giờ đây chúng ta đã có thể thấy được câu trả lời của Microsoft qua Live Mesh.
Live Mesh bản chất là một cố gắng Windows hóa Web. Vấn đề lớn nhất với các ứng dụng desktop ngày này là chúng hoạt động như các ốc đảo trong khi web cho phép lưu trữ và sử dụng dữ liệu từ bất kỳ đâu trên trái đất. Web đã tạo nên một hệ thống hỗ tương (ecosystem) giữa các thiết bị điện tử, một ví dụ điển hình nhất là mối liên hệ giữa iPod và iTunes, cái nọ là động lực cho sự phát triển của cái kia với Internet là phương tiện đồng bộ hóa. Microsoft luôn gặp khó khăn khi phải hộ trợ việc đồng bộ hóa dù là đơn giản nhất. Nếu mọi thứ đều chạy trên Windows thì chẳng có vấn đề gì vì họ có thể kiểm soát được mọi chuyện ở đó, nhưng thời đại đã đổi thay khi ngày nay các thiết bị chủ yếu dùng Web để trao đổi và chia sẻ dữ liệu.
Web đã từng là một nơi dễ kiểm soát đối với Microsoft nhưng lại đang là mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất với người khổng lồ trên đôi cánh Windows này. Web đang trở thành trung tâm của giải trí và làm việc khiến cho Windows ngày càng lạc hậu trước các ứng dụng web của Google và Yahoo. Câu trả lời có tính chiến lược nhất của Microsoft là phải tạo nên một “Windows for Web” và thúc đẩy việc tạo ra các ứng dụng mới trên nền tảng này. Các ứng dụng “for Mesh” sẽ gắn chặt với hệ điều hành và có thể hoạt động offline như các ứng dụng desktop khác trong khi vẫn có các ưu điểm của các ứng dụng web như có thể lưu trữ dữ liệu tập chung và truy cập dữ liệu từ bất kỳ đâu trên nhiều thiết bị khác nhau. Người dùng sẽ vẫn có cảm giác quen thuộc như khi dùng các ứng dụng desktop…
Windows desktop sẽ được thay thế bằng Live Desktop, “My Computer” nhường chỗ cho “My Mesh” nơi bạn có thể nhìn thấy tất cả các máy tính, thiết bị gắn vào Mesh (hiện tại thì bạn chỉ có thể đưa máy tính chạy Windows XP hay Vista vào Mesh thôi). Bạn có thể đưa các thư mục bạn muốn chia sẻ như “My Documents” hay “My Music” vào không gian của Mesh và Mesh sẽ đồng bộ hóa khi bạn có bất kỳ thay đổi gì trong các tài liệu, tập tin ở đó.
Tuy nhiên, điều cốt lõi để chiến lược này thành công và biến Mesh thành nền tảng Web “mặc định” thì cần nhiều ứng dụng phát triển trên đó. Microsoft sẽ cung cấp các API (kiểu REST) cho các nhà phát triển ứng dụng bằng Javascript hay Silverlight, ngoài ra các ứng dụng có thể trực tiếp “nói chuyện phải quấy” với Mesh qua FeedSync. Nhưng có lẽ các nhà phát triển sẽ phải chờ tới cuối năm nay mới có được các công cụ cần thiết để tạo những ứng dụng đầu tiên cho Mesh.
Vài suy nghĩ
Điều chúng ta có thể nhận thấy từ văn hóa của Microsoft là họ luôn sẵn sàng tạo ra những sản phẩm không xuất sắc lắm và không ngừng cải tiến nó cho đến khi hoàn chỉnh và họ cũng không bao giờ xa rời chiến lược chủ đạo “Windows là tất cả” của mình.
Web có thể là mối đe dọa lớn nhất với Microsoft nhưng nếu có chiến lược đúng đắn nó lại có thể biến Web thành cơ hội lớn nhất với họ. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thế hệ tiếp theo của Word, Excel… sẽ là Word for Live Mesh, Excel for Live Mesh… (hay Office for Live Mesh), khi ấy kịch bản mà tôi trình bày trong phần giới thiệu ở trên sẽ không còn là giả định nữa. Và sẽ thật thú vị nếu lại được chứng kiến một thế hệ các phần mềm mới “for Live Mesh” xuất hiện tương tự các ứng dụng “for Windows” ngày nào.
Vấn đề lớn nhất là công đồng phát triển và khối doanh nghiệp sẽ phản ứng thế nào với nền tảng Live Mesh, liệu họ có muốn để Microsoft áp đặt các tiêu chuẩn của mình lên Web (nữa) hay không?
(theo web2vietnam.com)
Bình luận
Mình nghĩ hơi thái quá khi nhận xét về chiến lược của Microssoft. Windows không lu mờ trước Google, Yahoo! bởi vì nó là hệ điều hành, hai thằng kia sẽ không là gì nếu không có hệ điều hành.
Những ứng dụng dùng trực tiếp trên web thì thường là để demo sản phẩm offline của nó là chính (hoặc là tiện dùng nhờ máy của ai đó chứ không phải laptop của mình.
Sync vẫn là cái chính của nó. Vài cái đồng bộ lưu trữ trên web (mấy GB đó) thì chẳng mấy ai dùng đến vì thực ra bị giới hạn bởi tốc độ. Cầm theo một cái USB flash đi có khi còn tiện hơn nhiều.