Ảnh: AP.

Cuối cùng thì ban giám đốc Yahoo vẫn không chấp nhận "bán mình" cho Microsoft trước ngày Thứ bảy vừa qua - kỳ hạn chót mà Microsoft đặt ra cách đây 3 tuần để hai bên hoàn tất mọi sự thương lượng.

Khó nghĩ

Giờ thì Microsoft đang rất khó nghĩ. Họ bắt buộc phải đưa ra quyết định: hoặc là tiếp tục theo đuổi một cuộc chiến giành quyền kiểm soát nhằm hạ bệ toàn bộ ban giám đốc 10 người của Yahoo và đưa lời đề nghị mua lại ra thẳng đại hội cổ đông Yahoo thường niên.

Hoặc giả họ sẽ từ bỏ Yahoo hoàn toàn để theo đuổi những thương vụ khác "ngon ăn" hơn.

Suốt từ ngày 1/2 (thời điểm mà Microsoft công khai ý định mua lại Yahoo lần đầu tiên), ban giám đốc Microsoft luôn tuyên bố hùng hồn rằng họ sẽ theo đuổi Yahoo bằng "mọi cách có thể".

Điều này đồng nghĩa với việc không loại trừ cả việc đề cử một loạt ứng viên cho ban giám đốc Yahoo mới tại kỳ họp cổ đông thường niên sắp diễn ra.

Thế nhưng giọng lưỡi của Giám đốc điều hành Steve Ballmer và Giám đốc tài chính Chris Liddell đã trở nên "mềm mỏng" hơn hồi tuần trước, khi họ nói rằng "từ bỏ thương vụ và quay lưng lại với Yahoo" cũng có thể là một sự lựa chọn.

Đại diện Yahoo từ chối bình luận về toàn bộ sự việc và kỳ hạn chót đã qua. Trong khi ấy, Microsoft chỉ nhắc lại tuyên bố mà ông Liddell đưa ra trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh quý I của gã khổng lồ phần mềm.

"Trừ phi chúng tôi đạt được tiến triển với Yahoo trước cuối tuần này, nếu không chúng tôi sẽ cân nhắc lại tất cả các khả năng, bao gồm cả việc đưa thẳng lời đề nghị mua lại ra trước các cổ đông Yahoo hoặc rút lại việc bỏ thầu để dồn sức cho những cơ hội khác .

Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin mới nhất vào thời điểm thích hợp trong tuần sau."

Mất kiên nhẫn

Trích dẫn một nguồn tin giấu tên, tờ Wall Street Journal hôm qua đưa tin Microsoft, Yahoo và các cố vấn của hai bên đã "đàm phán nhiều lần" trong vài tuần trở lại đây, song không có đủ sự đồng thuận để tiến tới một thỏa thuận cuối cùng vào ngày thứ 7.

Rõ ràng, toàn bộ thương vụ đình đám Yahoo là một nỗi thất vọng lớn của Microsoft. Gã khổng lồ phần mềm cho tới giờ vẫn giữ nguyên quan điểm là mức là bỏ thầu của hãng đã "rất công bằng và hợp lý", cũng như không có bất cứ lý do gì để phải xem xét hay điều chỉnh lại.

Thế nhưng Giám đốc điều hành Steve Ballmer càng ngày càng mất kiên nhẫn với thái độ dùng dằng nửa vời của Yahoo.

Đây là điều không khiến ai ngạc nhiên, bởi Microsoft đang ở trong tình thế cấp bách của cuộc đua bám đuổi đại địch Google.

Nếu xúc tiến một cuộc chiến giành quyền kiểm soát, thương vụ Yahoo sẽ chỉ càng kéo dài lê thê hơn và trở nên phức tạp hơn. Dù Microsoft có thắng thì đấy cũng không phải là sự khởi đầu tốt cho quá trình sáp nhập hai bên sau này.

Trong lúc ấy, chẳng chịu bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một, Google tìm mọi cách khai thác và kiếm lời từ cuộc chiến nội bộ giữa Microsoft với Yahoo.

Cụ thể nhất, gã khổng lồ tìm kiếm cố gắng giành giật nhiều khách hàng và nhân viên tài năng của Yahoo - vốn đang lo lắng về tương lai "hậu sáp nhập" - về tay mình.

Yahoo xoay sở thoát thân

Chỉ 1 tuần sau khi Microsoft công khai ra giá 44,6 tỷ USD để mua lại Yahoo, ban giám đốc Yahoo đã chính thức từ chối lời đề nghị này, tuyên bố mức giá ấy "quá rẻ và không đánh giá đúng giá trị công ty".

Yahoo cũng tích cực thương thảo với nhiều hãng khác như Google, AOL, Disney và News Corp để cải thiện công việc kinh doanh của mình, đồng thời giải tỏa sức ép "bán thân".

Đến ngày 5/4, trong một động thái thể hiện rõ sự mất kiên nhẫn và bực bội, Microsoft đe dọa sẽ tiến hành một cuộc chiến giành quyền kiểm soát nhằm vào Yahoo, nếu như gã khổng lồ Web không chấp nhận bán mình trong vòng 3 tuần.

Cho tới nay, Yahoo vẫn chưa hiện thực hóa được bất cứ thỏa thuận liên minh nào, ngoại trừ một cuộc chạy thử quảng cáo của Google ở quy mô cực kỳ hạn chế.

Giới quan sát cho rằng đợt thử nghiệm này có thể mở đường cho việc Yahoo "outsource" toàn bộ công việc kinh doanh quảng cáo tìm kiếm sang cho Google.

Thế nhưng khả năng này cũng khiến nhiều người nhíu mày lo lắng, vì nó sẽ vướng vào các rào cản của luật chống độc quyền tại Mỹ.

Yahoo cũng tìm cách "câu giờ" khi vào ngày 5/3, hãng này dời lại hạn chót để đề cử ứng viên ban giám đốc mới cho cuộc họp cổ đông thường niên. Đây là nước cờ nhằm chống lại quyết định xúc tiến một cuộc chiến giành quyền kiểm soát của Microsoft.

Đến ngày 18/3, Yahoo công bố một kế hoạch tài chính "bí mật" nhằm chứng tỏ: giá trị của hãng cao hơn nhiều so với mức giá mà Microsoft đề nghị.

Và tự tin quá mức?

Bản kế hoạch này dự đoán luồng tiền luân chuyển trong Yahoo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 3 năm tới, từ 1,9 tỷ USD lên 3,7 tỷ USD.

Nó cũng tin rằng doanh thu Yahoo sẽ đạt 8,8 tỷ USD vào năm 2010, dù đại đa số chuyên gia tài chính đều nhất trí rằng: Bản kế hoạch này "lạc quan quá mức".

Yahoo cũng tăng cường công bố các sản phẩm và chiến lược mới trong suốt vài tháng qua, nhằm "úp mở" rằng chúng tôi sẽ tiếp tục tồn tại với tư cách một công ty độc lập.

Lấy thí dụ, hãng này mua lại trang web video trực tuyến Maven Networks, trình làng dịch vụ di động xã hội ảo OneConnect, khai trương lại website video phiên bản mới...

Bên cạnh đó, hãng còn công bố AMP, một nền tảng quản lý quảng cáo mới "đơn giản hóa tối đa quy trình mua và bán quảng cáo trực tuyến". Yahoo cũng chèn thêm dịch vụ video cho website chia sẻ ảnh Flickr.

Đầu tuần trước, Yahoo công bố kế hoạch kinh doanh quý I/2008 với doanh thu và lợi nhuận "cao hơn dự đoán của giới phân tích", nhưng vẫn dừng lại ở mức quá khiêm tốn nếu đem so với đối thủ Google.

Mặc dù vậy, Giám đốc điều hành Jerry Yang vẫn khẳng định công ty đang trên đà phục hồi.

Nhưng vẫn có những sự kiện gợi người ta nhớ đến lý do vì sao Yahoo lại là mục tiêu để Microsoft "thâu tóm". Bằng chứng cụ thể nhất là quyết định sa thải khoảng 1000 nhân viên của hãng trong năm nay.

Ngoài ra, việc những quan chức kỳ cựu như Bradley Horowitz - Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược sản phẩm - tự nguyện rời bỏ công ty cũng khiến không ít người phải suy nghĩ.

Trong trường hợp của Horowitz, ông ta đã đến với Google.

Theo Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (0)