Tái cơ cấu thị trường viễn thông sẽ phụ thuộc nhiều vào tái cơ cấu VNPT, đặc biệt trong việc tính toán mô hình của hai mạng di động là Vinaphone và Mobifone. Mô hình nào cho VNPT vẫn đang là bài toán khó, trong khi thời hạn tái cơ cấu đã vào giai đoạn nước rút.
"Ngòi nổ" mang tên VNPT
Tháng 4/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2011. Theo nghị định này, các cá nhân, tổ chức đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ TT&TT quy định. Như vậy, theo Nghị định 25, VNPT sẽ không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của 1 trong 2 mạng di động là Vinaphone và Mobifone. Quy định này sẽ buộc VNPT phải tính toán tìm mô hình nào phù hợp cho mình.
Cùng với Nghị định 25, Chính phủ đã ban hành quy hoạch thị trường viễn thông Việt Nam trên tinh thần mỗi dịch vụ quan trọng như thông tin di động phải có ít nhà 3 nhà cung cấp dịch vụ có thị phần tương đồng. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TT&TT phải tiến hành tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này.
Như vậy, việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước cũng như các quy định và quy hoạch trên thị trường viễn thông đều đổ dồn vào tâm điểm là VNPT. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tái cơ cấu VNPT thực sự giống như chuyện giải bài toán khó không chỉ cho VNPT mả cả thị trường viễn thông Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Đề án tái cơ cấu VNPT sẽ được xây dựng một cách công khai, minh bạch nhằm đưa VNPT trở thành tập đoàn hùng mạnh có cơ cấu ngành nghề hợp lí, xứng đáng với nguồn lực và vị trí của mình, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Nước mạnh về CNTT - TT theo như mục tiêu của Chính phủ. Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng nhấn mạnh tái cơ cấu VNPT là việc rất quan trọng nên phải thận trọng.
Sẽ cổ phần hóa Mobifone?
Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Đề án tái cấu trúc VNPT là sắp xếp lại hai mạng di động. Vì vậy, Bộ TT&TT chỉ đạo VNPT trong quá trình tái cơ cấu phải giữ vững và phát huy các thương hiệu viễn thông Vinaphone, Mobifone đã có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Mới đây, Bộ TT&TT đã có văn bản chỉ đạo VNPT phải thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn khỏi Mobifone theo lộ trình phù hợp trên cơ sở kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, việc cổ phần hóa Mobifone và để doanh nghiệp này hoạt động độc lập được xem như nằm trong kịch bản quy hoạch thị trường viễn thông đã được Chính phủ phê duyệt trước đó.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, trong đề án tái cấu trúc thì VNPT sẽ xây dựng phương án cổ phần hóa Mobifone và thoái vốn khỏi công ty này. VNPT phải làm đề án riêng về cổ phần hóa Mobifone theo lộ trình phù hợp. Theo quy định tại Nghị định 25 thì VNPT không được sở hữu chéo sang Mobifone quá 20%. Tuy nhiên, các công ty con của VNPT sẽ được mua cổ phần của mạng di dộng được cổ phần. Nên nhớ là các công ty con của VNPT có thể được mua cổ phần của Mobifone, nhưng phải là các công ty hạch toán độc lập chứ không phải các công ty hạch toán phụ thuộc.
Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng Mobifone là mạng di động mạnh, đứng trong Top 10 thương hiệu lớn của Việt Nam, những năm qua, Mobifone liên tục có doanh thu và lợi nhuận tăng tốt, đặc biệt là đạt năng suất cao nhất trong các doanh nghiệp viễn thông, luôn đứng trong top đầu doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước. Mặt khác, Mobifone đã duy trì mô hình kinh doanh có độc lập tự chủ tương đối hơn so với các đơn vị khác của VNPT nên phản ứng nhanh nhạy hơn trong thị trường viễn thông có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Vì vậy, nếu mạng di động này được cổ phần hóa sẽ có bước phát triển tốt hơn và tạo dựng được thế chân vạc trên thị trường viễn thông Việt Nam như quy hoạch của Chính phủ.
Tại cuộc họp Giao ban Quản lí Nhà nước Bộ TT&TT tháng 8/2013 diễn ra sáng 11/9/2013 ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, dự kiến trong tháng 9 này sẽ chính thức triển khai tái cơ cấu VNPT. "Theo đề án đã trình Chính phủ, khi tái cơ cấu phải đảm bảo mạng viễn thông tách ra sẽ hình thành 1 doanh nghiệp viễn thông mạnh quốc gia và bộ phận còn lại cũng vẫn là một tập đoàn mạnh. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu sẽ bảo đảm hình thành và duy trì được thị trường viễn thông có từ 3 - 4 mạng viễn thông tầm cỡ quốc gia đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh (hiện đã có 3 thương hiệu quốc gia gồm Vinaphone, Mobifone, Viettel)", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Việc xây dựng phương án tái cơ cấu VNPT đang đi vào giai đoạn nước rút, nhưng kịch bản tái cơ cấu sẽ được thực hiện như thế nào còn phải chờ VNPT và Bộ TT&TT trình Chính phủ phê duyệt.
Theo ICTnews
Bình luận