Viettel và MobiFone là 2 nhà mạng tiên phong triển khai ứng dụng điện toán đám mây riêng để tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian phát triển dịch vụ.
Tiên phong ứng dụng "đám mây"
Theo kết quả nghiên cứu vừa được ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) công bố tại Hội thảo "Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam - Viet Nam ICT Outlook - VIO 2013" (VIO 2013), Viettel và VMS đang là 2 nhà mạng tiên phong triển khai ứng dụng điện toán đám mây riêng để tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian phát triển dịch vụ.
Như ICTnews đã đưa tin, tháng 6/2013, MobiFone đã công bố triển khai thỏa thuận hợp tác chiến lược về xây dựng các giải pháp di động đầu tiên tại Việt Nam dựa trên nền tảng điện toán đám mây của IBM cho Trung tâm di động khu vực 2 (MobiFone II). Các giải pháp di động dựa trên nền tảng điện toán đám mây cũng sẽ hỗ trợ MobiFone kết nối hàng nghìn nhân viên, đặc biệt là các giao dịch viên tại địa bàn TP.HCM, thông qua các thiết bị di động. Điều đó không chỉ đảm bảo thông tin thông suốt mọi lúc, mọi nơi trong nội bộ tổ chức, mà còn khuyến khích tính di động của nhân viên và nâng cao năng suất lao động.
Hiện chưa thấy Viettel công bố công khai thông tin về quy mô cũng như hiệu quả ban đầu trong triển khai ứng dụng điện toán đám mây. Song đáng chú ý, bên cạnh "vai" đối tượng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, Viettel còn là một trong số ít nhà mạng đang thử nghiệm cung cấp dịch vụ Cloud VPS - một dịch vụ điện toán đám mây công cộng ở mức hạ tầng cơ bản. Cùng tham gia mảng thị trường này với Viettel là VDC - đang cung cấp 2 dịch vụ gồm Managed Backup (quản lí dự phòng sao lưu dữ liệu) và IaaS (dịch vụ web cung cấp các máy chủ, hệ thống lưu trữ, thiết bị mạng và phần mềm qua một mô hình dịch vụ tự phục vụ tự động).
Nhìn chung, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng tại Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ. Một số công ty tích hợp hệ thống (SI) và nhà cung cấp phần mềm độc lập (ISV) đã có chiến lược đầu tư vào điện toán đám mây, kết hợp xây dựng đám mây công cộng với triển khai đám mây riêng cho khách hàng. Trong số này, FIS, SBD, HiPT đang chiếm thị phần lớn ở mảng IaaS; còn Lạc Việt, MISA, NEO, CT-IN giữ vai trò chủ chốt ở mảng SaaS (coi phần mềm như một dịch vụ, khách hàng có thể thuê phần mềm về sử dụng và trả phí theo tháng hoặc năm).
Mới đây, xuất hiện thêm nhiều công ty mới cung cấp dịch vụ đám mây, song đa số tập trung vào những phân khúc thị trường hẹp, chẳng hạn QTSC, VNTT, Prism, Exa, HostVN, MOS, BiakiCRM.
Thách thức bủa vây
Một tín hiệu vui cho sự phát triển điện toán đám mây ở Việt Nam là hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp đều đã có hiểu biết cơ bản về đám mây và có kế hoạch sử dụng trong vòng 2 năm tới. Theo kết quả của nghiên cứu được công bố ở VIO 2013 nêu trên, chỉ có 3% tổ chức, doanh nghiệp cho biết không có kế hoạch triển khai dịch vụ đám mây; 25% đang tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá nhưng chưa có kế hoạch sử dụng; 8% sẽ sử dụng dịch vụ đám mây sau 6 tháng; 39% đang sử dụng dịch vụ đám mây; 19% đang sử dụng dịch vụ đám mây và sẽ gia tăng việc sử dụng.
Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng đám mây tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; khách hàng thiếu niềm tin đối với nhà cung cấp dịch vụ đám mây về cam kết chất lượng dịch vụ, bảo mật thông tin; chi chí đầu tư cho hạ tầng đám mây cao trong khi quy mô thị trường còn nhỏ và các nhà cung cấp dịch vụ trong nước khó cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu; khả năng liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ đám mây (ví dụ hạ tầng với ứng dụng) còn yếu,..
Đặc biệt, ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh thêm thách thức: "So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam gần như chưa có một sáng kiến, chương trình nào nhằm khuyến khích phát triển thị trường hay ứng dụng đám mây (Malaysia có các sáng kiến dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty phát triển phần mềm nhằm tăng tính cạnh tranh và hiệu quả)".
Tại Việt Nam, nhiều cơ quan chính phủ đã lựa chọn mô hình đám mây riêng hoặc đám mây cộng đồng cho các dự án xây mới trung tâm tích hợp dữ liệu hoặc cho môi trường phát triển/kiểm thử, điển hình như các Bộ Tài nguyên & Môi trường, Khoa học & Công nghệ, TT&TT hoặc các địa phương như TPHCM, Đà Nẵng, Cà Mau, Phú Yên.
Một số trường học như Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học CNTT TP.HCM đã xây dựng phòng thí nghiệm và đưa điện toán đám mây vào giảng dạy cũng như cung cấp dịch vụ đám mây cho giảng viên/sinh viên.
Ngoài ra, các ngân hàng như Tiên Phong, Quốc Tế, Việt Nga cũng đang là những khách hàng đầy tiềm năng trong việc triển khai đám mây riêng như là một bước phát triển tiếp theo của ảo hóa theo một lộ trình rõ ràng.
Theo ICTnews
Bình luận