Ảnh: Techgalaxy.

Chúng ta đang sống trong một thế giới kỳ diệu, với sự bủa vây của công nghệ hiện đại. Nhưng hiếm khi ta dừng lại để nghĩ về những công nghệ mà mình vẫn sử dụng hàng ngày, dù thiếu nó chỉ một vài khắc thôi, ta sẽ dễ dàng phát điên.

Dưới đây là 10 công nghệ có vai trò "trọng yếu" trong kỷ nguyên số nhưng lại ít khi được người dùng nhớ đến nhất.

1. Unicode

Chúng ta sử dụng máy tính cho mọi hình thức giao tiếp, liên lạc, từ IM cho đến soạn email hay sáng tác văn học.

Vấn đề là máy tính đâu có nói chung ngôn ngữ với con người, chúng chỉ sử dụng các chuỗi ký hiệu 0 và 1 mà thôi.

Vì thế, toàn bộ câu văn, biểu tượng, dấu chấm, dấu phẩy cần phải được "dịch" sang 0 và 1 trước tiên. Sau đó hãy nói đến công đoạn lưu trữ hoặc xử lý.

Những thế hệ máy tính đời đầu dựa vào mã chuyển đổi ASCII, tuy nhiên, phần mềm này chỉ xử lý được các ký tự phương Tây mà thôi. Tiếng Hindi, tiếng Thái, tiếng Arập hoàn toàn nằm ngoài vùng phủ sóng của ASCII.

Đó chính là lý do thôi thúc Unicode ra đời. Chuẩn mã này có thể "phiên dịch" từng ký tự, biểu tượng, dấu má của hơn 30 ngôn ngữ viết khác nhau sang ngôn ngữ số mà máy tính hiểu được.

Với gần 1500 trang dữ liệu, Unicode thực sự là một chương trình phức tạp. Nhưng ngay từ khi Microsoft mặc định Unicode làm mã nội bộ cho họ hệ điều hành Windows NT, người dùng đã đón nhận nó một cách hào hứng và nồng nhiệt.

Giờ đây, bạn sử dụng Unicode bất cứ khi nào ngồi trước màn hình máy tính mà chẳng hề nhận ra.

Trên thực tế, muốn đọc được bài viết này bằng trình duyệt Web, bạn cũng phải cậy nhờ đến Unicode đó thôi.

2. Quy trình xử lý tín hiệu số

Ảnh số, nhạc số, video số. Sự phổ biến của những công nghệ ấy khiến ta dễ dàng quên mất là mình đang sống trong một thế giới analog.

Máy tính chỉ có thể "ứng phó" với tất cả các dữ liệu nghe - nhìn nhờ một ứng dụng thuật toán hết sức cao cấp, đó là xử lý tín hiệu số hay DSP.

Tại bất cứ nơi nào bạn nhìn thấy truyền thông số, ở đó cũng có sự góp mặt âm thầm của DSP. Thuật toán DSP sẽ chỉnh sửa và khắc phục các lỗi khi ổ đĩa quang đọc nhạc từ đĩa CD. Khi bạn nén một file âm thanh bất kỳ thành định dạng MP3, ấy là lúc SDP hoạt động.

Rồi khi bạn thưởng thức âm nhạc trên dàn loa surround lập thể nữa, làm sao có thể thiếu vắng DSP cơ chứ?

Vai trò của DSP đối với truyền thông số cũng giống như kim dây và động cơ bên trong đồng hồ đeo tay vậy.

Sự màu nhiệm của chúng thể hiện âm thầm bên dưới bề mặt sự vật: Cực kỳ thiết yếu nhưng dường như lại vô hình trong mắt chúng ta.

Nếu thiếu DSP, gần như tất cả các công nghệ số mà ta đang sử dụng, từ DVD cho đến ĐTDĐ, máy in cho đến băng thông rộng DSL đều trở thành "thây ma".

3. Mã quản lý

Ảnh
Ảnh: Daily Mail.

Lập trình hiện đại đã trở nên phức tạp và tinh vi hơn nhiều so với trước đây. Có thể ví von hệ điều hành đời mới giống như những củ hành tây, với tầng tầng lớp lớp hệ thống phụ giao kết với nhau - "lột mãi không hết".

Các lỗ hổng bảo mật, lỗi kỹ thuật... luôn là hiểm họa nghiêm trọng trong kỷ nguyên "nhà nhà nối mạng, người người nối mạng" như hiện nay.

Với nhiều nhà lập trình, giải pháp họ chọn là sử dụng những nền tảng dành riêng cho môi trường mã quản lý, kiểu như Java hoặc .NET.

Có thể hình dung về chúng như một người máy bảo mẫu, lặng lẽ coi sóc các chương trình máy tính, quản lý bộ nhớ và thậm chí cả "giữ nhà", dè chừng các nguy cơ bảo mật bên ngoài.

Với người dùng bình thường, một chương trình mã quản lý dường như chẳng khác gì so với chương trình kiểu cũ.

Nhưng các phần mềm vận hành trên nền máy ảo luôn mang lại cảm giác ổn định, đáng tin cậy và bảo mật hơn. Bằng cớ là .Net ngày càng được ưa chuộng khi phát triển các ứng dụng dành cho Windows.

4. Transistor

Theo định luật Moore, số lượng transistor trên mỗi bảng mạch tích hợp sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 2 năm.

Hiện nay, Intel đã thành công trong việc chế tạo mẫu chip-2-tỷ-transistor đầu tiên trên thế giới. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: transistor dùng để làm gì hay không?

Sẽ không ngoa nếu gọi transistor là phát minh tuyệt vời bậc nhất của thế kỷ 20. Hiểu một cách đơn giản, nó là một công tắc bật-tắt được kiểm soát bằng dòng điện.

Nhưng dòng mô tả ngắn ngủi đó lại che giấu cả một nguồn sức mạnh khổng lồ, vô hình đằng sau.

Khi được kết nối với nhau, transistor có thể tạo ra các bảng mạch, các CPU vốn là "não bộ" của máy tính và máy chủ hiện đại.

Nhà sản xuất càng xoay xở để nhồi nhét nhiều transistor trên bề mặt con chip, sức mạnh của con chip đó càng lớn.

Đó là lý do vì sao ngành công nghiệp chip đang chuyển dần từ công nghệ sản xuất 65 nanomet lên 45 nanomet và xa hơn là 32 nanomet.

Trong một tương lai không xa, các thiết kế chip hiện hành sẽ được thay thế bởi chip quang hoặc thậm chí là chip lượng tử, với hiệu suất và công năng vượt xa hiện tại.

5. XML

Dù bạn có biết hay không, ít nhất cũng đang có vài tài liệu XML đang cư trú trong máy tính của bạn lúc này.

XML (hay Ngôn ngữ đánh dấu mở rộng) là ngôn ngữ đánh dấu với mục đích chung do tổ chức W3C khởi xướng.

Mục đích chính của XML là đơn giản hóa việc chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống khác nhau, đặc biệt là các hệ thống được kết nối với Internet.

Sự phổ biến của các phần mềm soạn thảo văn bản (word processor) đã hỗ trợ việc soạn thảo và bảo trì tài liệu XML một cách nhanh chóng.

Trước XML, có rất ít ngôn ngữ mô tả dữ liệu hội đủ những yếu tố như đa năng, thân thiện với giao thức Internet, dễ học và dễ tạo.

Thực tế, đa số các định dạng trao đổi dữ liệu "tiền XML" đều chuyên dụng, có tính độc quyền và có định dạng nhị phân (chuỗi bit thay vì chuỗi ký tự), rất khó dùng chung giữa các ứng dụng khác nhau hay giữa các nền tảng (platform) khác nhau.

Việc tạo và bảo trì trên các trình soạn thảo thông dụng lại càng khó khăn. Tuy nhiên, sự ra đời của XML đã làm thay đổi tất cả.

Và giờ đây, việc soạn thảo văn bản trở nên đơn giản tới mức bạn chẳng cần phải suy nghĩ xem XML là cái gì nữa.

(Còn tiếp)

(Theo Vietnamnet/PCWorld)



Bình luận

  • TTCN (1)
Quang Trung  22192

Tiêu đề

Tên gốc của bài này là "The 10 Most Important Technologies You Never Think About". VNN dịch vậy nghe như 10 công nghệ không được dùng đến vậy! Thật ra là ngược lại.