Những công nghệ đầy tiềm năng thường khó “toả sáng” nếu thiếu người bạn đồng hành giúp tôn mình lên. Hãy cùng điểm lại các cuộc “hôn phối” công nghệ làm rung chuyển thế giới số trong 25 năm vừa qua.
YouTube + máy ảnh & máy quay kĩ thuật số giá rẻ
Điều gì khiến một website chuyên chia sẻ video số non trẻ được Google mua lại với cái giá 1,65 tỉ đô la, và giờ đây chiếm tới 60% tổng lượng băng thông của tất cả site video trên mạng Internet? Câu trả lời nằm ở máy ảnh, máy quay phim kĩ thuật số giá rẻ cùng sự bùng nổ của điện thoại quay phim với chất lượng “chấp nhận được”.
Chỉ hơn 12 năm về trước, năm 1995, máy quay kĩ thuật số đầu tiên của Sony có giá tới 3 ngàn đô la, kết nối với PC qua cổng FireWire (IEE1394). Tới 1999, NEC giới thiệu mobile đầu tiên có khả năng quay phim. Năm 2006, JVC hân hoan “trình làng” máy quay có khả năng ghi thẳng phim vào ổ cứng. Và giờ đây, một máy quay KTS nhỏ bằng bàn tay chỉ có giá không tới 200 đô la, và hầu như mọi máy ảnh, mobile đều có khả năng quay phim. YouTube ra đời đón bắt được thời điểm các phương tiện ghi hình giá rẻ chuẩn bị bùng nổ, và tất nhiên là thành công rực rỡ.
Kỉ nguyên chia sẻ phim trực tuyến đã biến đổi hoàn toàn Internet, khiến báo chí, chính trị và giải trí không bao giờ “trở lại ngày xưa” được nữa!
Mã nguồn mở + Web 2.0
Từ góc độ người dùng thông thường, Linux và các hệ điều hành mã nguồn mở khác cho phép nhà sản xuất tung ra những mẫu laptop nhỏ hơn, rẻ hơn như OLPC và EEE PC của Asus. Các phần mềm soạn thảo văn bản, dựng hình đồ hoạ, trình duyệt web miễn phí như OpenOffice, Mozilla FireFox.. hoàn toàn có khả năng thay thế Microsoft Office đắt đỏ. Nền tảng Java cho phép phát triển ứng dụng cho cả Web lẫn phương tiện di động với chi phí thấp và nhanh chóng.
Khi mã nguồn mở được ứng dụng vào công nghệ Web, người dùng hưởng lợi từ một “web 2.0 rẻ hơn web 1.0” – “Những sản phẩm ngốn hàng 10 triệu đô la thời bùng nổ web chỉ yêu cầu khoảng 500 ngàn đô vào thời điểm hiện tại”. Những ngôn ngữ web mới như JavaScript, AJAX lấn lướt XML, XHTML, hoặc thậm chí RSS trước đây để khai sinh những website thế hệ mới.
Internet đang chuẩn bị đón nhận đợt bùng nổ web 2.0 mới, mạnh mẽ nhưng ổn định hơn quả bong bóng “dot.com” của gần 10 năm về trước.
MP3 + Napster
MP3 - được phát triển với mục đích ban đầu chỉ nhằm “truyền tải nhạc qua điện thoại tốt hơn” - là bước “tiến hoá” vượt bậc của công nghệ âm thanh số. Một file nhạc 50MB ở dạng WAV không nén chỉ còn khoảng 4MB nén dưới dạng MP3.
Nhưng sức mạnh thật sự của MP3 trong kỉ nguyên Internet chỉ thực sự được phát huy vào cuối những năm 90 khi mạng băng thông rộng trở nên phổ biến; phần mềm Winamp được nhiều người biết đến nhờ chuyển nhạc từ đĩa CD qua MP3 nhanh chóng tiện lợi cùng các máy nghe nhạc di động đầu tiên; và đặc biệt là sự ra đời của trang web chuyên dành cho chia sẻ nhạc số Napster.
Napster cho phép người dùng trao đổi nhạc cực kì dễ dàng theo nguyên tắc chia sẻ ngang hàng. Kết hợp cùng dung lượng nhỏ “xíu” của định dạng MP3, Napster nhanh chóng bị coi là mối nguy hại hàng đầu cho ngành kinh doanh âm nhạc, và bị “đốn gục” trong cuộc chiến pháp lý sau đó. Mặc dù bị buộc phải đóng cửa, Napster vẫn để lại di sản là nền tảng chia sẻ file qua mạng ngang hàng, tiền thân của định dạng bittorrent nổi tiếng ngày nay.
Ổ cứng giá rẻ + Lưu trữ di động
Ổ cứng RAMAC đầu tiên của IBM ra đời năm 1956 có giá 50 ngàn đô la, và chứa được vỏn vẹn.. 5 MB.
Năm 2005, Toshiba ra lò ổ cứng 1,8 inch 40GB chứa dữ liệu theo các ô từ tính nằm dọc thay vì nằm ngang. Chỉ ba năm sau, Western Digital quảng cáo ổ cứng mới của mình có khả năng chứa .. 520GB dữ liệu mỗi inch vuông, cho phép thiết kế các con “quái vật” 3TB (3000GB) dành cho người dùng phổ thông. Không chỉ tăng dung lượng, giá ổ cứng cũng giảm mạnh xuống chỉ còn nửa đô la cho mỗi GB lưu trữ, đủ rẻ để một số hãng phân phát dung lượng lưu trữ trực tuyến miễn phí như Google, Yahoo..
Cùng lúc với ổ cứng từ truyền thống, bộ nhớ flash cũng phát triển mạnh, giúp người dùng “chở” cả bộ sưu tập nhạc của mình trong máy nghe nhạc cá nhân như iPod và cả mobile, giải phóng họ khỏi mớ dây nhợ lằng nhằng. Hệ quá tất yếu, các nhà cung cấp dịch vụ di động cũng kiêm luôn dịch vụ giải trí.
Hãy thử tưởng tượng một thế giới không có ổ cứng di động & giá rẻ: iPod không tồn tại. YouTube không có mặt trên Internet. Gmail chưa xuất hiện. Và trên hết, điện thoại di động sẽ không chụp ảnh, không quay phim “thoải mái” được như hiện nay.
Mạng băng thông rộng + Mạng không dây
Vào thời điểm đỉnh cao của quả bong bóng dot.com năm 1998, phần lớn mọi người vẫn phải chờ hàng phút đồng hồ để tải xong một trang web. Ngay tại quốc gia phát triển như Mĩ cũng chỉ khoảng 1% người dân được hưởng dịch vụ băng thông rộng. Mười năm sau, 55% gia đình Mĩ đã có băng thông rộng tại nhà. Băng thông rộng chính là “kẻ mở đường” cho Napster và dịch vụ chia sẻ phim ảnh, nhạc trực tuyến bùng nổ những năm sau này. WiFi sẽ “tiếp quản” băng thông rộng ở mức độ gia đình, chia sẻ dịch vụ Net tới từng thành viên qua máy nghe nhạc bỏ túi, điện thoại di động vv.. Trong tương lai không xa, “ngôi nhà số” sẽ sớm trở thành hiện thực.
Web và trình duyệt web có hình ảnh
Web và trình duyệt đã là một phần căn bản của “đời sống mạng”, đến mức không ít người phải giật mình khi biết rằng 2 thập kỉ trước đây, Internet chỉ đơn giản là một mạng lỏng lẻo dành riêng cho các tay “sành kĩ thuật” của trường đại học và viện khoa học công nghệ. Sự ra đời của mạng toàn cầu World-Wide-Web (WWW) cho phép người thường kết nối và trao đổi thông tin trực tuyến, nhưng vẫn chỉ qua dạng chữ và số đơn điệu. Web chỉ thực sự được chắp cánh và định hình nên Internet hiện nay 15 năm trước, khi Marc Andreessen và Eric Bina phát minh ra trình duyệt web hiển thị được hình ảnh.
Có thể thấy rõ tầm quan trọng của Web qua thực tế: Công ty truyền thông, phát hành và quảng cáo ngày nay đưa thông tin lên Web trước khi chuyển sang báo hình, báo giấy.
Điện thoại di động + Kết nối Internet không dây
Xứng đáng là phát minh công nghệ làm thay đôi cuộc sống, ĐTDĐ xoá nhoà ranh giới giữa người và người, giữa gia đình và công việc. Với sự xâm nhập mạnh mẽ của Internet vào thế giới di động, email, chat và giải trí qua mobile sẽ còn thay đổi cuộc sống nhiều hơn nữa.
Những thế hệ mobile đa chức năng mới nhất như iPhone và G-phone (các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android của Google sắp tới) sẽ gỡ bỏ rào cản các nhà cung cấp dịch vụ Internet di động, giúp tận hưởng cảm giác lướt web mới và cũng mở ra chân trời kinh doanh đầy hứa hẹn. Các điện thoại có khả năng lướt web cũng là mảnh đất tiềm tàng cho quảng cáo, và có khả năng “lật đổ” Internet thông thường về lợi nhuận.
ĐTDĐ và Internet đang biến đôi từng ngày, từ “kết nối 24/7” sang “kết nối mọi nơi, mọi lúc có thể”.
Theo Dân Trí/PCWorld
Bình luận