Không ít người phát hiện tài khoản Facebook của mình đang tham gia một nhóm (Group) hoặc Like một Fan Page nào đó mà họ không hề hay biết.
Lợi dụng tâm lí của người dùng là dễ bị hấp dẫn, tò mò bởi những lời câu kéo trên Facebook, kẻ xấu đã tạo ra nhiều ứng dụng với nội dung nghe có vẻ ấn tượng như Xem ai ghé thăm bạn nhiều nhất, Kiếp sau bạn làm gì, Bạn sẽ chết như thế nào, Tải nút Dislike cho tài khoản...
Để truy cập các ứng dụng này, người sử dụng phải làm theo các bước hướng dẫn. Tuy nhiên, ẩn sau hướng dẫn này là những đoạn mã JavaScript, có chức năng thêm (add) thành viên đó vào một Fan Page mà họ không hay biết, thậm chí là đã vô tình cài mã độc trên máy tính của mình.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Công ty BKAV, nhấn mạnh: "Mọi người phải cân nhắc thật kĩ trước khi làm theo những hướng dẫn trên Internet. Cần lưu ý rằng khi đã thực thi một đoạn mã lạ là bạn đã mở cánh cửa để kẻ xấu có thể kiểm soát máy tính của mình". Hơn nữa, một số ứng dụng "nhảm" trên Facebook cho ra những kết quả vô thưởng vô phạt, không thể kiểm chứng được tính đúng sai nên những người tạo ra các ứng dụng đó đa phần là "phán bừa".
Bên cạnh đó, kẻ xấu cũng có thể đưa lên mạng xã hội những hình ảnh giả clip sex hoặc liên quan đến người nổi tiếng. Khi người dùng bấm vào đường link, họ sẽ nhận được yêu cầu phải tải plugin mới xem được video. Plugin này thực chất là một phần mềm độc. Nếu cài đặt, lập tức máy tính bị nhiễm vi rút và tài khoản Facebook của người dùng bị biến thành công cụ spam, tự động lan truyền link xấu lên Timeline của những người có trong danh sách bạn bè, gây phiền toái và tạo sự hiểu nhầm tai hại.
Không ít Group trên Facebook đã bị vạ lây trước tình trạng này do tài khoản của một vài thành viên bị nhiễm vi rút và làm "bẩn" trang với các hình ảnh đồi trụy, dẫn đến việc bị Facebook xoá Group vì vi phạm nội quy của mạng xã hội.
Ông Nguyễn Minh Đức khuyến cáo người dùng nên thận trọng mỗi khi truy cập ứng dụng chưa rõ nguồn gốc trên Facebook. Bên cạnh đó, video trên Facebook không đòi hỏi cài plugin để xem, do đó nếu gặp những đề nghị như vậy, họ có thể nghĩ đến khả năng mình đang bị lừa và không nên làm theo. Cách tốt nhất là nên cài phần mềm diệt vi rút để nếu lỡ tải nhầm plugin giả mạo hay những phần mềm độc hại khác thì chương trình diệt vi rút sẽ tự động ngăn chặn.
Theo báo cáo mới của BKAV, trong tháng 9 đã xuất hiện 3643 dòng vi rút máy tính mới tại Việt Nam và lây nhiễm trên 4.766.000 lượt máy tính. Cũng trong tháng này, có 491 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 12 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 479 trường hợp do hacker nước ngoài.
Theo VnExpress
Bình luận