Chip Apple chip A7 trong iPhone 5s và iPad Air với khả năng vận hành mã 64 bit là "phát súng" đầu tiên khởi động cuộc đua chip xử lí 64 bit cho các thiết bị di động trong năm 2014.
Intel, Samsung và Qualcomm đều rục rịch chuẩn bị cho cuộc đua này.
Trong lộ trình từ 2014 đến năm 2016, Intel sẽ lần lượt giới thiệu các phiên bản chip Atom mới cho smartphone và tablet, mục tiêu tăng tốc độ xử lí của CPU lên gấp 5 lần và khả năng xử lí đồ họa lên đến 15 lần vào năm 2016.
Chip Atom mới dựa trên các nhân xử lí đồ họa và CPU mới, có mức giá thấp hướng đến nhóm thiết bị di động tầm trung, dự kiến có mặt vào năm 2015. Intel tập trung cải thiện khả năng xử lí điện năng hiệu quả hơn, tiết kiệm nguồn điện để gia tăng thời lượng pin sử dụng của thiết bị. Ở cả ba phân khúc thiết bị di động bình dân, tầm trung và cao cấp, Intel đều sẽ có những đại diện CPU mới.
Hiện Intel đang trong cuộc đuổi bắt với ARM trên thị trường chip xử lí cho smartphone. Intel sẽ tung ra các chip Atom đầu tiên theo quy trình sản xuất 14 nm (nanometer), cho hiệu năng xử lí và tiết kiệm điện. Cụ thể, vào cuối năm 2014, dòng chip cho thiết bị di động tên mã Cherry Trail sẽ xuất xưởng, nó dựa trên nền CPU Airmont sắp ra mắt. Cherry Trail mang theo thế hệ nhân xử lí đồ họa mới của Intel. Kế đến vào năm 2015, lần lượt các thế hệ kế tiếp gồm Broxton (dựa trên nền CPU Goldmont, GPU Skylake) ra mắt.
Năm 2014, Intel cũng tung ra chip hai nhân (dual-core) Merrifield dành cho smartphone cao cấp. Merrifield sản xuất theo tiến trình 22 nm. Thế hệ Merrifield bốn nhân (quad-core) ra mắt vào nửa cuối năm sau. Đối với smartphone bình dân, Intel có chip Atom SoC tên mã Sofia vào cuối năm 2014, nhân xử lí dựa trên kiến trúc x86.
Theo TechHive, Giám đốc điều hành (CEO) Intel Brian Krzanich thừa nhận, Intel phải tăng tốc để bắt kịp các đối thủ lớn khác trên thị trường để trở thành nhà cung cấp chip xử lí cho thị trường smartphone và tablet đang phát triển mạnh mẽ. Do đó, Broxton và Sofia ra mắt sớm hơn dự kiến. Thậm chí ba tháng trước đó, lộ trình sản xuất chưa có những cái tên này".
Cuộc đua chip xử lí 64 bit
Khi ra mắt iPhone 5s, chip A7 SoC (System-on-Chip) của Apple đã khiến thị trường chip xử lí di động một phen "khó thở" khi tận dụng lợi ích ở cả hai nền tảng 32 bit lẫn 64 bit. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, A7 là bước nền để chuyển dịch sang môi trường 64 bit, và qua đó, Apple khuyến khích các nhà phát triển ứng dụng, game nâng cấp sản phẩm của mình tiến lên tầm cao hơn về cả khả năng xử lí lẫn đồ họa.
Trong lộ trình sản phẩm của Intel cho thấy hãng này sẽ chuyển đổi nền tảng chip 32 bit sang 64 bit, hướng đến các thiết bị dùng Windows trước, và sau đó sẽ là các máy tính bảng Android. Tuy nhiên, đưa Bay Trail trên nền Atom tiến lên 64 bit cũng sẽ gặp phải một đối thủ khác là AMD với chip Kabini (vi kiến trúc Jaguar) đã có mặt trong các notebook tầm trung.
Đầu tháng 11, Samsung tuyên bố sẽ sản xuất CPU 64 bit và smartphone dùng chip 64 bit của hãng này cũng sẽ xuất xưởng trong năm 2014. Chip 64 bit của Samsung là bản tối ưu dựa trên thiết kế từ ARM tương tự Apple A7 có trong iPhone 5s và iPad Air.
Ngày 21/11 vừa qua, Qualcomm đã trình làng dòng chip Snapdragon 805, một thế hệ cải tiến cho chip xử lí Snapdragon 800 đang có mặt trong nhiều smartphone và tablet cao cấp trên thị trường. Theo Qualcomm, Snapdragon 805 không phải là phiên bản lớn so với Snapdragon 800, nó tập trung cải tiến CPU, GPU (hỗ trợ video nén theo chuẩn H.265, độ phân giải từ Full-HD lên 2560 x 1440), giao diện bộ nhớ (tối đa 4 GB RAM), được sản xuất theo tiến trình 28 nm HPm tương tự Snapdragon 800.
Khác với Nvidia và Samsung dựa trên vi kiến trúc ARM Cortex A15, Qualcomm tận dụng vi kiến trúc Krait và công nghệ xử lí đồ họa (GPU) Areno. Qualcomm đã có kế hoạch chuyến lên môi trường 64 bit và ARMv8 nhưng chưa công bố chi tiết lộ trình.
Theo Tuổi Trẻ Online
Bình luận