Một số doanh nghiệp CNTT đã phải dùng đến những mối quan hệ cá nhân để tìm nhân viên vừa có năng lực vừa gắn bó lâu dài. Tình trạng này khá phổ biến tại các doanh nghiệp CNTT nhỏ và vừa.
Đãi ngộ đâu chỉ là thu nhập
Theo anh Võ Nguyễn Hoàng Nam, quản lý Công ty TNHH Tin học Cao nguyên Net (Đăk Lăk), sinh viên CNTT mới ra trường đa số thường vào làm ở những doanh nghiệp nhỏ. Lý do là các doanh nghiệp này yêu cầu tuyển dụng không khắt khe. Tại đây, nhân viên kỹ thuật phải làm rất nhiều việc, bởi vậy nhu cầu cần có kinh nghiệm đa dạng trong mọi lĩnh vực (để bổ sung vào hồ sơ của mình trong những lần xin việc sau) dễ dàng được đáp ứng. Về phía người quản lý, anh Nam thừa nhận, các doanh nghiệp nhỏ với năng lực hạn chế về tài chính cũng muốn sử dụng sinh viên mới ra trường bởi mức lương dành cho họ khá khiêm tốn so với mặt bằng chung của ngành CNTT. Mức lương của một lập trình viên mới ra trường tại các doanh nghiệp nhỏ thường ở mức 3-4 triệu đồng và có thể cao hơn ở một số thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội. Nguyễn Tiến Cường, lập trình viên của Công ty TMĐT và dịch vụ Viettay ở Hà Nội cho biết, là học viên của Trung tâm Aptech mới tốt nghiệp, chưa nhận bằng song em đã "nhảy việc" tới 3 lần. "Không phải em không muốn gắn bó lâu dài với công ty nhưng em phải chọn môi trường làm việc nào có tính chuyên nghiệp, định hướng rõ ràng và nhìn thấy tương lai phát triển. Những công ty trước thường chậm lương, nợ lương, thậm chí làm thêm mà chẳng được tính công. Đặc biệt là họ đặt ra yêu cầu rất khắt khe với lao động song lại chẳng quan tâm gì tới quyền lợi và tâm tư của người lao động. Đó là những lý do khiến em phải đi tìm nơi khác", Cường nói.
Còn với cậu sinh viên đang học năm thứ 3 của Trung tâm Aptech Nguyễn Trọng Việt thì lương cao chưa chắc đã giữ chân được những lập trình viên giỏi. Dù còn vài tháng nữa mới ra trường, song Việt đã là lập trình viên chuyên làm web của Công ty TNHH Tối ưu công nghệ (Hà Nội) với mức lương cứng là 3 triệu đồng. Việt tâm sự: "Thực ra lương của em ở công ty trước cao hơn nhưng em không thích môi trường làm việc ở đó vì em chẳng nhận được sự trợ giúp, chia sẻ nào từ các anh đi trước, trong khi đó, những người quản lý gần như chẳng hiểu được lập trình viên phải vất vả như thế nào để hoàn thành tốt những hợp đồng họ đã ký".
Nâng cao tính ràng buộc bằng hợp đồng
Lý giải có phần khá lạc quan về nghề nghiệp mình đã lựa chọn, Nguyễn Việt Cường đánh giá, cơ hội việc làm cho những người làm lập trình viên là rất lớn. "Với ngành CNTT, người thì ít, nhu cầu lớn nên hầu như chẳng có doanh nghiệp nào dám đưa ra điều kiện khi nhận lao động ngoài năng lực của họ", Cường khẳng định.
Quả thực, trong khi sinh viên khối kinh tế ra trường muốn có việc làm đôi khi phải chấp nhận những điều khoản ngoài hợp đồng lao động như thế chấp một khoản tiền hoặc bị giữ bằng tốt nghiệp gốc thì xem ra sinh viên ngành CNTT lại đang ở "thế trên" trong thị trường lao động. Nhu cầu nhân lực ngành này đang rất "sốt", tại hội nghị đào tạo nhân lực do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì mới đây, ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch UBND TP HCM phản ánh: TP đang rất "khát" nhân lực CNTT bậc cao. Với mức tăng trưởng kinh tế đạt 12-13%/năm trong giai đoạn 2006-2010, dự báo mỗi năm cần khoảng 30 ngàn lao động CNTT trình độ CĐ & ĐH, song hiện TP mới đáp ứng được 11 ngàn.
Theo nhiều sinh viên CNTT, tìm được việc làm ngành này không khó, chỉ cần đăng CV (sơ yếu lý lịch) trên mạng là có người gọi đến ngay nhưng cũng rất khó gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp nhỏ bởi họ chỉ quan tâm tới lợi ích mà chưa chú ý tới việc "giữ người".
Không thể kêu gọi sự "trung thành" của người lao động chỉ đơn thuần bằng sự tự nguyện. Việc tăng thu nhập cũng có giới hạn. Đó là lý do khiến nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, cần dựa nhiều hơn vào pháp luật lao động để giữ chân nhân viên. Trong các cuộc hội thảo mới đây do Bộ LĐ-TBXH tổ chức nhằm đánh giá lại 13 năm thực hiện Bộ luật Lao động, nhiều chuyên gia đưa ra câu hỏi: Phải chăng pháp luật lao động đang quá ưu ái người lao động, đặc biệt là quy định bỏ việc rất dễ dàng (người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà chỉ cần báo trước 15 ngày).
Ông Phạm Cường (FPT Software) cho biết, công ty đang điều chỉnh lại chính sách thu nhập, chú trọng hơn đến lợi ích lâu dài của lao động như chế độ cổ phiếu, bảo hiểm... nhưng tất cả những điều này không hấp dẫn người lao động bằng thu nhập cao ngắn hạn mà các doanh nghiệp nước ngoài mới đầu tư vào Việt Nam đưa ra. FPT Software là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm nhưng cũng gặp phải nhiều trường hợp bỏ việc là những người mà công ty đã bỏ thời gian và chi phí để đào tạo, nhưng không có cách nào đòi họ bồi thường được. "Theo tôi, luật lao động của Việt Nam vẫn theo hướng quá bảo vệ người lao động, hoặc chính các doanh nghiệp Việt Nam đã không thực sự chú trọng đến việc nghiên cứu luật và đưa ra các điều khoản trong hợp đồng với người lao động nhằm tự bảo vệ mình trước tình trạng bỏ việc không có lý do chính đáng", ông Cường nói.
Còn theo anh Nguyễn Anh Đức, giám đốc một doanh nghiệp du lịch chủ yếu bán tour qua mạng thì hợp đồng lao động hiện chỉ có giá trị ràng buộc đối với doanh nghiệp, còn người lao động có thể bỏ việc vô tội vạ. "Chế tài ’phải bồi thường khi bỏ việc’ chỉ là hình thức bởi người lao động khi rời khỏi doanh nghiệp giống như những ’kẻ trọc đầu’, lấy gì mà nắm", anh Đức ví von.
(Theo BĐVN)
Bình luận