Ảnh minh họa: Bên cạnh việc sử dụng máy bay tàng hình cùng bom thông minh. Virus máy tính cũng là thứ vũ khí quan trọng của Mỹ để tấn công Iraq. Ảnh: Wikipedia.

Có rất nhiều phát minh vĩ đại của con người lại được con người sử dụng để tàn sát, huỷ diệt chính đồng loại của mình trong các cuộc chiến tranh. Công nghệ thông tin (CNTT) cũng không thoát khỏi điều đó. Với ưu thế tốc độ phản ứng nhanh, chính xác, ổn định, máy tính đã trở thành một vũ khí trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991.

Mặc dù cuộc chiến giữa quân đồng minh (do Mỹ đứng đầu) và Iraq năm 1991 vẫn chưa thực sự là cuộc chiến tranh thông tin toàn diện, nhưng việc ứng dụng rộng rãi công nghệ và kỹ thuật cao của quân đồng minh đã tạo ra những tiền đề cho hình thái chiến tranh thông tin.

Sau 42 ngày đêm chiến đấu, quân đội Iraq hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng, số lượng thương vong lên tới vài trăm ngàn người trong khi của quân đội đồng minh chỉ 126 người. Một điều đáng chú ý là, một nước được coi là cường quốc quân sự như Iraq trước sự tấn công của quân đồng minh lại tỏ ra hầu như không có sức chống đỡ, quân đội hai bên chưa đối mặt mà thắng bại đã rõ ràng. Ngay cả tư lệnh quân đội Mỹ cũng phải thốt lên một cách kinh ngạc “Đây đúng là một kỳ tích!”.

Thực tế, kỳ tích này chính là do sự vận dụng công nghệ kỹ thuật cao mang lại. Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới chiến thắng dễ dàng cho quân đồng minh là do họ đã phá huỷ toàn bộ hệ thống chỉ huy thông tin được điều khiển bởi máy tính của Iraq.

Theo báo chí Anh, trước khi chiến tranh bùng nổ, Iraq đã đặt mua của Pháp một lô máy in hiện đại để dùng trong hệ thống quốc phòng, chuẩn bị vận chuyển vào Baghdad qua thủ đô Amma của Jordan. Nắm được thông tin này, các nhân viên đặc nhiệm của Mỹ tại Amma lập tức hành động; họ đã bí mật cài virus vào số máy in này, từ đó thông qua máy in xâm nhập vào máy chủ của hệ thống chỉ huy quân sự.

Được biết, loại virus này mang tên AF91, là do Cục An toàn quốc gia của Mỹ viết ra. Khi Mỹ cầm đầu quân đồng minh phát động chiến dịch “Bão táp sa mạc” tấn công vào Iraq, Mỹ đã dùng thiết bị điều khiển từ xa kích hoạt số virus đó khiến cho hệ thống phòng không của Iraq bị tê liệt hoàn toàn. Saddam Hussein chịu thiệt hại lớn mà không biết nguyên nhân. Hệ thống phòng không của Iraq mặc cho phi công Mỹ tự do bay lượn trên bầu trời như đang chơi trò chơi điện tử. Lúc này, Iraq đã hoàn toàn rơi vào thế bị động.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa góp phần làm nên chiến thắng dễ dàng của quân đồng minh là những cuộc tấn công của họ đều được chỉ huy bởi hệ thống máy tính có công nghệ tiên tiến nhất. Quân đồng minh sử dụng hơn 60 vệ tinh cùng vô số máy bay do thám, trinh sát điện tử làm “tai, mắt”. Trước chiến sự, các thiết bị này quan sát hết mọi động tĩnh của quân đội Iraq, tình hình bố trí lực lượng, các cứ điểm quan trọng, đặc biệt là các trận địa cao xạ, tên lửa, các trạm ra-đa,… rồi báo về Bộ chỉ huy.

Bắt đầu chiến dịch quân sự, các loại tên lửa được trang thiết bị dẫn đường thông minh tiến hành cuộc tấn công “điểm huyệt”, mở đường cho máy bay không kích Iraq. Trong quá trình chiến đấu, quân đồng minh có thể nhìn thấy rõ hoạt động của cả hai bên ở khoảng cách vài trăm cây số. Với chiếc máy tính trước mặt, các sĩ quan chỉ huy có thể nhận được mọi tin tức thông qua vệ tinh và mạng máy tính. Theo thống kê sau khi chiến dịch “Bão táp sa mạc” kết thúc, riêng số máy tính dùng để liên lạc về Mỹ có đến 3.000 chiếc. Trong tương lai số binh sĩ mang máy tính có thể nhiều hơn số binh sĩ mang súng đạn.

Thực tế cho thấy rằng, trong chiến tranh vùng Vịnh, nhờ vào các thiết bị thông tin hiện đại, Mỹ đã hầu như nắm quyền chủ động về thông tin, toàn bộ cuộc chiến về cơ bản đều được tiến hành theo ý đồ của Mỹ; trong khi Iraq lại hoàn toàn mù tịt về thời gian, địa điểm cũng như mục tiêu các cuộc tấn công của đối phương. Cuộc chiến vùng Vịnh đã mở ra một hình thái chiến tranh mới: chiến tranh thông tin.

(theo VTC)




Bình luận

  • TTCN (1)
CỨ THỬ XEM

Thông tin công nghệ sẽ bị sập trong ngày gần đây !

Việc ra đời website này là không cần thiết , vi đã có PC World , nên tôi có nhận được một số tin tức rằng website các bạn sẽ bị sập trong một ngày gần đây !