Một trang web giả mạo là đại lí phân phối vé của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Nhiều website (trang mạng) không thuộc quản lí của ngành Đường sắt đã đăng tải những thông tin về vé tàu, ngày giờ các đoàn tàu đi đến... Việc làm này đã gây nhiễu loạn thông tin, gây thiệt hại cho hành khách.

Vé “cõng” thêm phí dịch vụ

Chỉ cần lướt internet vài phút, hành khách có thể tra cứu nhiều website đăng tải những thông tin về vé tàu, mác tàu, ngày giờ đi đến của các đoàn tàu... Các website này không đề rõ đơn vị chủ quản mà chỉ đăng tải thông tin về số điện thoại hotline (đường dây nóng), thậm chí cả địa chỉ của... ga Hà Nội, cốt để bán vé là chính. Chính sự lập lờ về địa chỉ, tên website đã khiến hành khách tưởng nhầm đây là website của ngành Đường sắt.

Ngày 18/12, chúng tôi gọi điện vào số máy 043.93346... niêm yết trên website vetau24h.com.vn, có địa chỉ giao dịch tại 11 Lí Thường Kiệt, Hà Nội để mua vé tàu từ Hà Nội về Thanh Hóa tối 21/12. Đầu dây bên kia thông báo chỉ còn vé giường tầng 2 hoặc 3 và ghế ngồi mềm tàu SE19 xuất phát lúc 19h, với giá 210.000 đồng (cao hơn 30.000 đồng so với giá vé niêm yết của ngành Đường sắt). Khi tôi hỏi muốn mua vé giường tầng 1 khoang 4 giường, cô nhân viên thông báo đã hết sạch vé. Thấy tôi có vẻ ngần ngừ, cô nhân viên thuyết phục: “Nếu anh muốn mua loại vé giường mềm tầng 1 thì phải mất thêm chi phí khoảng 120.000 đồng ngoài tiền vé, gọi là phí dịch vụ”.

Giải thích về loại phí dịch vụ vô lí này, cô nhân viên cho biết, phải mua vé tàu chạy suốt từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhưng cô sẽ “mô li phê” để hành khách đến Thanh Hóa thì xuống, nhưng giá vé sẽ phải cao hơn chút.

Chúng tôi tiếp tục gọi điện vào một số máy khác là 0978.198.4... niêm yết trên website duongsatvietnam.com để hỏi mua vé về Thanh Hóa vào ngày 26 Tết Âm lịch. Đầu dây bên kia thông báo chỉ còn loại ghế ngồi cứng với giá 280.000 đồng, cao hơn gần gấp đôi so với giá bán của ga Hà Nội. Ngoài ra, khách sẽ phải trả thêm 40.000 đồng tiền phí dịch vụ và phí chuyển tận nơi.

Khi chúng tôi hỏi muốn mua loại vé giường nằm, người nghe máy cho biết ,chưa có kế hoạch bán vé loại giường nằm này. Trong khi đó, từ hồi tháng 10/2013, ngành Đường sắt đã có kế hoạch bán vé tàu Tết cũng như kế hoạch chạy tàu cụ thể. Trang website này cũng lấy logo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và địa chỉ trụ sở trùng với địa chỉ của ga Hà Nội tại 120 Lê Duẩn, Hà Nội.

Theo tìm hiểu, chúng tôi còn được biết các website trên thường yêu cầu khách hàng để lại thông tin chuyến tàu cần đi, sau đó mới đi lấy vé và bán chênh lệch cho hành khách. Đây chẳng khác nào hình thức “cò vé”.

Nhiễu loạn thông tin

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Đình Rậu – Trưởng ga Hà Nội bức xúc, các trang web trên đăng thông tin về giá vé không đúng quy định của ngành Đường sắt, làm nhiễu các thông tin do Đường sắt Việt Nam, Công ty VTHKĐS Hà Nội và của ga Hà Nội ban hành. Nhưng thiệt hại lớn nhất vẫn là hành khách do nắm thông tin sai lệch nên đã mua vé với giá cao hơn, thậm chí mua vé không đúng chuyến tàu.

Theo thống kê, nhiều website đang núp dưới danh nghĩa bán vé tàu, lập lờ kiểu này như duongsatvietnam.com có địa chỉ và điện thoại giao dịch tại 120 đường Lê Duẩn, số điện thoại 043.8770298. Trang dailyvetau.com.vn có địa chỉ và điện thoại giao dịch 27B Tức Mạc, số điện thoại 043.9262730. Và vetau24h.com có địa chỉ và điện thoại giao dịch 11 Lí Thường Kiệt, Hà Nội số điện thoại 048. 5828075.

Ông Rậu cũng khẳng định, các website này không thuộc sự quản lí của ngành Đường sắt. Ga Hà Nội cũng không kí hợp đồng với các website này để bán vé và cũng không rõ các website này lấy nguồn vé từ đâu để bán cho hành khách. Việc các website quảng cáo các dịch vụ bán vé tàu hoả đăng thông tin, hình ảnh của ga Hà Nội, của ngành Đường sắt đã khiến hành khách hiểu lầm các đơn vị đó là những địa điểm mua bán vé hợp pháp.

“Hiện ga Hà Nội đã báo cáo sự việc lên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để có hướng xử lý”- ông Rậu nói.

Theo Báo Giao Thông Vận Tải




Bình luận

  • TTCN (0)