Tin nhắn rác mang nội dung lừa đảo nhan nhản trên điện thoại di động Ảnh: HỒNG THÚY.

Tin nhắn lừa đảo giờ đây không chỉ tràn ngập trên điện thoại di động mà còn lan sang mạng xã hội. Dù thủ đoạn không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy do tâm lí cả tin, ham lợi trước mắt.

Anh Hùng, chủ thuê bao 0902883xxx, kể cả nhà anh sau khi nhận được tin nhắn trúng xe SH đều tưởng thật và thay phiên nhau nhắn tin suốt cả ngày. Cuối cùng, khi phát hiện bị lừa thì cả gia đình đã mất 6 triệu đồng tiền nhắn tin.

Những món quà ảo

Trong khi đó, chị Bình, chủ nhân số máy 0903873xxx, nhận được tin nhắn có nội dung: “Chuc mung quy khach da may man trung thuong 1 xe gan may SH tri gia 150T. Lien he tong dai 0466808958 de lam thu tuc nhan giai”.

Mừng rỡ, chị Bình vội nhắn tin cho tổng đài 0466808958. Ngay sau khi tin nhắn được gửi đi, tổng đài lại yêu cầu chị xác nhận nội dung, cung cấp thông tin cá nhân bằng hàng chục tin nhắn trao đổi qua lại. Lúc này, chị Bình ngưng nhắn tin và mang về nhà cho chồng xem. Chồng chị gửi ngay lại một tin nhắn nhận diện lừa đảo thì lập tức tổng đài im bặt. Hậu quả, 500.000 đồng trong tài khoản của chị Bình đã không cánh mà bay trong một buổi sáng.

Gần Tết, các tin nhắn lừa đảo có dịp bùng phát mạnh. Đánh trúng tâm lí thích trúng thưởng nên dù các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo nhiều nhưng không ít người vẫn sập bẫy.

Ngoài những “món quà” từ trên trời rơi xuống như báo tin trúng xe SH, điện thoại iPhone 5s, máy tính bảng iPad… thì tin nhắn phổ biến nhất vẫn là “Co mot nguoi than giau mat muon tang ban mot ban nhac. De biet thong tin nguoi gui soan DGH gui xxx…”. Nếu bấm soạn tin và gửi, lập tức một tin hồi âm đưa ra một cái tên chung chung rồi lại yêu cầu bấm soạn để nghe bản nhạc… Cứ thế, mỗi tin nhắn mất 15.000 đồng, mỗi phút nghe nhạc mất thêm 15.000 đồng. Sau đó, bản nhạc cứ tua đi tua lại đến khi người nghe chán quá bấm tắt hoặc tiền trong tài khoản đã hết sạch thì bản nhạc mới hết.

Mới đây, trên trang mạng Yume, một thành viên tên Tuyết nhận được email báo tin có một thông báo quan trọng đề nghị click vào đường dẫn để xem. Nhân danh một hãng xe máy nổi tiếng, thông báo cho chị Tuyết biết qua kết quả bốc thăm ngẫu nhiên, đã chọn chị là người trúng giải cao nhất với phần thưởng là một xe máy cùng 30 triệu đồng tiền mặt, rồi không quên đề nghị chị Tuyết cung cấp thông tin để làm thủ tục nhận giải.

Háo hức trước vận may, chị Tuyết vô tư cung cấp các thông tin theo yêu cầu. Ngay lập tức, màn hình máy tính xuất hiện tên của người bạn cũ yêu cầu chị mua thẻ cào điện thoại nạp vào số… coi như phí nhận giải. Ngay sau khi nạp đủ 850.000 đồng sẽ có người đến phát thưởng tại nhà. Biết bị lừa, chị Tuyết vội dừng lại nhưng cũng đã bị mất trắng số tiền 850.000 đồng.

Nhiều người dùng Facebook cũng bị đánh cắp tài khoản, sau đó trang Facebook của họ tự động gửi tin nhắn đến bạn bè để nhờ nạp thẻ điện thoại. Không chỉ phát tán tin nhắn lừa đảo, người dùng các thiết bị ĐTDĐ chủ yếu 2 mạng MobiFone, Viettel và các thiết bị điện tử mỗi ngày bị “dội bom” hàng loạt tin nhắn rác từ mua bán sim số đẹp, lô đề, bất động sản, chăn drap, gối nệm, bảo hiểm, làm thẻ tín dụng, xem bói cho đến tải game, bài hát… mà không có cách nào ngăn chặn được sự phiền toái này.

Bất chấp xử phạt

Theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong thời gian qua, đã có doanh nghiệp bị xử phạt đến 80 triệu đồng do vi phạm phát tán tin nhắn rác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp từng vi phạm đã bị xử phạt nhiều lần sau đó vẫn tái phạm.

Ông Khánh cảnh báo khi nhận tin nhắn rác, người dùng nên chuyển tiếp các tin nhắn này đến đầu số 456 miễn phí của VNCERT để cơ quan này phân tích xem xét tin nhắn rác phát tán từ đầu số nào, của nhà mạng nào để có biện pháp xử lí.

Sau khi Nghị định 77 của Chính phủ về chống thư rác có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, vấn nạn tin nhắn rác đã giảm một thời gian nhưng nay lại xuất hiện với tần suất dày đặc và thủ đoạn tinh vi hơn nên rất khó kiểm soát. Một chuyên gia trong ngành viễn thông tư vấn để tránh bị mất tiền oan, khi nhận được tin nhắn rác theo kiểu lừa đảo, người dùng xóa ngay tin nhắn và tuyệt đối không được thao tác theo hướng dẫn của các tin nhắn này. Đặc biệt, không nhắn tin đến bất kì đầu số có 3 hoặc 4 chữ số nào dạng xxx hoặc 1900xxxx vì sẽ bị trừ ngay 15.000 đồng/tin nhắn.

Giảm tiền cước cho khách hàng

Báo Người Lao Động số ra ngày 3/1 có bài viết “Choáng với cước điện thoại” phản ánh ông Đỗ Viết Phúc, chủ thuê bao 091315xxxx, bức xúc vì bị trả tiền cước tháng 11/2013 lên 1,2 triệu đồng. Sau khi ông khiếu nại đến Bưu điện Cần Đước (tỉnh Long An) và yêu cầu chặn các dịch vụ giá trị gia tăng thì cước tháng 12/2013, ông vẫn tiếp tục phải đóng 12.394.897 đồng.

Viễn thông Long An đã có cuộc làm việc với ông Phúc vào sáng 16/1 khẳng định việc tính cước dịch vụ 8730, 8530, 8711 của thuê bao 091315xxxx trong tháng 11 và 12/2013 là hợp lệ và số tiền ông Phúc phải đóng trong tháng 12 là 1,2 triệu đồng chứ không phải 12.394.897 đồng. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn quyết định giảm giá cước dịch vụ 2 tháng mà ông Phúc đã sử dụng là 1.679.948 đồng và lưu ý ông Phúc phải có biện pháp riêng để quản lí cuộc gọi, tin nhắn hoặc sử dụng dịch vụ từ điện thoại của mình.

Theo Người Lao Động




Bình luận

  • TTCN (0)