Một thẻ bảo mật SecurId của công ty RSA

Nhắm tới mục tiêu có thể phá vỡ tất cả các mã hóa, Cơ quan An ninh Hoa kì (NSA) đã có một thương vụ mật trị giá 10 triệu USD với RSA - một trong những công ty có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp bảo mật máy tính trên thế giới.

Theo tiết lộ từ “người thổi còi” Edward Snowden, RSA đã trở thành nhà phân phối quan trọng của NSA với sản phẩm là phần mềm BSAFE được sử dụng để tăng cường an ninh và phá vỡ mã hóa thông tin trong máy tính cá nhân và nhiều sản phẩm khác. Reuters tiết lộ, trong thương vụ này, RSA được nhận 10 triệu USD, số tiền tương đương một phần ba doanh thu của hãng trong năm ngoái.

Hiện RSA là công ty con của tập đoàn máy tính khổng lồ EMC Crop, từng kêu gọi khách hàng ngừng sử dụng công nghệ của NSA sau bê bối Edward Snowden tiết lộ nhiều thông tin theo dõi của cơ quan này. RSA từng có lịch sử lâu dài trong công cuộc đấu tranh bảo mật và riêng tư, thậm chí từng từ chối yêu cầu của NSA muốn sử dụng một loại chip đặc biệt cho phép theo dõi thông tin trên máy tính và các phương tiện truyền thông trong năm 1990.

Cả NSA, RSA và EMC đều từ chối bình luận về thương vụ 10 triệu USD với NSA. Hãng bảo mật máy tính khẳng định: “RSA luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng của mình và trong mọi trường hợp, RSA không thiết kế hoặc cho phép bất kì ai sử dụng sản phẩm của chúng tôi, sản phẩm là của riêng chúng tôi”.

Tuy nhiên, hầu hết cựu nhân viên RSA được phỏng vấn lại cho biết công ty đã sai lầm khi kí kết một thỏa thuận như vậy, và chỉ trích sự lệch hướng của công ty khỏi các phần mềm bảo mật vốn là ngành kinh doanh chính. Nhưng một số cũng cho rằng RSA đã bị các quan chức chính phủ, đóng vai như những người quan tâm đến sự an toàn và các mối nguy an ninh, bịt mắt. “Họ không cho thấy bộ mặt thật của mình”, một người nói.

Các tài liệu bị rò rỉ của NSA cho thấy, tổ chức này đang thực hiện chiến lược quan trọng, tăng cường giám sát làm “xói mòn hệ thống an ninh”. Bên cạnh đó, tài liệu NSA từng phát hành trong vài tháng gần đây đã kêu gọi “sử dụng các mối quan hệ thương mại” song không tiết lộ danh tính công ty bảo mật cũng như cộng tác viên. Không chỉ vậy, NSA có thể phá vỡ bất cứ mã hóa nào khi họ cần. Đầu tuần vừa qua, một thẩm phán liên bang đã cáo buộc NSA bí mật theo dõi điện thoại của người dân trái với Hiến pháp Mỹ và đề nghị Tổng thống Obama giảm bớt vai trò của cơ quan tình báo này.

Những tiết lộ này cùng với mối nghi ngại trước đó đã khiến giới công nghệ “sốc” trước tính “hai mặt” của các công ty bảo mật. Sự việc sẽ không chỉ gây tổn hại cho uy tín của RSA mà thậm chí còn bào mòn niềm tin dành cho các công ty bảo mật nói chung. Một khi các sản phẩm công nghệ của Mỹ đánh mất điều này thì sẽ là cơ hội cho các sản phẩm đến từ các quốc gia khác, kể cả những nước cũng từng dính líu đến tai tiếng gián điệp, nổi lên.

Theo Sống Mới/Reuters




Bình luận

  • TTCN (0)