Có những sinh viên IT "đánh game" giỏi nhưng lúng túng khi sửa máy, lập trình... Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Thấy đứa cháu đập chuột uỳnh uỳnh, anh Hùng chạy tới máy tính xem và phát hiện ra cậu sinh viên khoa tin của một trường đại học cũng có tiếng tăm đã xóa (delete) hết biểu tượng trên màn hình rồi loay hoay không biết làm gì tiếp.

Phát cáu với thằng cháu, anh vừa giảng giải cơ chế cài đặt và gỡ bỏ phần mềm trong Windows, vừa lụi hụi Remove hộ. "Không hiểu ở trường nó học cái gì nữa", Hùng phàn nàn và tá hỏa khi biết sinh viên này vẫn ôm mớ tài liệu sách vở gà gật học để qua các kỳ thi... trên giấy.

Quá "kinh hoàng" nhưng khi nói chuyện với bạn bè, anh còn nhận được nhiều trường hợp "vui vẻ" chẳng kém. Câu chuyện "kinh điển" của thành viên SuperThin trên diễn đàn Trái tim Việt Nam Online lại lần nữa được truyền bá: "SuperThin làm dịch vụ photocopy và có để một máy tính gõ văn bản kiếm thêm, và thế là sinh viên tới để in luận văn/đồ án, bài tập... SuperThin thật sự bất ngờ khi gặp cậu sinh viên ngành công nghệ thông tin chính quy đàng hoàng ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, học năm cuối, mang đến ổ chứa toàn những file shortcut để in luận văn. Nếu chỉ gặp một trường hợp như thế thì chẳng nói làm gì nhưng càng về sau mình càng gặp nhiều người như vậy".

"Em ở quê đã bao giờ được sờ vào máy tính đâu", Hoàng, sinh viên Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội (nay là Đại học Công nghiệp), than thở. "Đến cuối năm thứ hai mới có tiền mua máy và mới bắt đầu mày mò thoải mái. Trước đó, thực hành ở trường thì cố làm theo hướng dẫn trong bài không gây trục trặc gì trên máy là thở phào nhẹ nhõm lắm rồi".

Vì thế mới có chuyện Hoàng từng nổi máu "sĩ" hay đúng hơn là "nhắm mắt đưa chân" khi cô con gái bác chủ nhà bị hỏng máy tính. Bác vô tư khoe: "Cậu Hoàng ở đầu nhà là sinh viên tin đấy, nhờ nó kiểu gì mà chả xong". Vật lộn một hồi, Hoàng cũng dự đoán là thiếu RAM nên máy mới đơ ra khi cô bé đòi cài một loạt chương trình đồ họa để tập vẽ, chưa kể bộ từ điển Microsoft Encarta khổng lồ.

Chẳng ngờ là sau lời đề nghị rất hào phóng: "Để anh lắp RAM máy anh vào xem có chạy khá hơn không", cậu giật bắn mình khi máy tính kêu bíp bíp liên tục, còn màn hình ứng dụng thì vẫn đờ đẫn. Toát mồ hôi hột vì chính thanh RAM của cậu bị cháy, Hoàng mới lờ mờ nhớ ra tài liệu hướng dẫn thầy giáo đưa cho còn vài trang nữa chưa đọc, mà hình như đã thành... giấy gói xôi cho bác chủ nhà.

Một số trường đại học sau khi dạy đại cương xong sẽ cho phép sinh viên lựa chọn chuyên ngành phần cứng hoặc phần mềm ở năm cuối. Có những người sợ... điện giật, hoặc sợ chân tay lóng ngóng dễ đánh rơi cả tuốc-nơ-vít vào bo mạch chủ đã quyết định chọn phần mềm vì khi đi thi làm bài trên giấy hoặc trên máy cũng... dễ quay và đạt điểm khá khẩm hơn.

"Dù có thể không ra kết quả chính xác lắm, các thầy cô thấy bài đầy chữ cũng không nỡ đánh trượt", Trường, sinh viên năm cuối chọn ngành phần mềm, bẽn lẽn thổ lộ. "Em học đủ vài chương trình yêu cầu như Visual Basic, C++ để đi thi cho điểm chác đẹp đẹp rồi xin việc mới dễ, chứ học cái mình yếu thì người ta vứt hồ sơ của mình từ vòng loại". Nhưng cũng suốt 2 năm sau khi tốt nghiệp, hồ sơ của Trường không bị vứt ra từ vòng loại, cậu cũng được gọi đến phỏng vấn mà rốt cuộc vẫn trượt. Hóa ra, khi thử việc, người ta thấy cậu vẫn loay hoay cả ngày, thỉnh thoảng lén giở tài liệu ngày xưa chưa học ra đọc lại.

Còn Minh, khi đã kiếm được mảnh bằng đại học, vẫn băn khoăn hỏi: "Bây giờ em nên học gì tiếp? Thú thực là phần cứng thì không phải lúc nào cũng sửa tốt, cũng chẳng nghĩ đến việc làm bảo hành ở mấy công ty máy tính lớn, phần mềm thì không viết được, chưa bao giờ dám mơ đặt chân vào mấy doanh nghiệp tên tuổi. Hay là học quản trị mạng? Dù gì quản lý cái website cũng dễ hơn, mà ngày càng nhiều công ty lập trang web". Nhưng phần quản trị mạng trong trường cậu không dạy, mà muốn học ở ngoài cũng tốn vài triệu. Suốt nửa năm nay, Minh đang chịu khó làm nhân viên đưa hàng để kiếm ít tiền theo học ở trung tâm.

"Số sinh viên quá ngơ ngác cũng không phải ít nhưng quan trọng là nếu họ say mê, chịu khó thì cũng tiến bộ lên thôi", anh Triều, một kỹ sư tin học trong khu công nghiệp Như Quỳnh (Hưng Yên), tâm sự. "Ngày xưa học, tôi cũng lơ mơ lắm, máy tính không có, tiền thuê máy cũng không có. Nhưng sau đấy cố xin một chân phụ việc không lương ở những cửa hàng sửa linh kiện phế liệu, học được rất nhiều điều hay. Khi trình độ khá lên thì xin vào làm ở các tiệm Internet, vừa là để kiếm tiền, vừa là để tranh thủ xử lý sự cố và tìm tài liệu trên mạng mà học".

Theo Vnexpress 



Bình luận

  • TTCN (9)
Quang Trung  22192

Nghe hơi khó tin ^^

Minh Linh

sv CNTT không có nghĩa là biết tất cả

Thực ra cũng khó tin, nhưng mà sinh vien CNTT không có nghĩa là phải rành tất cả (nhiều người nhận thức là phải rành mọi thứ). Các mẹo, thủ thuật với OS, phần cứng đều không được dạy và do đó nhiều SV chẳng biết gì về thực tế ngoài những gì được học sách vở.

Một mặt khác, sv CNTT thường chuyên vào lập trình là nhiều, những thứ về xử lý sự cố phần cứng lại thường do mày mò, tìm hiểu là nhiều nên họ càng khó biết. Điều tốt nhất là nên biết ứng dụng thực tế, nhưng một sv CNTT xuất sắc lại có thể không biết những đièu này. Điều họ thu nhận được, học tập được có khi lại trên các hệ thống Linux với yêu cầu phần cứng rất thấp và những code với code.

Thế nên CNTT không phải là tất cả. Nhưng mọi người lại coi sv CNTT là biết tất cả về CNTT.

Quân

Tôi thấy điều này không phải là khó tin. Rất nhiều người học CNTT nhưng ngay đến cả các khái niệm cơ bản về máy tính cũng không biết,đi copy lại mang USB có shortcut... Điều đó là khó chấp nhận được.
Ngành IT đòi hỏi mọi người phải mày mò,tìm tòi, khám phá...và có đam mê về nghề.

jing

trường hợp shortcut cũng gặp rùi. Học ccna cũng có ng ko biết gửi email lol. đại học cũng có ng ko biết gõ tiếng việt. làm luận văn thì phải nhờ thằng trung cấp nó giúp (trường hợp của em đây nè Smile

ngành CNTT thì khá là rộng, nên ko thể biết hết, mà chỉ học/biết về 1 vài mảng nào đó. Nhưng những cái cơ bản thì phải biết.

Hải Nam  30903

Cái này là SV CNTT ở mấy trường làng nhàng chứ trong BK không có chuyện đó đâu.

Quang Trung  22192

Trường làng nhàng là sao? Nếu thực sự tồn tại thì đó là bệnh của nền giáo dục, sẽ lây lan như virus vậy!

Hải Nam  30903

Thì đó là bệnh mà. Thế nên đâu phải bằng cấp trường nào cũng như nhau. Có trường chỉ lập ra để thu tiền.

Phát

Kì dzậy ta. Sinh viên công nghệ thông tin chẳng lẽ còn thua cả sinh viên của các ngành khác àh? Sinh viên trường nào đó chứ. Sinh viên khoa công nghệ thông tin ĐH KHTN tp HCM thì không bao giờ.

danIT

Caí này thật không thể tưởng tượng nổi. Không biet trường dạy sao nữa , hoặc sinh viên này thuộc loại tầng lớp nào nữa.