Cách đây vài năm, phần lớn sinh viên công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và người học CNTT nói riêng đã không chú trọng đến việc học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Khi các công ty nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam với nhu cầu tuyển dụng rất lớn, lúc ấy người học CNTT mới nhận thấy tầm quan trọng của ngoại ngữ. Đây là một trong những điểm yếu khiến sinh viên bị đánh rớt khi đi phỏng vấn ở công ty nước ngoài.
Không đọc nổi tài liệu chuyên ngành
Theo anh Nhân Văn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Tiềm năng Việt, nguồn tài liệu tham khảo về CNTT bằng tiếng Việt không nhiều, thông tin khá lạc hậu, chưa kể đến dịch giả là người không rành về CNTT nên dịch không đúng ý tác giả rất phổ biến. Do đó, không còn cách nào khác, người học CNTT phải tìm đến tài liệu tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Anh ở đây là tiếng Anh chuyên về CNTT, những người biết chút ít về tiếng Anh giao tiếp cũng sẽ không đọc được tài liệu này.
Chính vì tiếng Anh chuyên ngành quá khó, cần nhiều thời gian để học trong khi lượng kiến thức ở trường rất nhiều nên sinh viên thường lo học các môn chuyên ngành hơn.
Hiện tại, phần lớn công ty trong nước vẫn cần những người giỏi kỹ thuật, không cần thiết phải giỏi tiếng Anh, chỉ cần đọc hiểu tài liệu là được. Chỉ những ai muốn làm việc ở các công ty nước ngoài hay các công ty trong nước có đối tác nước ngoài mới chịu khó học thêm tiếng Anh.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đọc hiểu tài liệu tiếng Anh cũng không phải dễ. Theo một số sinh viên CNTT, cách học phổ biến nhất là học “mò”. Ban đầu, người học chịu khó tra từ điển chuyên ngành từng từ một, nếu siêng năng, khoảng một tháng là bắt đầu quen với từ và thuật ngữ. Sau này, cứ đụng đến những từ quen thuộc là sinh viên sẽ hiểu ngay. Cách học “mò” này xem ra khá hiệu quả với một số người. Một số chuyên viên về lập trình hay quản trị mạng trở nên giỏi nghề cũng đã học bằng cách này. Dĩ nhiên, không phải ai học “mò” cũng giỏi.
Phải siêng năng trau dồi
T. Nguyên, hiện là lập trình viên ở một công ty phần mềm trong nước, cho biết: “Tôi biết rằng thời buổi hiện nay không thể không biết tiếng Anh nhưng thật sự tôi không có thời gian để học. Trước đây, khi còn là sinh viên, toàn bộ thời gian học đều dành cho môn chuyên ngành. Bây giờ tôi lại bận rộn với công việc ở công ty tới tối mới về, sức đâu mà học Anh văn”.
Trường hợp như anh Nguyên không phải là ít. Anh Đỗ Hải, Giám đốc Công ty Phần mềm Việt, cho biết trình độ Anh văn của phần lớn sinh viên CNTT còn thấp nhưng lại không chịu trau dồi. Công ty anh đã từng tổ chức một số khóa thực tập nhưng cũng ít bạn đăng ký tham gia.
Theo một số trung tâm đào tạo, song song với các khóa học chuyên ngành, các trung tâm mở thêm các khóa ngoại ngữ cấp tốc cho học viên như Trung tâm Tin học – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hay NIIT Nhà Rồng. Theo các giảng viên của Học viện NIIT Việt Nam, những học viên nào siêng năng học ngoại ngữ, đã giỏi càng giỏi hơn. Bên cạnh đó, những người chỉ mới cầm tài liệu đã ngán thì sau một thời gian sẽ bỏ cuộc hoặc cố gắng lắm chỉ qua được các kỳ thi đầu ra.
Do không biết tiếng Anh nên sinh viên thường bỏ qua nhiều cơ hội việc làm. Cách đây không lâu, một công ty chuyên về dịch vụ web đã đăng tuyển nhân viên dịch tài liệu CNTT với mức lương 400 USD tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nhưng chờ mãi mà không thấy sinh viên nào nộp hồ sơ.
Nếu không tự trang bị hành trang cần thiết trước khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc và đi làm sau này.
(theo Người Lao Động)
Bình luận
Mình thấy học mò là good, nhưng mất thời gian, đồng thời phải kiên nhẫn(tra từ điển mau nản lắm).Tra từ điển trên bamboo cũng ok.