Triển khai 3G sẽ cho phép gia tăng các dịch vụ tiện ích.

Băng tần 3G chỉ đủ cho 4 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động nên các DN muốn được cấp giấy phép phải "Giàu một tý, Giỏi một tý và Gắng một tý". Dự kiến, thời gian cấp phép chậm nhất cho các DN trúng tuyển là cuối quý 3/2008.

"Chọn mặt gửi"… 3G

Bốn giấy phép triển khai 3G “treo giải” cho 7 mạng viễn thông làm cho cuộc đua càng gần về đích càng “nóng”. Trong giai đoạn này, Việt Nam mới chỉ sử dụng 1 trong số 6 chuẩn 3G của quốc tế nhằm giải quyết 2 vấn đề là di động và băng thông rộng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng tuyên bố 4 tiêu chí cho các DN đang sôi sục tinh thần giành “vé” cung cấp dịch vụ 3G. Đó là khả năng tài chính và đầu tư; kĩ thuật và nghiệp vụ; kinh doanh – thương mại; nhân lực – đào tạo. Theo ông, các DN muốn có ưu thế trong cuộc đua thì phải “Giàu một tý, Giỏi một tý và Gắng một tý".

Theo đó, các DN muốn nắm được tấm vé này phải chứng minh được khả năng đầu tư mạng lưới, hoàn thiện cơ sở hạ tầng 3G trong 15 năm, với chi phí ước tính khoảng từ 1 đến 2 tỉ USD. Không những thế, các DN còn phải chứng minh được trình độ triển khai, phủ sóng rộng không chỉ trong phạm vi thành phố, khả năng tổ chức hệ thống bán hàng, đưa ra được kế hoạch kinh doanh cụ thể,…

Theo quan điểm của Bộ, việc cấp phép 3G hiện nay được coi là đúng thời điểm. Bởi trước đây, 2G cũng được triển khai chậm hơn so với thế giới. Nếu 3G được triển khai sớm hơn thì sẽ không hiệu quả vì tiền đầu tư rất lớn, 6 mạng phải đầu tư khoảng  2 - 3 tỷ USD.

Hơn nữa, để 3G thực sự phát huy hiệu quả, các dịch vụ nội dung đi kèm, các chức năng ngoài thoại, như tải dữ liệu, gửi email, tin nhắn nhanh, hình ảnh…, cũng phải phát triển tương thích. Trong khi đó, các nội dung này mới ở ngưỡng bắt đầu phát triển ở Việt Nam.

Các DN bình đẳng

Hiện nay, có 7 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông với 2 công nghệ. Trong đó, MobiFone,Viettel, VinaPhone, HT Mobile và “lính mới” Gtel sử dụng công nghệ GSM. Còn CDMA, công nghệ được cho là cao hơn thì chỉ có 2 DN EVN Telecom và S-Fone bám trụ. Tuy có khoảng cách về ưu thế phát triển, công nghệ và số lượng thuê bao nhưng Bộ không có phân biệt trong quá trình xét tuyển.

Quá trình xét tuyển sẽ tránh trường hợp "ưu tiên" mạng nhỏ. Việc xét tuyển dựa trên khả năng thực tế sẽ là cơ sở đảm bảo 3G được các nhà cung cấp mạng triển khai thành công khi được cấp giấy phép, tránh tình trạng các DN vất vả mới có được giấy phép nhưng lại không đủ điều kiện thưc tế để triển khai, giấy phép sẽ chỉ là “đồ trang sức” cho thương hiệu DN.

Để tận dụng hạ tầng hiện có của các DN, Bộ chỉ tiến hành tổ chức thi tuyển đối với các DN đã có sẵn nền tảng 2G. Theo đó, các DN xây dựng nền tảng 3G dựa trên cơ sở này để tiết kiệm thời gian và chi phí xây dựng hệ thống.

“Triển khai 3G sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại di động, các ứng dụng trong đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đều cần đến băng thông rộng. Đồng thời, 3G sẽ hỗ trợ cho 2G trong việc phổ cập dịch vụ điện thoại cho người dân vì băng tần của 2G đã gần cạn kiệt”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.

Mỗi mạng trúng tuyển sẽ được cấp tần số gồm 15 MHz băng tần FDD và 5 MHz băng tần TDD. Nhưng nếu được cấp phép mà không triển khai dịch vụ, doanh nghiệp sẽ bị phạt và có thể bị rút giấy phép.

(theo VTC)




Bình luận

  • TTCN (0)