Các nhà khai thác sẽ “vẽ” ra một bản kế hoạch triển khai mạng 3G và nhà quản lý sẽ công bố danh sách trúng tuyển dựa trên bản kế hoạch này, với 4 nhóm tiêu chí cơ bản là tài chính, đầu tư; kỹ thuật, nghiệp vụ; kinh doanh thương mại và nhân lực.

Vào cuối tháng 8/2008, thông tin nhà khai thác dịch vụ viễn thông di động nào nhận được giấy phép xây dựng, triển khai và cung cấp dịch vụ viễn thông di động thế hệ thứ 3 (3G) sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.

Trong cuộc toạ đàm về “Cấp phép 3G: cơ hội và thách thức” do Câu lạc bộ phóng viên Công nghệ thông tin tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, giấy phép 3G được cấp cho 4 nhà khai thác dựa trên phương pháp thi tuyển, nghĩa là dựa chủ yếu trên lời hứa của chính các nhà khai thác. Ông Thắng cho rằng, mặc dù không minh bạch bằng phương pháp đấu giá để cấp giấy phép 3G, nhưng với tình hình thực tế của Việt Nam, phương pháp thi tuyển lại phù hợp hơn cả.

Giải thích sự vô lý trên, ông Thắng cho biết, hiện tại các nhà khai thác viễn thông Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước hoặc Nhà nước nắm cổ phần chi phối, nếu tổ chức cấp giấy phép theo hình thức đấu giá, thì không khác nào “lấy từ tay nọ bỏ sang tay kia”. Hơn nữa, chi phí mà các nhà khai thác phải bỏ ra khi tham gia đấu giá giấy phép sẽ rất cao và điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển, cũng như đầu tư cho mạng 3G của nhà khai thác khi có được giấy phép.

Trên thế giới đã có một số nước cấp phép 3G theo hình thức đấu giá và chi phí mà nhà khai thác phải bỏ ra để có được giấy phép này thấp nhất là 1 triệu USD (ở Singapore) và cao nhất 7,7 tỷ USD (tại Đức).

Vậy Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ dựa trên cơ sở nào để buộc các nhà khai thác khi tham gia thi tuyển phải giữ lời hứa? Theo ông Thắng, để giảm bớt “tính không xác định” trong lời hứa, các nhà khai thác khi tham gia thi tuyển sẽ phải đặt cọc một số tiền để đảm bảo cho lời hứa của mình. Trong trường hợp nhà khai thác không giữ đúng lời hứa, Bộ sẽ phạt bằng cách thu số tiền đặt cọc này, với tỷ lệ tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Ngoài tiền đặt cọc và phí tần số giống như mạng 2G hiện nay (1,3 triệu đồng hoặc 2,6 triệu đồng/MHz), Bộ sẽ không thu thêm bất cứ khoản phí nào.

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo tính toán của các nhà khai thác nước ngoài, mức chi phí đầu tư bình quân cho việc xây dựng và triển khai mạng 3G là 1,2 - 2 tỷ USD trong thời gian 15 năm. Còn theo tính toán của các nhà khai thác trong nước, chi phí đầu tư bình quân cho mạng 3G khoảng 1 tỷ USD.

Dự kiến, số tiền đặt cọc mà các nhà khai thác phải nộp cho Bộ Thông tin và Truyền thông khi tham gia thi tuyển là khoảng 10% tổng số tiền đầu tư cho mạng 3G theo kế hoạch của mỗi nhà khai thác trong giai đoạn 5 năm đầu. Mặc dù 7 nhà khai thác đều bày tỏ mong muốn có được tấm giấy phép 3G, nhưng tất cả đều thừa nhận rằng, trong thời gian đầu khai thác, mạng 3G vẫn chỉ được sử dụng chủ yếu để hỗ trợ dung lượng thoại cho mạng 2G hiện tại.

(Theo Báo Đầu Tư)



Bình luận

  • TTCN (0)