Người tiêu dùng băn khoăn khi Thông tư 07 được áp dụng, sẽ phải móc hầu bao chi thêm tiền cho các nhà sản xuất

Theo thống kê, trong năm 2013, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 600.000 chiếc tivi LCD. Nếu sức mua mặt hàng này duy trì con số trên trong năm 2014, người tiêu dùng Việt phải “chi thêm” cho các nhà sản xuất 18 triệu USD?

Theo Thông tư 07/2013 của Bộ TT&TT, từ ngày 1/4/2014, tất cả các loại tivi có kích thước màn hình từ 32 inch trở lên sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED và các công nghệ màn hình tiếp theo được sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4.

DVB-T2 là chuẩn truyền hình kĩ thuật số mặt đất thế hệ thứ hai, sử dụng nhiều giải pháp kĩ thuật mới làm tăng dung lượng truyền dẫn, hiệu quả sử dụng tài nguyên tần số cao hơn. Xung quanh Thông tư này, nhiều thắc mắc, liệu người tiêu dùng có phải mua tivi với giá cao hơn? Trước đây, để xem được truyền hình KTS, ngoài tivi, người dùng phải mua thêm đầu thu KTS. Nhưng nhiều người lo ngại việc tích hợp 2 trong 1 như vậy thì giá tivi sẽ cao hơn.

Theo bà Nguyễn Phan Hoài Phương, đại diện truyền thông của Sony Electronic Việt Nam, nhiều chủng loại tivi Sony hiện có trên thị trường đã tích hợp sẵn chức năng thu truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2. Người tiêu dùng có thể nhận diện loại tivi này bằng kí hiệu KDL trên tên các dòng tivi. “Tivi Sony sẽ tích hợp chức năng thu KTS mặt đất với giá bán không tăng” - vị đại diện, cam kết.

Đại diện LG và Samsung Vina cũng cho biết, bên cạnh những sản phẩm máy thu hình thông thường, các hãng này đang cung cấp những mẫu sản phẩm khác tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T2.

Tuy nhiên trước đó, đại diện Toshiba tại Việt Nam cho biết, chi phí thấp nhất để tích hợp đầu thu vào tivi khoảng 30 USD/chiếc. Có hãng sản xuất nói rằng, chi phí có thể là 50 USD/chiếc. Có nghĩa, khi những chiếc tivi có tích hợp đầu thu DVB-T2 xuất hiện trên thị trường, người tiêu dùng sẽ phải chi thêm số tiền này.

Theo thống kê, trong năm 2013, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 600.000 chiếc tivi LCD. Nếu sức mua mặt hàng này duy trì con số trên trong năm 2014, người tiêu dùng Việt phải “chi thêm” cho các nhà sản xuất 18 triệu USD?

Chưa kể, những khách hàng dùng các phương thức truyền dẫn tín hiệu khác như truyền hình cáp, vệ tinh... thì đầu thu DVB-T2 trong chiếc tivi sẽ là đồ thừa vì không thể bắt được tín hiệu của các phương thức truyền dẫn khác.

Còn nếu nhà đài phát DVB-T2 theo hình thức trả tiền, người dùng buộc phải mua thiết bị riêng của nhà đài đó mới có thể thanh toán cước hàng tháng vì đầu thu DVB-T2 không có chỗ để gắn thiết bị thanh toán. Đây sẽ là những thiệt thòi người tiêu dùng có thể sẽ phải gánh từ 1/4/2014 này.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, việc chuyển sang truyền hình số mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như kênh chương trình sẽ tốt hơn do có thể phát độ phân giải cao HD, số lượng kênh nhiều hơn và để tổ chức lại hệ thống đài truyền hình địa phương để các đài này chỉ tập trung sản xuất nội dung thay vì lo phát sóng như thời gian qua nhằm tiết kiệm tần số, chi phí hạ tầng.

“Bộ đã có văn bản hướng dẫn về vấn đề dán mẫu hợp quy, dán nhãn hàng hóa, dán biểu trưng số hóa truyền hình cho tất cả các thiết bị thu hình bán trên trên thị trường, bảo đảm cho người sử dụng dễ dàng nhận biết đâu là thiết bị đã được tích hợp tính năng thu truyền hình số”, ông Thắng cho hay.

Theo PL&XH




Bình luận

  • TTCN (0)