Báo The Malaysia Insider đưa tin, hiệu ứng Doppler giúp các nhà điều tra xác định được chuyến bay MH370 đã bay tới Ấn Độ Dương song họ vẫn bối rối về lí do khiến chiếc máy bay của Malaysia Airlines đi theo hướng ngược lại đích đến là Bắc Kinh.
Tại sao chiếc Boeing 777-200ER (9M-MRO) chở 239 người lại kết thúc ở Ấn Độ Dương? Chiếc máy bay chở khách đồ sộ này quay ngược đầu để lao vào "bí ẩn hàng không chưa từng có" như thế nào? Và ai đã làm như vậy.
Đó là những câu hỏi đang ngự trị trong tâm trí của các nhà điều tra lẫn thân nhân của 239 người trên máy bay, vốn khởi hành từ Kuala Lumpur để tới Bắc Kinh vào rạng sáng 8/3 song lại mất tích ngay trong giờ đầu tiên của chuyến bay kéo dài 6 tiếng.
Sau 17 ngày và một cuộc tìm kiếm đa quốc gia bắt đầu ở Biển Đông, trong dữ liệu vệ tinh liên lạc của các nhà điều tra Anh cũng như các mảnh vỡ được vệ tinh Mỹ, Trung Quốc và Pháp tìm thấy, vị trí cuối cùng của MH370 đã được xác định - khu vực phía nam của Ấn Độ Dương.
Tại sao và như thế nào mà MH370 lại lao xuống một vùng biển xa xôi chỉ có thể được giải đáp khi các nhà điều tra lấy được hộp đen máy bay.
Cho tới giờ, cuộc đua theo dấu lộ trình sau khi máy bay biến mất ở ngoài khơi bờ biển phía đông Malaysia để tới Ấn Độ Dương đã trở thành một câu chuyện gây sửng sốt.
Vì sao kết luận máy bay đâm xuống biển
Hãng Reuters đưa tin, nhà cung cấp vệ tinh Anh Inmarsat đã dùng một hiện tượng sóng được phát hiện vào thế kỉ 19 để phân tích 7 tiếng ping mà vệ tinh bắt được từ máy bay của Malaysia để quyết định về đích đến cuối cùng của nó.
Thông tin mới này dẫn tới việc Thủ tướng Malaysia Razak kết luận vào tối 24/3 rằng chiếc máy bay 11 năm tuổi này đâm xuống nam Ấn Độ Dương, toàn bộ 239 người trên máy bay thiệt mạng.
Không có mảnh vỡ, vậy có thực sự máy bay đã đâm xuống biển?
Các nhà điều tra biết nơi một chiếc máy bay đâm xuống, thậm chí là trước khi tìm thấy mảnh vỡ. Một mảnh vỡ cũng đủ để quyết định liệu chiếc máy bay bị nổ tung hay đâm xuống. Câu trả lời nằm ở hộp đen, và phải mất nhiều năm mới có thể phát hiện được.
Hộp đen ở đâu
Thiết bị màu cam này dài khoảng 30 cm và có thể chịu được hầu hết mọi chấn động. Các đội tìm kiếm đã dùng một thiết bị để phát hiện tín hiệu từ hộp đen, có thể hoạt động khoảng hai tuần kể từ lúc này. Tìm ra hộp đen không phải là việc dễ dàng: Mất hai năm mới tìm ra hộp đen của chuyến bay Air France 447, sau khi mảnh vỡ đầu tiên của máy bay được tìm thấy vào năm 2009.
Vì sao không ai trên máy bay gọi điện
Các hành khách sẽ cố gọi điện hoặc gửi tin nhắn cho người thân, nếu biết có trường hợp khẩn cấp xảy ra. Tuy nhiên, ở độ cao 3500 m, và với tốc độ của máy bay, không ai bắt được sóng điện thoại.
Tại sao không ai biết máy bay đổi hướng
Trọng tâm của bí ẩn này là các radar không phát hiện ra một chiếc máy bay đang bay. Đó có lẽ là lí do tại sao lại có kết luận máy bay có thể bay tới nam Ấn Độ Dương, nơi không có radar nào ở đó. Nếu bay sang phía bắc, máy bay khó có thể vượt qua một loạt quốc gia được bảo vệ kĩ càng mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn đó, về việc không phát hiện được máy bay ở gần không phận Malaysia.
Phi công, hỏa hoạn hay ai đó?
Có một số người tin rằng ai đó trên máy bay đã cố tình đổi lộ trình, ban đầu là bay ngược về phía tây theo hướng Malaysia, sau đó hướng về tây bắc. Liệu cơ trưởng Ahmad Shah và phi công phụ Fariq đã tác động? Nghi ngờ này được củng cố bằng sự thật rằng mọi hệ thống liên lạc trên máy bay bị tắt. Hoặc người nào khác? Hoặc máy bay bị trục trặc kĩ thuật do lửa.
Các nhà điều tra cho rằng "đây là một hành động có chủ ý của ai đó trên máy bay. Người này phải có hiểu biết chi tiết để thực hiện những gì cần làm... Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy động cơ của sự việc".
Tuy nhiên, Telegraph dẫn các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra về máy bay mất tích của Malaysia Airlines tiết lộ, máy bay dường như đã cố tình đâm xuống biển.
Theo Vietnamnet
Bình luận
Số người trên máy bay là 229 hay 239? Đoạn 3 thì nói 229 người, mà đoạn 4 thì lại là 239 người?