Neel Swamy là một sinh viên ngành báo chí đang theo học tại trường Cao đẳng Connecticut, Mỹ. Tuy mới là sinh viên năm đầu, Neel Swamy luôn thể hiện lòng say mê đối với nghề nghiệp, đồng thời có những đánh giá khá sâu sắc về hiện trạng và tương lai của ngành công nghiệp tin tức.
"Không phải là báo chí đang “chết”, nó chỉ đang thay đổi”, trang blog của Huffington Post đã đăng ý kiến của cậu sinh viên.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng báo chí đang trong giai đoạn nhiều biến động và đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh mới. Đầu tiên phải kể đến sự thay đổi về cách tiếp cận thông tin của độc giả, một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ thông tin và di động đang phát triển như vũ bão.
Con người trong thế kỉ 21 đang thu thập tin tức phần lớn từ mạng xã hội hoặc từ điện thoại di động hơn là từ các trang báo. Trên thực tế, người ta đã đang dần quên đi những tờ báo giấy in mực có thể cầm theo để đọc ở mọi lúc, mọi nơi.
Chỉ riêng về đề tài trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng phải ngậm ngùi: "Chúng ta phải chấp nhận một sự thật, rằng thời huy hoàng của báo in đã vĩnh viễn trôi qua".
Sự thay đổi trên sẽ đòi hỏi các nhà báo phải thích nghi với những yêu cầu ngặt nghèo mới để nâng tầm cho các ấn phẩm báo chí điện tử. Các thông tin đưa đến cho độc giả giờ đây không chỉ cần phải có tính sâu sắc, bao quát, đảm bảo tính lan tỏa rộng mà còn phải cực kì nhanh chóng nữa.
Thời đại công nghệ thông tin đang tạo ra cuộc chạy đua gắt gao về thời gian xuất bản giữa các tờ báo, các hãng tin. Hình thức "bản tin trực truyến" với những nội dung liên tục được cập nhật mỗi khi có sự kiện nóng chính là minh chứng hùng hồn nhất cho cuộc đua âm thầm mà khắc nghiệt này.
Có lẽ, chưa bao giờ câu nói "trâu chậm uống nước đục" lại đúng với công tác xuất bản báo chí đến thế.
Không chỉ thay đổi về cách tiếp cận, độc giả đang có xu hướng thay đổi cả phương pháp lĩnh hội thông tin. Đã qua rồi thời độc giả nghiến ngấu ngồi "nuốt từng chữ" những bản tin thời sự đầy chữ và dài dằng dặc đến 4 - 5 cột.
Có một thực tế đáng chạnh lòng là độc giả ngày càng "lười đi" và đòi hỏi trực quan hơn. Những bản tin đơn điệu đã trở nên lỗi thời, nhà báo tin tức thời sự ngày nay cần phải biết chuyển thông điệp của mình qua hình ảnh, video và cả những dòng chú thích ngắn gọn, ấn tượng, súc tích mà vẫn mang đủ thông tin.
Đối với những bản tin dài, người đọc sẽ ngày càng có xu hướng đọc “lướt”, đọc "nhảy cóc" từ đề mục này xuống đề mục khác.
Các nhà báo, những người luôn tâm huyết đến từng "dấu chấm, dấu phẩy" trong bài, sẽ có thể cảm thấy chẳng vui vẻ gì khi nhận ra điều này, nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận và thay đổi. Thay đổi trong cách viết để tăng sức hấp dẫn hơn nữa, đủ sức dẫn dắt độc giả đi theo từng con chữ của mình.
Viết về khía cạnh này, Neel Swamy cũng đưa ra ý kiến: "trong khi tôi vẫn tin tưởng báo chí nên củng cố sự gắn bó với những “lề lối truyền thống” thì tôi cũng mong rằng các nhà báo sẽ đón nhận và sớm thích nghi với những thay đổi của thời đại vì tôi tin vào sự tiến bộ". Và muốn bắt kịp sự tiến bộ, nhà báo buộc phải "nghĩ khác đi và làm khác đi".
Không chỉ phải đối mặt với những thách thức trong giai đoạn chuyển mình, báo chí, hơn lúc nào hết, đang phải chịu đựng những cái nhìn đầy định kiến. Áp lực tài chính đang khiến nhiều tờ báo phải đình bản, nhiều tòa soạn khác "chao đảo" và không ít những tờ báo đã "đánh mất bản sắc" để đạt được mục đích kinh tế.
Làng báo thế giới đã và đang chứng kiến trào lưu "lá cải hóa" ồ ạt. Sự thành công của các trang tin "nhàn nhạt nhưng vui" hay các tờ báo "giật gân", cuộc đua âm thầm của các yếu tố "bản năng, tình dục" hay "sến súa" trên các mặt báo để giành giật lượt xem từ độc giả đã không còn là câu chuyện lạ. Thời buổi khó khăn đã buộc nhiều tờ báo phải "làm liều".
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận có những thời điểm tờ báo này, hãng tin kia đã ít nhiều "phản bội niềm tin của độc giả". Sự đề phòng, hình thức "kiểm tra chéo" các thông tin từ báo chí đang ngày càng phổ biến trên mạng xã hội là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi "liệu báo chí thời nay được tin tưởng đến đâu?".
Đó không phải thực trạng của riêng báo chí Việt Nam, ngay tại Mỹ, đất nước luôn "tự hào vì nền báo chí tự do ngôn luận và phát triển hàng đầu thế giới", cậu sinh viên Neel Swamy cũng chua chát viết rằng:
"Có nhiều khi, tôi cảm thấy mình đơn độc vì rất nhiều người ngoài kia đang nghĩ rằng báo chí chỉ toàn là thứ xấu xa và các nhà báo chỉ biết “trục lợi”. Tôi thật sự thấy buồn lòng khi nghe cả hai điều trên".
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, báo chí sẽ không bao giờ chết, thậm chí, trong nhận định của cả giới chuyên gia và những người chập chững vào nghề, báo chí vẫn đang là một trong những lĩnh vực đang phát triển bùng nổ nhất hiện nay.
Bên cạnh các giá trị truyền thống chưa bao giờ suy suyển trong đời sống chính trị, xã hội, báo chí trong giai đoạn mới sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong lĩnh vực kinh tế.
Sự giao thoa của nền thương mại điện tử tương lai, xu hướng truyền thông thương hiệu sẽ là sợi dây buộc chặt mối quan hệ giữa báo chí và kinh tế trong tương lai gần.
"Trong khi y tế và khoa học có thể được đảm trách bằng các hệ thống máy tin hay các chùm tia laze, báo chí vẫn phụ thuộc vào sự tương tác giữa con người với con người. Không có báo chí, tâm trí chúng ta sẽ sớm trở lại ngu muội, đần độn và thui chột khả năng sáng tạo", Swamy viết.
Dẫu rằng chúng ta không thể phủ nhận rằng đang có những “điều nọ tiếng kia” trên các trang báo, bất kể cả những trang “chính thống”, “đàng hoàng”, nhưng đừng bao giờ phủ nhận sạch trơn giá trị của báo chí. Dù thế nào, báo chí vẫn luôn là những cơ quan, tổ chức tối cần thiết cho xã hội.
"Vì vậy, hãy dành cho báo chí một chút kính trọng", xin mượn lời của Swamy thay cho câu kết của người viết.
Theo Infonet
Bình luận