Từ chuyện bắn máy bay trinh sát tầng cao...

Câu chuyện xảy ra vào những năm tạm thời hòa bình trên miền Bắc. Tuy chưa phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, song đế quốc Mỹ liên tục dùng máy bay trinh sát để quấy rối, thăm dò các cơ sở hạ tầng quân sự, công nghiệp, giao thông, thông tin liên lạc… quan trọng của ta. Ngày 11/8/1963 đánh một dấu mốc quan trọng: Lần đầu tiên đế quốc Mỹ sử dụng máy bay phản lực RF-101 để trinh sát miền Bắc.

Đây là loại máy bay tương đối hiện đại, bay lần đầu ngày 29/9/1954, số lượng sản xuất khoảng 800 chiếc với nhiều phiên bản: máy bay tiêm kích đánh chặn, tiêm kích - ném bom độ cao thấp, máy bay trinh sát chụp ảnh và máy bay huấn luyện. RF-101 có khối lượng cất cánh tối đa đến 23 tấn, tốc độ bay tối đa 1600 km/h, trần bay lên đến 14.000 m.

Khi phát hiện máy bay địch, trực ban chỉ huy ở Bộ Tư lệnh Phòng không là đồng chí Tham mưu phó Nguyễn Quang Tuyến lập tức lệnh cho ba trung đoàn pháo cao xạ 100 mm bảo vệ Hà Nội nổ súng đánh địch. Nhưng do bộ đội còn chưa có nhiều kinh nghiệm, lần đầu tác chiến gặp nhiều lúng túng nên trận đánh không thành công: Lần thứ nhất máy bay bay vào vùng trời Hà Nội, radar của pháo cao xạ không bắt được mục tiêu nên để lỡ thời cơ. Lần thứ hai địch bay vào, Đại đội 109, Trung đoàn 220 nổ súng bắn 11 viên, Đại đội 130, Trung đoàn 260 bắn 34 viên, nhưng không diệt được mục tiêu. Lần đầu tiên sau nhiều năm hòa bình, bầu trời miền Bắc vang rền tiếng pháo cao xạ và tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, việc máy bay địch không bị bắn hạ gây ra nhiều hoang mang trong nhân dân.

Ngay ngày hôm sau, Bác Hồ cho gọi Tư lệnh Phòng không Phùng Thế Tài lên gặp. Vừa gặp ông, Bác đã hỏi:

- Bác nghe báo cáo hôm qua chú dùng mấy chục viên đạn đại cao để bắn chim, có được con nào không mà không thấy đưa lên biếu Bác?

Chết lặng trước câu hỏi của Bác, Tư lệnh Phùng Thế Tài chỉ biết đứng im. Bác lại hỏi:

- Tất cả bao nhiêu viên chú có nắm được không?

- Dạ. 45 viên ạ.

- Bác nghe nói mỗi viên đạn 100 li mà hôm qua chú cho bắn vung vãi lên trời có thể nuôi sống một gia đình trung nông trong một năm. Vậy với 45 viên thì giá trị là bao nhiêu? Nước ta còn nghèo, chú cứ lệnh cho bắn lên trời phung phí như vậy mà không rơi chiếc máy bay nào thì có lỗi với nhân dân lắm.

Đó là bài học không thể quên của Bác dành cho những người lính phòng không.

Sau đó, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với những trận đánh bảo vệ vùng trời miền Bắc, những người lính phòng không - không quân Việt Nam đã “nổi lửa” thiêu cháy hàng ngàn máy bay địch. Trong số đó, đương nhiên có cả các máy bay RF-101.

... đến chuyện bắn máy bay bay thấp

Mùa hè năm 1967 đến với cái nắng nóng khủng khiếp như bao mùa hè khác trên miền Bắc Việt Nam. Bác Hồ đã bước sang tuổi 77, sức khỏe vốn đã yếu của Người lại bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và những tin tức dồn dập từ khắp các chiến trường gửi về.

Với bộ đội phòng không Việt Nam, mùa hè 1967 cũng đem đến sự căng thẳng chưa từng có. Sau một loạt các trận oanh tạc dồn dập của địch, khiến cả hai phía đều gánh chịu nhiều thiệt hại, không quân Mỹ chuyển sang dùng chiến thuật “khủng bố tinh thần”. Mỗi đêm, địch chỉ sử dụng một vài máy bay, bay thấp tiến vào ném bom miền Bắc. Với việc sử dụng số lượng nhỏ máy bay, bay thấp để radar của ta khó phát hiện, kẻ địch đã hạn chế được thiệt hại. Đồng thời, những chiếc máy bay bay thấp với tiếng động cơ gầm rú đinh tai nhức óc, với những quả bom ném không theo qui luật nào, gây căng thẳng cho hàng triệu người trên đường bay của chúng. Hệ thống phòng không miền bắc cũng chịu sức ép nặng nề, phải trực chiến liên tục trong điều kiện nắng nóng. Nhiều khi bộ đội vừa hạ cấp báo động, lại phát hiện máy bay địch bay vào, lao ra mâm pháo trực chiến thì chờ mãi không thấy địch đâu. Sức khỏe, tinh thần của bộ đội sa sút rõ rệt.

Để đối phó với địch, ta đồng thời sử dụng hai biện pháp. Một mặt, huy động bộ đội tên lửa vào cuộc, nghiên cứu sử dụng tên lửa phòng không C-75 để đánh máy bay bay thấp. Việc này gặp nhiều khó khăn, do khi đánh mục tiêu bay thấp dưới 1km tên lửa dễ bị vướng sóng địa vật, đạn dễ bị rơi. Tuy vậy, đêm 24/3/1967, ta vẫn bắn rơi được một máy bay A-6A bay thấp bằng tên lửa C-75, bước đầu phá vỡ thủ đoạn của địch. Bên cạnh đó, ta vẫn duy trì cách đánh truyền thống: Nghiên cứu kĩ đường bay của địch, sử dụng số lượng lớn pháo cao xạ, súng máy phòng không… để đón lõng, phục kích máy bay địch. Vượt lên gian khó, nắng nóng, bộ đội phòng không vẫn kiên cường trực chiến bên mâm pháo. Và họ đã nhận được sự quan tâm rất kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một lần, Bác Hồ nhìn thấy các chiến sĩ trọng liên 14,5 mm trực chiến trên nóc hội trường Ba Đình trong cái nắng hầm hập như thiêu như đốt. Bác nhờ đồng chí Vũ Kì - thư kí của Người:

- Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì sao chịu được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết.

Vậy là người thư kí mẫn cán của Bác lên nóc hội trường thăm anh em chiến sĩ. Trên đó có một tổ súng phòng không 14,5mm, nhưng công sự, ụ cát rất sơ sài, địch bắn vào rất dễ hi sinh. Trời nắng nóng, chỉ đứng một lúc mà Vũ Kì đã thấy hoa mắt chóng mặt. Anh hỏi một chiến sĩ:

- Các đồng chí có nước ngọt uống không?

- Nước chè thường còn chưa có, lấy đâu ra nước ngọt?

Nghe đồng chí Vũ Kì về báo cáo, Bác liền gọi ngay cho Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng:

- Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!

Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kì đi lấy sổ tiết kiệm của Người, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu. Đồng chí Vũ Kì báo cáo:

- Thưa Bác, còn lại tất cả 25.000 đồng.

Cũng cần nói thêm rằng, số tiền này rất lớn, tương đương với khoảng 60 lượng vàng. Đây không phải là lương, vì lương Chủ tịch nước của Bác chỉ vừa đủ tiêu. Số tiền này là nhuận bút mà các báo trả cho Bác. Bác viết báo nhiều, có đến hàng trăm bài mỗi năm, các bài viết đều giản dị mà sâu sắc.

Bác bảo:

- Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: “Đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!”

Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không - không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: Số tiền của Bác mua nước uống cho bộ đội phòng không - không quân được một tuần. Sự quan tâm chăm sóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng phòng không, đã tiếp thêm sức mạnh giúp những người lính gìn giữ bầu trời vượt qua được một mùa hè nóng bỏng nhất, để đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Theo Infonet.




Bình luận

  • TTCN (0)