Tàu Ocean Shield của Australia kéo theo thiết bị dò tìm sóng âm mà hộp đen máy bay phát ra. Ảnh: AP.

Telegraph dẫn lời các nhà chức trách cho biết họ đang tiến "rất gần" đến việc tìm thấy phi cơ mất tích sau khi phát hiện được những tín hiệu dưới nước kéo dài hơn hai giờ. Khu vực phát hiện tín hiệu trùng với vị trí cuối cùng máy bay liên lạc với vệ tinh trong quá trình phân tích từ hai tuần trước.

"Nửa cái bắt tay" cuối cùng được cho là xảy ra khi MH370 hết nhiên liệu và rơi xuống Ấn Độ Dương. Một "cái bắt tay" hoàn chỉnh là khi máy bay có tín hiệu đáp trả "tín hiệu kiểm soát" do trạm mặt đất gửi tới qua vệ tinh. Thông tin truyền tải trong "cái bắt tay" rất hạn chế nhưng nó bao gồm một đoạn mã đặc biệt để nhận dạng máy bay.

Sự đột phá trong quá trình tìm kiếm giúp các nhà phân tích có thể hoàn thiện bức tranh về khoảnh khắc cuối cùng của MH370. Theo đó, chiếc máy bay đã hết nhiên liệu và nó sử dụng năng lượng cuối cùng để gửi đi một "cái bắt tay" dở với vệ tinh trước khi rơi xuống biển. Trong trường hợp đó, khả năng phi cơ sẽ lướt trên mặt biển rồi lộn ngược cao hơn là lao thẳng xuống biển.

Trước đó, ông Angus Houston, đại tướng không quân về hưu của Australia và là chỉ huy Trung tâm phối hợp tìm kiếm (JACC), cho biết một tàu hải quân của Australia đã phát hiện hai đợt tín hiệu "giống như của thiết bị định vị khẩn cấp". Diễn biến mới này được cho là "manh mối đầy hứa hẹn".

Nhóm tín hiệu đầu tiên kéo dài trong 2 giờ 20 phút. Tàu Ocean Shield sau đó mất liên lạc với những tiếng "ping" này. Khi đang quay trở lại thì tàu phát hiện thêm đợt tín hiệu thứ hai, kéo dài khoảng 13 phút rồi lại mất liên lạc. Ocean Shield đang cố gắng xác định lại vị trí trên.

Các tín hiệu mới này được cho là không liên quan đến tín hiệu do tàu Hải tuần 01 của Trung Quốc thu được cách đó hơn 500 km về phía nam. "Hiện chúng đang là thông tin tốt nhất mà chúng tôi có", ông Houston nói. "Chúng tôi được tiếp thêm can đảm bởi đang ở rất gần nơi chúng tôi cần đến. Tuy nhiên, tôi muốn có thêm thông tin trước khi nói rằng 'đây là vị trí của MH370'".

Ảnh
Vị trí thu được tín hiệu nghi là của hộp đen MH370 cùng với vị trí "cái bắt tay" thứ 6 và 7. Đồ họa: AMSA.

Chris McLaughlin, nhân viên công ty vệ tinh Inmarsat của Anh, nói rằng vị trí phát hiện các tín hiệu phù hợp với khu vực mà MH370 gửi liên lạc dở dang vào 0h19 GMT 8/3, 8 phút sau khi thực hiện "cái bắt tay" hoàn chỉnh cuối cùng. McLaughlin từng giúp các nhà điều tra vẽ ra lộ trình có thể của MH370 bằng việc phân tích các "cái bắt tay".

Một nhóm chuyên gia quốc tế phân tích dữ liệu từ radar Malaysia và Boeing sau đó kết luận thêm rằng MH370 đã bay nhanh hơn ước tính, dẫn đến tiêu hao thêm nhiên liệu và có khả năng rơi xuống khu vực phía bắc của hành lang bay phía nam. Các đội tìm kiếm, theo đó, đã di chuyển hoạt động lên phía bắc so với những những ngày đầu.

Theo CNN, việc tìm kiếm các "ping" từ thiết bị ghi dữ liệu đang là bước đi chính trong quá trình điều tra, giúp thu hẹp khu vực nghi ngờ. Các nhà chức trách cho biết khu vực tìm kiếm MH370 hôm nay đã giảm xuống và hiện tập trung vào khu vực nhỏ hơn, rộng khoảng 77.580 km vuông, cách thành phố Perth 2.270 km về phía tây bắc.

Cũng trong hôm nay, hoạt động tìm kiếm sẽ sử dụng các phương tiện robot tìm kiếm MH370 dưới đáy Ấn Độ Dương bởi các quan chức cho rằng, cơ hội phát hiện dấu hiệu khả nghi trên mặt biển quá nhỏ. Theo ông Houston, cơ hội tìm thấy giảm xuống bởi sự ảnh hưởng của các dòng hải lưu mạnh và gió xoáy ở khu vực tìm kiếm trong tuần trước.

Ông Houston còn cho biết quá trình tìm kiếm đang ở giai đoạn nguy cấp bởi pin của hộp đen đang dần cạn kiệt hoặc đã hết.

"Tuổi thọ của thiết bị định vị trên phi cơ chỉ khoảng 30 ngày và chúng ta hiện đã vượt quá thời gian đó. Kết quả là thiết bị định vị sắp ngừng truyền hoặc đã ngừng truyền tín hiệu", chỉ huy trưởng cuộc tìm kiếm nhận định.

Theo VnExpress




Bình luận

  • TTCN (0)