Và không ít trong số đó đã được lấy cảm hứng từ những tựa game mà chúng ta vẫn chơi hàng ngày. Hãy cùng khám phá những công nghệ thú vị này trong bài viết dưới đây.

Gel cứu thương

Bất cứ ai đã từng chơi những tựa game hành động bắn súng đều quá quen với việc sử dụng một bộ đồ y tế để tự hồi phục vết thương cho mình. Và tất nhiên, không giống như trong game, bạn chỉ cần đi qua chúng là “hồi máu”, các nhà khoa học đã phát minh đã và đang phát triển một loại gel đặc biệt có thể ngay lập tức cầm máu và giúp chữa lành vết thương. Joe Landolina là người đã phát minh ra một loại gel giúp cầm máu ngay lập tức bằng cách tiêm vào vết thương. Chúng có thể liên kết các tế bào với nhau và kích hoạt cơ chế đông máu tự nhiên của cơ thể.

Cơ quan DARPA cũng bắt đầu sản xuất những bộ Medpac của riêng mình. Nó có dạng bọt và giúp ổn định lượng máu bên trong cơ thể. Tuy nó không thể chữa lành vết thương ngay lập tức nhưng nó giúp người bị thương có thêm thời gian để cấp cứu cũng như sơ cứu.

Cơ chế tự ngắm bắn

Rất nhiều người muốn đi săn nhưng việc đi săn không hề dễ giống trong game nếu họ không phải là những tay bắn súng giỏi. Không hề có những biểu tượng hình “chữ thập” trước mắt để người đi săn ngắm bắn.

Chính vì vậy, công ty TrackingPoint đã phát triển một khẩu súng trường có tên gọi là XS1. Điều đặc biệt ở khẩu súng này là nó có chế độ theo dấu, khi kích hoạt, nó sẽ đánh dấu mục tiêu và di chuyển theo sát đối tượng kể cả khi nó di chuyển. Tất cả người sử dụng cần làm là bấm cò súng và di chuyển theo mục tiêu đang được theo dõi. Tuy nhiên, súng chỉ nhả đạn khi điểm dấu mục tiêu hoàn toàn trùng với chữ thập của ống ngắm. Người bắn cũng có thể tự quyết định bắn khi chữ thập của ống ngắm chuyển sang màu đỏ. Các nhà chế tạo súng cho biết, khi bắn thiết bị điện tử tính toán đường đi của đạn (thiết bị tính toán đạn đạo) không chỉ dựa trên khoảng cách đến mục tiêu, mà còn tính đến cả hướng và tốc độ của gió.

Lựu đạn tự lập trình

Sự ra đời của những quả lựu đạn thông minh được các nhà khoa học lấy cảm hứng từ tựa game Gears of War nổi tiếng. Sau khi dành một ngày cuối tuần ngồi chơi game này, họ đã có một ý tưởng tuyệt vời để tạo ra những trái lựu đạn tự lập trình.

XM-25 được ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Đó là một bệ phóng tên lửa với những trái lựu đạn có thể được lập trình để kích nổ tại một địa điểm cụ thể trong không gian, chẳng hạn như trên đầu kẻ thù chẳng hạn.Trái lựu đạn này có thể giúp các binh sĩ có thể tiêu diệt mục tiêu nấp sau những bức tường hoặc vật cản cụ thể. XM-25 hiện đang được sử dụng bởi một số Lực Lượng đặc biệt Mỹ và quân đội đang cân nhắc sử dụng chúng rộng rãi hơn.

Màn hình hiển thị dữ liệu (HUD)

Trong những tựa game bắn súng, màn hình hiển thị của mỗi nhân vật thường hiển thị nơi bạn bè của bạn đứng, bản đồ khu vực và những dụng cụ trong người bạn (inventory). Trong thực tế, chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe về dự án Google Glass, giúp hiển thị hình ảnh trên kính, nhưng cũng có nhiều công ty khác đang cố gắng thâm nhập vào lĩnh vực này.

Các kĩ sư tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc Ulsan đã phát minh ra một loại kính áp tròng mềm có thể hiển thị hình ảnh lên mặt kính. Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, hi vọng trong tương lai gần chúng ta cũng có thể theo dõi lượng đạn, bom… cũng như tình trạng sức khỏe của mình giống như trong những game nổi tiếng.

Hiển thị lượng đạn trên súng

Người bắn súng đôi khi không thể kiểm soát được lượng đạn trên súng của mình, nhất là khi đang xảy ra giao tranh, điều này có thể gây ra nguy hiểm cho họ. Đó là lí do tại sao mà một công cụ tính toán lượng đạn được ra đời, cũng giống như trong game vậy. Nó cơ bản là một máy tính nhỏ chạy bằng pin AAA và được gắn vào súng. Nó sử dụng một máy gia tốc để đo mỗi lần nhả đạn và hiển thị nó trên màn hình nhỏ. Đây thực sự là một công cụ hữu ích và chính xác hơn rất nhiều, giúp người sử dụng súng có thể tính toán lượng đạn còn trong súng của mình để di chuyển hợp lí.

"Áo giáp" cho xe

Trong series game Battlefield, chiếc xe tăng của bạn có thể chịu được sức công phá của vài quả tên lửa mà không hề hấn gì. Nhưng trong thực tế, mọi thứ xảy ra khác hơn nhiều, xe tăng cũng không thể hứng trọn được sức công phá lớn đến vậy.

Tuy nhiên, DARPA cũng đã không làm mọi người thất vọng khi đưa game vào cuộc sống với một hệ thống “áo giáp” cho xe gọi là Bức Màn Sắt ( Iron Curtain). Nó sử dụng nhiều tấm kim loại để tạo ra một điện trường và một loạt các cảm biến để nhận diện đường đạn va chạm. Hai hệ thống này kết hợp với nhau để kích nổ bất kì quả lựu đạn hay tên lửa ngay trước khi chúng có thể chạm vào phương tiện, giúp bảo vệ chiếc xe và tính mạng con người bên trong.

Tăng lực

Những ai từng chơi game “ Bioshock” cũng khá quen thuộc với “Plasmids” – một loại thuốc tăng lực cung cấp cho bạn những siêu năng lực thực sự. Trong thực tế, con người không thể chế ra những loại thuốc như vậy, nhưng có những loại có thể kích thích sức mạnh trí tuệ của bạn ( Mental power) lên mức tối đa.

Chắc hẳn mọi người đã từng nghe về Ritalin hay Adderall chuyên dùng để tăng cường sự tập trung, nhưng loại mới nhất, đáng đề cập nhất với tác dụng cực kì nhanh và hiệu quả đó là Modafinil. Ý tưởng ban đầu nhằm giúp những người mắc chứng ngủ rũ hoặc những người hay làm việc ca đêm, nhưng nó đã được khai thác sử dụng để giúp con người có thể tỉnh táo trong thời gian dài. Modafinil cho phép mọi người không cần ngủ trong 40h mà không hề bị mệt mỏi, suy giảm trí tuệ và đang được nghiên cứu bởi Không quân Hoa Kì. Nó được sử dụng cho các phi công lái máy bay chiến đấu – những người thường xuyên phải hoạt động trên cao trong thời gian dài.

Điều khiển một nhân vật

Một trong những điểm chung của tất cả mọi game đó là bạn – người chơi – luôn điều khiển hành động của một nhân vật trong đó. Nhưng điều khiển một nhân vật điện tử chắc chắn sẽ không thích bằng điều khiển một nhân vật trong thực tế. Và qua game, các nhà khoa học tin rằng họ có thể làm được điều tương tự với động vật.

Các nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm iBionics của trường đại học Bắc Carolina cho rằng họ có thể điều khiển bộ não của loài gián thông qua máy tính với độ chính xác đáng kinh ngạc. Trưởng phòng nghiên cứu cho biết những chú gián này sẽ được dùng để đi vào những khu vực mà con người khó đi đến được.

Không chỉ có thế, các nhà khoa học đến từ đại học New York đã tạo ra được những chú chuột “robot”. Lợi ích của việc điều khiển những động vật sống là rất lớn, giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất các bộ phận phức tạp của các loại máy móc thông thường. Theo đó, động vật được kết nối trực tiếp đến não và được huấn luyện để phản ứng với các kích thích nhất định. Nghe có vẻ tốn kém nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng họ chỉ cần ít hơn 40$ để tạo ra một chú chuột như vậy.

Extra Lives

Trong game, chúng ta đã quá quen thuộc với khái niệm “Extra lives” hay được dịch nôm na là mạng phụ, cho phép bạn chết đi sống lại một cách thần kì. Và ý tưởng này hoàn toàn có thể đưa vào thực tế nhưng tất nhiên dưới một cách khác, không giống như trong thế giới ảo.

Mark Stephen Meadows là một trong những người tin rằng có thể tạo ra một cơ thể nhân tạo, bản sao của mình và điều khiển chúng từ xa. Khả năng chuyển dự liệu nhanh chóng và điều khiển những hoạt động tinh thần và thể chất qua một số giao diện là những công nghệ đã được ứng dụng trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cần thời gian để chúng trở nên tiên tiến hơn, chi phí rẻ hơn và dễ dàng sử dụng với mọi người.

Theo Genk/Listverse




Bình luận

  • TTCN (0)