Màn hình xanh chết chóc (BSOD) là cụm từ thường được nhắc đến nhiều ở các phiên bản Windows 98, Windows XP và thậm chí là Windows 7. Màn hình này thường xuất hiện khi một lỗi nghiêm trọng nào đó xảy ra khiến cho toàn bộ hệ thống ngừng làm việc ngay lập tức.

Ở Windows 8, hiện tượng này ít xảy ra hơn nhờ những công nghệ mới mà Microsoft áp dụng. Tuy nhiên nếu vào một ngày xấu trời nào đó, bạn đột ngột gặp lỗi này ở Windows 8, thì dưới đây là những biện pháp giúp bạn khắc phục hiện tượng này.

Tìm hiểu nguyên nhân

So với các hệ điều hành trước, màn hình xanh ở Windows 8 trông dễ chịu hơn nhiều vì những dòng thông tin rối rắm hầu như đã bị loại bỏ hoàn toàn. Trên màn hình chỉ đưa ra những thông tin quan trọng nhất, chẳng hạn như vùng khoanh đỏ trong bức hình dưới đây.

Mỗi khi hệ thống gặp sự cố, mặc định Windows sẽ tự khởi động lại và lưu một file ghi lỗi vào ổ cứng. Nếu chưa kịp nhìn thấy dòng thông báo lỗi trên màn hình xanh thì bạn có thể dựa vào file này để tìm thông tin về lỗi vừa xảy ra. Tuy nhiên rất khó để tìm file này bằng các công cụ có sẵn trong Windows, thay vào đó bạn có thể sử dụng các phần mềm bên thứ ba, chẳng hạn như công cụ BlueScreenView của NirSoft… Sau khi tải và khởi động BlueScreenView, bạn sẽ nhìn thấy một danh sách các lần màn hình xanh xuất hiện. Hãy để ý đến cột Bug check string – đây chính là nơi thông báo tình trạng của hiện tượng này.

Nếu phần mềm không ghi nhận lần xuất hiện màn hình xanh nào, có thể Windows chưa tự tạo ra các file ghi lỗi. Bạn vào Control Panel, tìm đến mục System and Security --> System --> Advanced system settings --> Startup and recovery, đánh dấu vào mục Write an event to the system logtrong phần System failure. Nếu muốn nhìn kĩ hơn dòng thông báo lỗi trên màn hình xanh, bạn có thể bỏ đánh dấu mục Automatically restart để máy không tự khởi động lại.

Nếu sau khi màn hình xanh xuất hiện, máy không vào được Windows mà chỉ hiện dòng Advanced startup, bạn hãy chọn mục Troubleshoot --> Advanced Options --> Startup Settings và vào Windows bằng chế độ Safe Mode.

Tiếp đến, mở Action Center – đây cũng là nơi cung cấp thông tin khi máy tính gặp lỗi. Trong Action Center, click dòng View archived messeges tại cột trái để xem những thông báo gần nhất.

Nếu Windows chỉ gặp lỗi phần mềm hoặc các vấn đề hệ thống khác mà không xuất hiện màn hình xanh, bạn có thể tìm thông tin về nó bằng chức năng WindowsEventViewer. Nhấn tổ hợp Windows+X và chọn dòng Event Viewer. Thông tin về ứng dụng vừa gặp lỗi sẽ được hiển thị trong phần Windows Logs. Nếu có nhiều thông tin xuất hiện tại đây, hãy dò theo thời điểm phát sinh lỗi tại cột Date and Time.

Tìm giải pháp trên mạng

Khi đã xác định được các dòng thông báo lỗi, bạn có thể dựa vào đó để tìm hiểu nguyên nhân cũng như biện pháp khác phục thông qua các bộ máy tìm kiếm như Google hay Bing.

Windows Action Center cũng là một nguồn có thể sử dụng để tiếp cận sự trợ giúp từ Internet. Ngoài việc hiển thị thông tin, nó có thể kiểm tra từ trang chủ của Microsoft và báo cho bạn nếu vấn đề này đã có giải pháp khắc phục.

Chẩn đoán và khắc phục sự cố

Nếu không thể tìm thấy bất kì thông tin nào liên quan đến vấn đề bạn đang gặp phải, hãy tự thân vận động, hay chính xác hơn là sử dụng những biện pháp khắc phục sự cố sẵn có trong Windows.

Trước hết hãy nhớ lại xem gần đây bạn có cài đặt một phần mềm hoặc driver (trình điều khiển) cho phần cứng nào không. Nếu có, rất có thể nguyên nhân là do driver đó đã quá hạn, hoặc phần mềm vừa cài đặt đã bị xung đột với các phần mềm cũ trong máy. Trong trường hợp này, bạn hãy vào Windows bằng chế độ Safe Mode rồi thử gỡ các đối tượng này ra khỏi hệ thống. Ngoài ra, bạn cũng có thể vào trang web của nhà sản xuất, tải về và cài đặt phiên bản mới nhất cho những đối tượng này.

Nếu đây là lần đầu tiên máy gặp lỗi màn hình xanh, bạn có thể sử dụng chức năng System Restore trong Windows để khôi phục các file hệ thống về thời điểm trước khi xảy ra lỗi. Tính năng này không xóa hay thay đổi các tệp tin cá nhân mà chỉ tác động tới các file hệ thống.

Ngoài ra nếu nghi ngờ máy tính nhiễm các phần mềm độc hại (malware), hãy cài đặt các phần mềm diệt virus để tìm diệt chúng. Tuy không được đánh giá cao nhưng công cụ Windows Defender có sẵn trong Windows 8 cũng có thể giúp bạn thực hiện việc này. Còn nếu kĩ tính hơn, bạn có thể dùng những công cụ có khả năng boot vào hệ thống, như một chiếc đĩa cứu hộ BitDefender hay Avast để quét và rà soát hệ thống mà không cần vào hệ điều hành, nhằm chặn đứng mọi đường lây lan cho máy tính từ gốc.

Nếu vẫn chưa giải quyết được vấn đề, Windows 8 còn có một chốt chặn cuối cùng, đó chính là chức năng Refresh. Sau khi sử dụng chức năng này, bạn sẽ có một hệ điều hành mới mẻ, sạch sẽ, không có phần mềm độc hại cũng như các phần mềm có khả năng gây xung đột hệ thống. Lúc này bạn chỉ cần cài lại những phần mềm mà bạn thường sử dụng.

Nếu đã thử qua tất các các cách trên mà máy vẫn “chứng nào tật ấy”, thì có thể vấn đề không nằm ở phần mềm mà là do phần cứng, chẳng hạn, RAM lỗi, CPU quá nóng hay các linh kiện bên trong bị hỏng hóc… Nếu bạn đã quen “vọc” phần cứng, hãy mở máy và kiểm tra lại một lượt xem có dấu hiệu bất thường không. Còn nếu chưa có nhiều kinh nghiệm với phần cứng thì không còn cách nào khác, các cửa hàng sửa chữa máy tính là giải pháp cuối cùng dành cho bạn. Chúc bạn thành công!

Theo Genk




Bình luận

  • TTCN (0)