Thiết bị lặn không người lái của Hải quân Mỹ đã rà soát vùng biển Ấn Độ Dương – nơi mà những người tham gia tìm kiếm phát hiện tiếng "ping" hi vọng là của MH370, nhưng rồi họ không tìm thấy gì.
Các quan chức Australia dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm cho biết, khu vực trên có thể loại trừ vì đây không phải là nơi cuối cùng máy bay đáp xuống.
Một chuyên gia của Hải quân Mỹ nói rằng, các tín hiệu "ping" mà thiết bị thu được chắc chắn không phải từ máy bay mất tích. Một người phát ngôn của Hải quân Mỹ sau đó cho biết, các bình luận trên rất khinh suất, nhưng giờ đây khi 850 km vuông đáy biển đã được ra soát kĩ lưỡng thì quan điểm trên lại được nêu ra.
Các nhà chức trách Australia và Malaysia vẫn cho rằng, máy bay đang ở đâu đó trong phạm vi rộng hơn thế, nhưng vẫn gần với khu vực họ đang tìm kiếm. Họ đã công bố các chi tiết dữ liệu vệ tinh đưa tới kết luận trên.
Những câu trả lời cho thảm họa bí hiểm trên vẫn cần nhiều tháng mới được sáng tỏ. Dưới đây là một số chi tiết về việc tìm kiếm MH370 mà AP đặt ra.
- Nếu các tiếng ping này không phải từ máy bay mất tích, điều này sẽ tác động tới việc tìm kiếm như thế nào?
Chỉ huy đội tìm kiếm là Angus Houston từng nói rằng các tiếng ping này là "manh mối hứa hẹn nhất" trong quá trình săn lùng MH370, nay việc kết luận các tiếng ping không liên quan tới máy bay mất tích thật sự là một thất vọng to lớn. Nhưng điều này không thay đổi hướng tìm kiếm máy bay.
Các quan chức đã lên kế hoạch mở rộng vùng tìm kiếm trước đó tập trung vào tiếng ping, và sẽ rà soát ở các khu vực rộng hơn nữa dựa trên phân tích dữ liệu vệ tinh.
- Tại sao lúc này không có ai tìm kiếm máy bay mất tích, và khi nào công việc này tiếp tục trở lại?
Thiết bị lặn không người lái Bluefin 21 đã hoàn tất việc rà soát đáy biển vào hôm qua. Các quan chức hiện nay phải tìm một tàu có thể lặn sâu hơn Bluefin để khảo sát vùng tìm kiếm mở rộng vì các vùng này chưa được lên bản đồ và chưa ai rõ độ sâu tối đa là bao nhiêu.
Các quan chức đang phải tổ chức kí kết với một công ty tư nhân để thuê thiết bị mới. Trung tâm Hợp tác chung – nơi đang đi đầu trong nỗ lực tìm kiếm – cho biết công việc này có sự tham gia của thiết bị lai dẫn định vị vật dưới nước bằng sóng siêu âm có lai dẫn sẽ được tiến hành vào tháng 8 tới.
- Khu vực tìm kiếm hiện tại rộng tới đâu, và thiết bị mới phải mất bao lâu mới rà soát hết?
Khu vực tìm kiếm hiện tại rộng 56.000 km vuông. Các quan chức cho biết phải mất một năm thiết bị mới có thể tìm kiếm kĩ lưỡng cả vùng biển này.
- Có những quốc gia nào tham gia tìm kiếm, và bằng cách nào?
Australia đang tham gia tìm kiếm. Tàu thăm dò Zhu Kezhen của Trung Quốc đang lập bản đồ đáy biển ở khu vực tìm kiếm mới, dù tàu này không tìm máy bay. Một tàu khác của Trung Quốc là Haixun 01 và tàu Bunga Mas 6 của Malaysia đang chuyển dữ liệu tìm kiếm do tàu Zhu Kezhen thu được hàng tuần tới Fremantle – Tây Australia, để các chuyên gia có thể xử lí. Quá trình khảo sát này có thể kéo dài 3 tháng.
- Quá trình tìm kiếm tốn kém bao nhiêu tiền và ai sẽ chi trả?
Australia có ngân sách 84 triệu USD cho việc tìm kiếm từ giờ tới tháng 6 năm sau. Cho tới lúc này, mỗi quốc gia tham gia tìm kiếm đều phải chịu phí tổn. Nhưng Thủ tướng Australia Tony Abbott nói rằng, ông sẽ không cần đóng góp của các nước khác giúp đỡ chi trả cho thiết bị mới.
- Về phía gia đình nạn nhân của MH370, những công việc đã và sẽ cần làm là gì?
Hàng không Malaysia đã chi trả cho gia đình người bị nạn khoản tiền phòng ở các khách sạn tại Malaysia và Trung Quốc trong khi chờ đợi thông tin mới từ máy bay mất tích. Họ cũng được hỗ trợ về hậu cần và tài chính, cũng như hỗ trợ cá nhân về mặt chỉ dẫn.
Đầu tháng 5, các trung tâm hỗ trợ đã đóng cửa và người nhà nạn nhân được yêu cầu rời đi. Hãng hàng không Malaysia cho biết, họ sẽ giữ liên lạc với gia đình nạn nhân và cập nhật thông tin mới.
Hàng không Malaysia cũng đã đền bù ban đầu cho một số gia đình, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Theo VietnamNet
Bình luận