Các chuyên gia vệ tinh khẳng định lực lượng cứu hộ vẫn chưa hề tiếp cận được khu vực mà MH370 có nhiều khả năng đã đâm xuống.
Ngày 17/6, công ty vệ tinh Inmarsat của Anh tuyên bố chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích MH370 vẫn chưa được tiến hành đúng địa điểm bởi lực lượng cứu hộ đã bị xao nhãng do một tín hiệu giả trong bối cảnh thời gian tìm kiếm chiếc máy bay bí ẩn này đã bước qua ngày thứ 100.
Các nhà khoa học của Inmarsat cho biết dựa trên các dữ liệu do vệ tinh thu thập được, họ đã tính toán ra đường bay khả quan nhất của MH370 và một “điểm nóng” trên vùng biển nam Ấn Độ Dương, nơi khả năng máy bay đâm xuống là cao nhất.
Căn cứ để Inmarsat tính toán ra “điểm nóng” này là các tín hiệu “ping” được động cơ máy báy gửi lên vệ tinh mỗi giờ kể từ khi chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar của đài kiểm soát không lưu rạng sáng ngày 8/3.
Tàu hải quân Ocean Shield của Úc đã được cử tới để điều tra khu vực “điểm nóng” này, tuy nhiên trước khi tới được địa điểm đó, các nhân viên trên tàu đã dò được một xung tín hiệu mà họ cho là được phát ra từ hộp đen của máy bay.
Dựa trên xung tín hiệu âm thanh này, lực lượng cứu hộ đã vạch ra một khu vực tìm kiếm mới và sử dụng tàu ngầm mini Bluefin-21 để lùng sục đáy biển suốt 2 tháng trời, thế nhưng họ không thể nào phát hiện ra được nguồn gốc của xung tín hiệu đó cũng như dấu vết của chiếc máy bay.
Chuyên gia Chris Ashton tại công ty Inmarsat cho biết: “Rõ ràng đó không phải là một địa điểm phi thực tế, tuy nhiên nó lại nằm chếch về phía đông bắc so với khu vực tiềm năng nhất mà chúng tôi vạch ra.”
Ông Ashton giải thích: “Chúng tôi có thể xác định đường bay trùng khớp với những tính toán về thời gian và vận tốc của máy bay để đưa ra vị trí cuối cùng của nó trên hành lang tìm kiếm, đó chính là điểm nóng nơi chúng tôi tin rằng MH370 đã đâm xuống.”
Sau khi bị dư luận chỉ trích dữ dội vì tìm kiếm suốt 2 tháng trời mà không ra kết quả, nhà chức trách Malaysia đã quyết định ngồi lại với các chuyên gia Inmarsat để xem xét việc công bố các dữ liệu thô của vệ tinh.
Tuy nhiên, những tín hiệu này phức tạp đến mức các chuyên gia độc lập khó có thể đưa ra kết luận về địa điểm rơi của máy bay khi xem xét chúng.
Ông Selamat Umar, người có con trai mất tích cùng chiếc máy bay xấu số tỏ ra nghi ngờ về động cơ của nhà chức trách Malaysia đằng sau động thái công bố dữ liệu thô của vệ tinh. Ông nói: “Tôi cảm thấy không tin tưởng vào tất cả các dữ liệu này. Tại sao họ lại công bố vào thời điểm này. Trước đây, khi chúng tôi yêu cầu, họ lại giấu nhẹm đi. Giờ thì chúng tôi có thể làm gì với số dữ liệu đó?”
Ông bố 60 tuổi này đưa ra nhận định: “Tôi cho rằng họ có thể đã thực hiện một vài thay đổi đối với những dữ liệu được công bố.”
Theo Khám Phá
Bình luận