Nghi vợ/ chồng có bồ - sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để cài phần mềm nghe lén, muốn giám sát hành tung của con cái cha mẹ cũng chi không ít tiền để cài phần mềm theo dõi con, muốn "phá” nhau trong kinh doanh, người ta cũng chấp nhận chi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để cài phần mềm moi thông tin từ các doanh nghiệp,... Và còn vô số lí do khác để cài phần mềm thông minh thu thập thông tin cá nhân của nhau.

Nhìn ở một góc hẹp hơn, việc nghe lén được hỗ trợ bằng công nghệ thông tin hiện đại đang chứng tỏ lòng tin và niềm tin giữa người với người đang giảm sút, thậm chí ở mức báo động. Từng có nhiều cách để theo dõi lén người khác, phổ biến nhất là thuê thám tử tư để nắm hành tung ngoại tình/ cặp bồ của vợ hoặc chồng, hoặc để nắm lịch làm việc, giao dịch hàng ngày của đối tượng cần theo dõi,... song cách này cũng dễ bị lộ. Còn vụ việc theo dõi lén người khác bằng công nghệ tinh vi, cài phần mềm vào điện thoại cá nhân của người khác, khiến chính người sở hữu điện thoại không hề hay biết là mình đang cõng "gián điệp” ngay bên mình- thì đúng là chuyện động trời,....

Người bị theo dõi thật khó có thể ngờ rằng hàng ngày, chồng/ vợ/ con cái hoặc đối tác làm ăn vẫn tay bắt mặt mừng, vẫn đóng kịch để vui vầy với nhau trong trong những bữa cơm ngoại giao hoặc ăn cơm sum họp gia đình ,... nhưng lại cười khẩy khi biết rằng tung tích của anh/ chị tôi đã nắm quá rõ trong lòng bàn tay. Nói gì thì nói, vì bất kì mục đích gì mà người với người hành xử với nhau theo cách ấy cũng là biểu hiện sự xuống cấp của văn hóa ứng xử, là sự xuống cấp của giá trị sống. Hay nói khác đi công nghệ thông tin hiện đại đã "tố” rằng, người với người đang sống trong sự ngờ vực và chơi xấu lẫn nhau. Như thế, sống để tin nhau đã khó, nói gì đến sống để yêu thương,....

Mấy hôm nay, vụ việc nghe lén qua điện thoại bị phát giác cũng đang trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi khắp nơi, từ quán trà đá, vỉa hè đến các cơ quan công sở. Có người lo lắng vì có thể mình cũng là nạn nhân của việc nghe lén mà lâu nay không đề phòng, cảnh giác. Lại có người cười xòa bảo rằng nếu vợ chồng, đối tác nghi ngờ nhau, không còn tin nhau nữa thì giải tán cho xong, việc gì phải mất thời gian và tốn tiền để dõi theo nhau cho mệt,... Nhưng rõ ràng có những thứ không thể nghĩ một cách đơn giản thế. Bởi theo phân tích thì các thông tin bị nghe lén bằng phần mềm thông minh, có thể thu thập từ điện thoại bị giám sát gồm: tin nhắn và các cuộc gọi đi, đến, định vị điện thoại, ảnh, lịch sử truy cập web, danh bạ... Nguy hại hơn, mật khẩu email, số tài khoản có thể bị chiếm dụng vào mục đích chiếm đoạt tài sản như thẻ tín dụng, tiền gửi trong tài khoản ngân hàng. Rồi các thông tin cá nhân đã lộ sẽ bị sử dụng làm thẻ tín dụng giả, tống tiền, bắt cóc,....

Hơn thế, việc cài đặt trộm phần mềm nghe lén vào điện thoại của người khác cũng vô cùng đơn giản, chỉ trong khoảng thời gian từ ba đến năm phút, kẻ xấu có thể cài đặt thành công phần mềm giám sát Mspy trên máy điện thoại người mình muốn theo dõi. Đáng lo ngại hơn khi cơ quan an ninh cho hay, hiện vẫn còn nhiều công ty vệ sĩ sử dụng phần mềm giám sát nghe lén để phục vụ nhu cầu của khách hàng,....

Từ sự việc này, nhiều người cũng đã cẩn thận hơn với chiếc điện thoại di động của mình. Dẫu vậy, có một điều chắc chắn là không phải ai sử dụng điện thoại thông minh cũng am hiểu về công nghệ thông tin, hoặc hiểu hết về tính năng của chiếc điện thoại đời mới mà mình đang xài. Dân gian có câu: "Phòng người ngay chứ không ai phòng được kẻ gian”. Liên hệ cụ thể vào những trường hợp bị người thân theo dõi mà chúng tôi được biết, nhiều bà vợ đã cay đắng thốt lên: không bao giờ tôi ngờ rằng chiếc Iphone chồng tặng trong ngày sinh nhật đã được cài phần mềm nghe lén,... Đưa ra ví dụ ấy cũng để khẳng định rằng, khi người ta cố tình làm một việc gì đó thì người bị hại cũng khó lòng mà lường trước.

Câu chuyện nghe lén khiến người ta liên tưởng tới những thói hư tật xấu của con người- trong đó có thói lừa lọc, dối trá, tò mò. Và cũng đã có một cuốn sách của các nhà nghiên cứu đúc kết về Phẩm chất thói hư và tật xấu của người Việt. Thực ra cuốn sách ấy đã hấp dẫn bạn đọc ngay từ khi nó mới còn ở dạng diễn đàn (cùng tên) trên báo chí. Nói thế để thấy rằng nhiều người không né tránh khi nói đến tật xấu đã được chỉ ra, để họ có dịp nhìn lại mình, hoàn thiện mình hơn. Chỉ tiếc là những thói xấu khó bỏ đang làm ảnh hưởng đến lòng tin giữa người với người - ở thời đại công nghệ số xem ra không giảm đi, mà nó tiềm ẩn những nguy cơ gây hệ lụy khôn lường cho xã hội.

Theo Đại Đoàn Kết.




Bình luận

  • TTCN (0)