"Theo số liệu và ghi nhận của chúng tôi thì người dùng Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến nguy cơ này, thể hiện ở việc tỉ lệ sử dụng phần mềm bảo mật di động tăng vọt so với những năm trước", ông Sebastian Osmolski, Giám đốc Amphonet ERM, đại diện của BitDefender chia sẻ với báo giới chiều 9/12.
Tuy vậy, ông Osmolski vẫn thừa nhận rằng, thói quen mua phần mềm diệt virus tại Việt Nam còn ở mức thấp. "Có những siêu thị điện máy cả ngày chỉ có một khách hỏi về phần mềm diệt virus nhưng cũng chưa chắc đã mua", ông cho biết. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức bảo mật cho người dùng thì bản thân các hãng bảo mật cũng cần phải cải tiến cách thức tiếp cận khách hàng tốt hơn. Trong số các giải pháp thì việc tăng cường kênh phân phối qua siêu thị để đẩy mạnh thói quen sử dụng phần mềm diệt virus là một hướng khả thi. Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia này thì những mô hình mới như cung cấp dịch vụ bảo mật di động theo tháng như một số nhà mạng đang làm cũng sẽ phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người dùng trong nước hơn là thu tiền theo năm.
Cuối tháng 6 vừa qua, dư luận rúng động trước thông tin hơn 14.000 smartphone Android bị lén cài phần mềm nghe lén PTracker của công ty Nhật Hồng. Mọi dữ liệu như danh bạ, tin nhắn các cuộc gọi đi và đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy điện thoại bị giám sát đều được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ. Điều đáng nói là trong tất cả các trường hợp, nạn nhân đều không hay biết là điện thoại của mình đã bị cài phần mềm nghe lén vì thiết bị không được trang bị các phần mềm diệt virus và quét mã độc.
Theo dự đoán, trong năm 2015, các ngân hàng tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng di động (mobile banking), phần mềm giao dịch chứng khoán qua ĐTDĐ và các sản phẩm tài chính hướng cá nhân khác, do đó, nhu cầu bảo mật di động sẽ càng trở nên cấp thiết.
Tuần trước, Báo cáo khảo sát về hiện trạng An toàn thông tin tại Việt Nam do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tiến hành cũng cho thấy người dùng, cơ quan, tổ chức trong nước còn lơ là cảnh giác với thiết bị di động. Có tới 81% cơ quan, tổ chức, đơn vị cho phép nhân viên được sử dụng thiết bị di động cá nhân như smartphone và tablet để truy cập mạng nội bộ nhưng 74% trong số này chưa hề có giải pháp nào để đảm bảo an toàn thông tin cũng như để quản lí các thiết bị nói trên.
Trong số 74% tổ chức nói trên, chỉ có 41% đang mong muốn tìm kiếm một giải pháp để quản lí, trong khi con số trả lời "Không có kế hoạch" vẫn lên tới 33%. Đây là một tâm lí mà nhiều chuyên gia bảo mật đã gọi tên là "coi như chuyện của nhà hàng xóm chứ không phải việc của mình", hay "chỉ đến khi sự cố xảy ra mới giật mình thấy bảo mật thông tin là quan trọng".
Theo VietNamNet.
Bình luận