Thí nghiệm của Facebook hoàn toàn hợp pháp. Ảnh: AOL.

Gần đây không chỉ riêng người dùng Internet mà còn cả giới công nghệ bàng hoàng trước những báo cáo về việc Facebook bí mật thực hiện một cuộc thử nghiệm tâm lí với một lượng lớn đối tượng người dùng dịch vụ này. Không chỉ chính những nạn nhân, cả những nhà phân tích cũng như các blogger nằm ngoài “cuộc chơi” đều tỏ ra phẫn nộ và mất lòng tin vào Facebook. Dưới đây là những phân tích của Computerworld giúp người dùng có một cái nhìn rõ hơn về cách mà Facebook tiến hành thí nghiệm của họ, tính pháp lí của cuộc thí nghiệm cũng như người dùng sẽ được gì từ cuộc thí nghiệm này.

Điều gì đã xảy ra với người dùng

Như đã từng đề cập trước đây, cuộc thí nghiệm của Facebook được công bố trong Kỉ yếu của Viện hàn lâm khoa học Nga. Facebook đã bí mật thực hiện cuộc thử nghiệm tâm lí người dùng trong giai đoạn 1 tuần - từ ngày 11/01/2012 đến 18/01/2012. Cuộc thí nghiệm trên được sự tham gia bất đắc dĩ của khoảng 689.003 người dùng Facebook sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Trong cuộc thử nghiệm, Facebook đã bí mật thay đổi các nội dung cập nhật mới (News Feed) cũng như những hình ảnh đăng tải mà người dùng có thể thấy trên tường nhà của họ. Động thái này được cho hay là nhằm mục đích “xem liệu việc tiếp xúc với những cảm xúc khác nhau có khiến mọi người thay đổi hành vi gửi bài riêng của họ hay không". Kết quả của hành động trên là người dùng sẽ không thể thấy những nội dung từ chính bạn bè của mình đã đăng tải, thay vào đó là những thông tin đã được thay đổi. Facebook cho rằng người dùng có thể thấy những nội dung đăng tải gốc của bạn bè mình nếu họ truy cập vào các trang cá nhân của bè bạn họ. Hầu hết các tin tức đã được cắt xén nhằm gây sự chú ý chủ yếu xuất hiện trên mục News Feed vì hầu hết người dùng cập nhật thông tin từ mục này.

Thí nghiệm tâm lí cho thấy điều gì

Cuộc thí nghiệm này cho thấy nếu người dùng nhận được các ý kiến tích cực, họ cũng sẽ đưa ra những ý kiến tích cực về một điều nào đó trong cuộc sống và ngược lại. Nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào điều mà các nhà khoa học gọi là sự “lây lan cảm xúc” hay nói khác đi đó là khả năng ảnh hưởng của cảm xúc từ người khác đến bản thân.

Facebook nói gì

Adam Kramer, nhà khoa học dữ liệu của Facebook người đã tham gia vào nghiên cứu đã chính thức xin lỗi vì đã gây ảnh hưởng người sử dụng dịch vụ này. Trong một bài đăng trên Facebook, Kramer đã viết rằng mục tiêu của cuộc nghiên cứu này không nhằm làm mất lòng tin cũng như gây khó chịu cho người sử dụng Facebook. Kramer cùng các đồng tác giả của cuộc nghiên cứu trên rất lấy làm tiếc về cách mà các bài báo cáo đã mô tả về cuộc thí nghiệm cũng như bất kì những mối băn khoăn lo lắng gây ra từ cuộc thử nghiệm tâm lí này.

Adam Kramer cũng chỉ ra rằng chỉ một lượng nhỏ người dùng, khoảng 0,04% trong số họ bị ảnh hưởng bởi công cuộc nghiên cứu này. Được biết, lượng người dùng Facebook hiện tại đã hơn con số 1 tỉ người.

Thí nghiệm này có hợp pháp?

Câu trả lời ngắn gọn là có. Những tác giả của cuộc nghiên cứu đã chú thích trong các tài liệu nghiên cứu rằng người dùng dịch vụ đã hoàn toàn đồng ý với thỏa thuận về việc công ty có thể thao túng những thông tin trong mục News Feed của họ khi họ click vào mục thỏa thuận các điều khoản sử dụng dịch vụ này.

Theo Jeff Kagan, một nhà phân tích độc lập cho rằng nếu người sử dụng không biết rằng việc nhấn chọn đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ đồng nghĩa với việc chấp nhận Facebook có thể thay đổi các nội dung hiển thị thì đó là lỗi của riêng họ.

Patrick Moorhead, một chuyên gia phân tích khác cho rằng về mặt pháp lí, ngay cả khi mọi người không bao giờ đọc các điều khoản, họ vẫn bị ràng buộc. Chỉ một vài trường hợp ngoại lệ tại Mỹ như vay vốn ngân hàng hay bảo hiểm tài liệu. Song, trường hợp của Facebook hoàn toàn khác biệt với những ngoại lệ trên.

Vấn đề về đạo đức và công bằng

Theo các chuyên gia phân tích, có thể nói, câu hỏi đặt ra về việc liệu cuộc thí nghiệm của Facebook có vi phạm đạo đức hay thiếu công bằng hay không hoàn toàn khác biệt với câu hỏi liệu cuộc thử nghiệm này có hợp pháp hay không. Sai lầm lớn nhất của Facebook từ cuộc thử nghiệm này chính là sự thiếu chăm sóc khách hàng và bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng dịch vụ. Cách mà Facebook bí mật thử nghiệm cho thấy hãng dường như không quan tâm đến những mối quan tâm của người sử dụng. Cũng có thể xem đây là một nhược điểm của bất kì trang web hay dịch vụ cung cấp miễn phí ngày nay.

Ảnh
Liệu người dùng có chọn giải pháp từ bỏ Facebook. Ảnh: urbantimes.

Người dùng có những lựa chọn gì?

Có thể nói người dùng chỉ có duy nhất một lựa chọn đó là ngừng sử dụng dịch vụ. Tuy vậy, lời khuyên này có vẻ không mấy ý nghĩa khi mà trước đây Facebook từng đã tham gia vào những hoạt động dấy lên lo ngại về bảo mật và chọc tức người sử dụng. Thực tế là đến thời điểm này, vẫn chưa có bất kì cuộc “di cư” hàng loạt nào khỏi Facebook.

Chuyên gia phân tích Patrick Moorhead cho hay, Facebook không còn đáng tin cậy nữa khi công ty này thường xuyên dòm ngó sự riêng tư của người dùng. Song, lí do vì sao chưa xảy ra những cuộc “di cư” hàng loạt vẫn còn rất khó xác định – khi mà một số người không quan tâm về sự riêng tư, cũng có một số người chọn cách ở lại vì không tìm được một lựa chọn thay thế; và cũng có cả những đối tượng không biết hoặc hiểu những bất lợi từ những sự xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.

Theo PC World VN. Nguồn Computerworld.




Bình luận

  • TTCN (0)