Mật khẩu nên kết hợp nhiều loại kí tự như số, chữ thường, chữ hoa và kí tự đặc biệt

Hẳn bạn không còn xa lạ với tính năng Find my Phone để tìm lại điện thoại bị mất. Tuy nhiên sau khi điện thoại lọt vào tay kẻ xấu, nhiều khả năng các thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng trên máy đã bị khai thác trước khi Find my Phone kịp phát huy công dụng. Bài viết sẽ gợi ý thêm 5 biện pháp pháp phòng vệ cho điện thoại để bảo đảm dữ liệu trong máy luôn được an toàn ngay cả khi xảy ra tình huống xấu nhất.

1. Đặt mật khẩu đủ mạnh

Mặc dù mật khẩu dạng số (mã PIN) hoặc kiểu mẫu vẽ (Pattern) là hai loại mật khẩu được nhiều người ưa thích sử dụng, bạn nên tăng mức độ bảo mật cho máy bằng cách kết hợp ngẫu nhiên các kí tự khác nhau như chữ viết thường, chữ in hoa, số đếm và các biểu tượng đặc biệt khi đặt mật khẩu, với độ dài trên 8 kí tự. Để đặt mật khẩu cho thiết bị Android, bạn vào Settings > Security > Screen lock > Password. Trên iPhone, bạn vào Settings > General > Passcode Lock.

2. Sử dụng tính năng mã hóa của thiết bị

Nếu như các dòng iPhone đều tự động mã hóa dữ liệu khi người dùng đặt mật khẩu thì ở các thiết bị Android, bạn cần kích hoạt tính năng này bằng cách vàoSettings -> Security -> Encrypt phone (hoặc Encryption ở một số phiên bản).

Bằng cách này, bạn được cung cấp các tùy chọn mã hóa tài khoản, ứng dụng, các thiết lập và dữ liệu trên máy. Thời gian mã hóa tùy thuộc vào lượng dữ liệu được mã hóa, giao động từ vài phút đến vài giờ, do vậy trước khi bắt đầu quá trình này, bạn nên sạc pin đầy đủ hoặc an toàn hơn là cắm sạc cho đến khi kết thúc quá trình mã hóa, vì nếu quá trình bị gián đoạn, nhiều khả năng dữ liệu đang mã hóa dở sẽ bị mất hoàn toàn.

3. Sử dụng mạng riêng ảo (Virtual Private Network)

Nếu bạn thường xuyên truy cập Wi-Fi ở các quán cafe internet, bạn nên sử dụng một mạng riêng ảo (VPN) để đảm bảo sự an toàn và hạn chế sự truy cập không mong muốn thông qua các mạng Wi-Fi nói trên. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng giúp bạn thực hiện việc này trên Google Play (với Android) và iTunes (với iOS). Bạn chỉ cần vào các kho ứng dụng tương ứng và gõ từ khóa "VPN".

4. Sử dụng ứng dụng mã hóa tin nhắn

Để đảm bảo độ bảo mật cho các tin nhắn SMS với bạn bè, đồng nghiệp hoặc đối tác, bạn nên cài đặt một ứng dụng mã hóa tin nhắn. Bất tiện lớn nhất khi dùng những ứng dụng này là cả 2 bên gửi và nhận tin nhắn đều phải cài đặt cùng một ứng dụng, chưa kể một số ứng dụng không thể hoạt động khi bạn ra nước ngoài. Bản thân iMessage trên iOS và BlackBerry Messager là những ứng dụng đã được mã hóa, ngoài ra bạn có thể tìm được nhiều ứng dụng tương tự khi truy cập kho ứng dụng dành cho iOS, Android và Windows Phone.

5. Sử dụng ứng dụng mã hóa cuộc gọi

Ứng dụng mã hóa cuộc gọi sẽ đảm bảo cuộc trò chuyện trên điện thoại của bạn không bị nghe lén, nhưng tương tự như các ứng dụng mã hóa tin nhắn, một ứng dụng mã hóa cuộc gọi chỉ có thể đảm bảo độ bảo mật nếu cả máy gọi và máy nghe đều cài đặt chung một ứng dụng. Chỉ một trong hai bên không sử dụng dịch vụ này, cuộc gọi giữa họ sẽ không được mã hóa. Do vậy, nếu muốn có những cuộc trò chuyện an toàn với những người bạn của mình, bạn nên giới thiệu với họ ứng dụng mã hóa cuộc gọi mình đang sử dụng.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)